Sốt xuất huyết hiện đang diễn biến rất phức tạp khiến nhiều người hoang mang. Nhiều bạn đọc thắc mắc muỗi Sốt xuất huyết đốt lúc nào? Biết được thời điểm này có thể giúp bạn phòng ngừa bị muỗi đốt và giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết tốt hơn.
05/10/2020 | Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em: dấu hiệu và hướng điều trị đúng cách 28/09/2020 | Thực đơn cho người bị sốt xuất huyết nên ăn gì? 28/09/2020 | Những dấu hiệu sốt xuất huyết đặc trưng ai cũng nên biết
1. Đặc điểm loài muỗi gây bệnh Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, chúng không thể tự lây truyền trực tiếp sang người mà cần vật chủ trung gian, đó chính là muỗi cái Aedes Aegypti.
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra
Loài muỗi làm vật chủ trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết thuộc chi Aedes, loài Aedes aegypti là phổ biến, ngoài ra còn có loài Aedes Albopictus.
Đặc điểm của loài muỗi Aedes aegypti là có vằn trắng trên cơ thể, thường cư trú tại những nơi có ánh sáng yếu, vùng tối trong nhà ở khu vực có nhiều người. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy nó ở nhà vệ sinh, trong tủ quần áo, dưới rèm cửa, tủ, gầm giường, trong hộc tủ,…
Do sống trong nhà và trong các khu vực ít gió và ánh sáng, muỗi Aedes aegypti có thể sống lâu và có thể mang virus gây sốt xuất huyết từ người bệnh này sang người lành khác. Muỗi vằn đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước trong nhà và quanh nhà, vì thế hạn chế ao tù nước đọng và phát quang bụi rậm là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa muỗi.
2. Muỗi sốt xuất huyết đốt lúc nào?
Trứng muỗi sẽ nở sau khi tiếp xúc với nước, thời gian muỗi trưởng thành là khoảng 24 giờ. Sau đó chúng sẽ hút máu nhiều lần để chuẩn bị cho việc đẻ trứng sau 2 - 5 ngày. Một con muỗi cái có thể đẻ 5 lần, mỗi lần vài chục trứng nên nếu gặp điều kiện tốt, chúng có thể nhân số lượng rất nhanh.
Muỗi lây bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động vào ban ngày
Thời gian hoạt động hút máu của muỗi Aedes Aegypti là ban ngày, đặc biệt là lúc sáng sớm khi mặt trời vừa mọc và buổi chiều tối trước khi tắt ánh sáng. Nếu để ý bạn sẽ thấy, vào thời điểm chập tối trước khi mặt trời lặn khoảng 1 giờ, muỗi vằn bay rất nhiều. Ngoài hai thời điểm chính này, muỗi sốt xuất huyết vẫn hoạt động hút máu suốt cả ngày, kể cả vào ban đêm.
Muỗi Aedes aegypti chỉ gây bệnh sốt xuất huyết nếu chúng mang trong người virus gây bệnh. Virus này lây truyền khi muỗi đốt người mắc bệnh, sau đó là thời gian ủ bệnh cho virus phát triển và nhân lên, sau đó truyền sang người lành khi muỗi đốt. Loài muỗi này có một đặc tính là khả năng hút máu ngắn quãng, chúng có thể đốt nhiều người trong thời gian ngắn, vì thê khả năng gây dịch sốt xuất huyết rất cao.
Dựa trên đặc điểm cư trú và sinh sống của loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết này, mọi người nên tránh ở những nơi tối, nhiều cây cối rậm rạp vào thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Nếu không, cần mặc quần áo dài, dùng kem chống muỗi để hạn chế bị muỗi cắn.
3. Diễn biến bệnh sau khi muỗi truyền sốt xuất huyết
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đánh giá, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm đáng lo ngại nhất do muỗi gây ra bởi tốc độ lây lan rất nhanh, có thể bùng dịch với quy mô lớn. Ở nước ta, Sốt xuất huyết cũng là bệnh phổ biến, các phương pháp kiểm soát bệnh chủ yếu là phòng ngừa muỗi sinh sôi, phát triển và gây truyền bệnh.
Sau khi virus gây sốt xuất huyết lây truyền từ muỗi vằn sang cơ thể, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng bệnh nhanh chóng. Sau 4 - 7 ngày, triệu chứng khởi phát là sốt cao liên miên. Sau đó, người bệnh cảm thấy đau đầu dữ dội, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, các khớp cơ cũng đau nhức.
Virus sốt xuất huyết gây tổn thương sâu bên trong bạch huyết và mạch máu, khiến cơ thể bệnh nhân giảm tiểu cầu tới mức có thể gây xuất huyết, các triệu chứng lúc này là: chảy máu cam, đại tiện ra máu, chảy máu chân răng,…
Nếu xuất huyết nặng không được kiểm soát, huyết áp tụt nhanh chóng, thân nhiệt người bệnh giảm đến dưới 35 độ C, tình trạng sốc này có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu không cấp cứu điều trị kịp thời, tình trạng mất máu nhiều, huyết tương tăng gây tràn dịch màng phổi, phù não gây hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng.
Sốc và mất máu có thể khiến bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong
4. Điều trị sốt xuất huyết thế nào?
Sốt xuất huyết do Virus gây ra nên cách điều trị tốt nhất là tăng cường hệ miễn dịch để cơ thể sản sinh kháng thể tự chống lại bệnh. Để cải thiện hệ miễn dịch, người bệnh cần được nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là Vitamin. Ngoài ra, bệnh nhân sốt xuất huyết cần được theo dõi cẩn thận, chăm sóc y tế khi có dấu hiệu sốc do xuất huyết nặng, xử lý kịp thời nếu có biến chứng.
Điều trị sốt xuất huyết hiện nay vẫn là điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng và ngừa sốc gồm:
Dùng thuốc hạ sốt
Bệnh nhân sốt xuất huyết trong những ngày đầu bị sốt cao sẽ cần sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol, không sử dụng thuốc hạ sốt aspirin hoặc ibuprofen. Việc sử dụng sai thuốc hạ sốt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, như Aspirin có tác dụng ngăn tiểu cầu tập kết, khiến bệnh nhân xuất huyết dạ dày nặng.
Biện pháp hạ sốt hỗ trợ
Sốt cao khiến người bệnh khó chịu, suy kiệt, một số biện pháp sau sẽ giúp giảm bớt triệu chứng: đắp khăn ấm lên trán, lau nách, lau người,…
Uống nước và điện giải
Bù nước và điện giải giúp hạ sốt và tăng cường miễn dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Người lớn cần uống 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày, ngoài nước có thể bổ sung nước trái cây, nước điện giải Oresol.
Uống nhiều nước giúp bệnh nhân hạ sốt hiệu quả
Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, kể cả trẻ em hay người lớn mắc bệnh. Vì thế không được chủ quan, khi thấy bất cứ dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám và theo dõi. Điều trị sốt xuất huyết tại nhà cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Như vậy, MEDLATEC đã trả lời bạn đọc thắc mắc muỗi sốt xuất huyết đốt lúc nào? Hiện nay dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp, mỗi người nên chủ động tự phòng tránh bệnh, kết hợp với ngành y tế để hạn chế dịch bệnh lan rộng.