Nguyên nhân gây ra tình trạng mụn ở hậu môn rất đa dạng, có thể là do vệ sinh cá nhân kém, do nứt hậu môn,... Cần tìm ra nguyên nhân chính xác gây mọc mụn ở hậu môn và điều trị, tránh mụn vỡ ra gây nhiễm trùng hoặc biến chứng nặng.
19/04/2022 | Mụn nhọt mùa hè và những điều có thể bạn chưa biết 22/02/2022 | Loại vitamin nào cần thiết cho làn da bị mụn - Tìm hiểu ngay để giảm mụn 12/01/2022 | Vị trí nổi mụn nói lên điều gì - bác sĩ Da liễu tư vấn cụ thể
Dưới đây là những loại mụn ở hậu môn thường gặp nhất, nguyên nhân cùng cách xử lý đã được MEDLATEC tổng hợp và chia sẻ đến bạn đọc.
Mụn ở hậu môn khá phổ biến khiến không ít người e ngại
1. Mọc mụn nhọt ở hậu môn
Mụn nhọt ở hậu môn là những mụn to, mềm, có vết sưng và chứa rất nhiều mủ. Mụn nhọt có thể không quá lớn nhưng gây đau đớn, khó chịu nhiều, nhất là khi có tác động ma sát khi ngồi hoặc với quần áo. Nguyên nhân gây mụn nhọt nổi ở hậu môn là do thói quen sinh hoạt, vệ sinh không tốt khiến nang lông bị tắc và hình thành mụn - mủ.
Tắc lỗ chân lông gây nổi mụn nhọt ở hậu môn
Khi lỗ chân lông bị tắc, bụi bẩn, dịch mủ tích tụ lấp đầy trong lỗ chân lông và hình thành mụn gây đau đớn. Nguyên nhân chính là do tuyến dầu hoạt động quá mức, tạo ra lượng lớn sợi bã nhờn và làm tắc lỗ chân lông.
Vậy tại sao vùng da hậu môn lại bị tăng tiết dầu?
-
Do mồ hôi và độ ẩm giữ lại trên da sau khi đi vệ sinh hoặc tắm rửa.
-
Do vi khuẩn từ phân còn sót lại hoặc do hoạt động tình dục, phản ứng với hệ thống miễn dịch kích thích tuyến bã nhờn.
-
Do thay đổi hormone như độ tuổi dậy thì, kinh nguyệt, mang thai hoặc do căng thẳng,... khiến cơ thể đổ nhiều bã nhờn hơn.
Mụn nhọt thường mọc ở hậu môn do thói quen sinh hoạt không tốt
Nổi mụn nhọt hậu môn do thói quen sinh hoạt không hợp lý
Những thói quen xấu gây nổi mụn ở hậu môn và vùng kín gồm: sử dụng sản phẩm vệ sinh không phù hợp, kích ứng da do ngồi lâu, quần lót bị ẩm, mặc quần áo quá bó sát, do ăn nhiều thực phẩm chứa đường, sữa tinh chế, dầu mỡ, vệ sinh vùng kín không sạch sẽ,...
Mụn nhọt ở hậu môn do tắc lỗ chân lông và thói quen vệ sinh không tốt khá dễ xử lý. Bạn cần lưu ý làm sạch, khô vùng kín sau mỗi lần đi vệ sinh, tắm rửa,... Ngoài ra, cần chọn quần lót với vải cotton thông thoáng, tránh mặc quần áo ẩm ướt, tránh nặn mụn hoặc tẩy lông quá mức gây kích ứng da.
2. Mọc mụn ở vết nứt hậu môn
Vết nứt ở bên trên hoặc bên trong hậu môn có thể gặp do táo bón khiến phân cứng, to, khi đi vệ sinh vô tình làm rách da vùng hậu môn. Khi vết nứt này bắt đầu lành lại, da có thể hình thành mụn sưng to gây đau đớn, nóng rát và chảy máu khi đi vệ sinh. Nhiều trường hợp vết nứt hậu môn khó lành, kéo dài và trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần tiêm botox hoặc làm phẫu thuật.
Để giảm đau và nhanh khỏi với các mụn mọc trên vết nứt hậu môn, bạn cần có chế độ ăn lành mạnh hỗ trợ tiêu hóa và đi vệ sinh như sau: nhiều rau củ quả, chất xơ, uống thuốc nhuận tràng tạm thời, chế độ ăn nhẹ nhàng,... Ngoài ra, bôi thuốc mỡ diltiazem có tác dụng rất tốt giúp giảm đau, giảm co sát giữa mụn ở hậu môn với quần áo.
Mụn có thể mọc ở vết nứt hậu môn do táo bón
3. Mọc mụn ở hậu môn do trĩ
Trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở trực tràng hoặc hậu môn bị sưng dẫn đến mở rộng mô hậu môn, tạo thành các vết sưng to khá giống mụn. Mặc dù không phải là mụn nhưng những vết sưng to do trĩ này gây nhiều đau đớn, ngứa ngáy nhất là trong và sau khi đi tiêu.
Bệnh trĩ thường gặp ở phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người có chế độ ăn uống ít chất xơ, lười vận động,... Tùy vào tình trạng bệnh mà có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt bỏ. Nếu mụn mọc ở hậu môn do trĩ mới xuất hiện, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng những lưu ý sau:
-
Uống nhiều nước.
-
Chế độ ăn giàu chất xơ.
-
Mặc quần áo rộng rãi, tránh cọ xát vùng hậu môn quá nhiều sau khi đi tiêu.
-
Thư giãn cơ thể, giảm căng thẳng.
-
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc kem bôi trĩ.
4. Mụn cóc mọc ở hậu môn
Một dạng mụn khác khá thường gặp ở hậu môn là mụn cóc sinh dục, tác nhân gây bệnh là virus HPV lây truyền qua đường tình dục. Những mụn này có kích thước khá nhỏ, chỉ khoảng 5mm hoặc nhỏ hơn nhưng chúng có thể xuất hiện với số lượng lớn, phát triển nhanh chóng lan từ cơ quan sinh dục đến lỗ hậu môn.
Mụn cóc mọc ở hậu môn gây nhiều đau đớn
Mụn cóc ở hậu môn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như chảy máu, ngứa, tiết nhiều dịch nhầy, khó chịu và đau đớn khi đi tiêu,... Nếu bị xuất hiện những mụn nhỏ trùng màu da nghi ngờ do mụn cóc sinh dục, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để xử lý và điều trị, tránh mụn lan rộng.
5. Mụn do bệnh u mềm lây ở hậu môn
U mềm lây là bệnh da liễu do virus gây ra, trong dân gian còn gọi là mụn sẩn. Đặc điểm của những nốt mụn sẩn hậu môn là có màu trong suốt, vàng, đỏ hoặc hồng, hình tròn, trơn tru và chắc chắn. U mềm lây xuất hiện ở hậu môn và cơ quan sinh dục là do lây nhiễm qua đường tình dục, triệu chứng ở mỗi người có thể khác nhau.
U mềm lây thường tự biến mất mà không cần điều trị, tuy nhiên nếu số lượng mụn nhiều và kéo dài cũng gây ảnh hưởng không ít đến người bệnh. Do vậy, để loại bỏ mụn nhanh chóng, bệnh nhân vẫn nên đến bệnh viện khám và điều trị.
Thuốc điều trị là thuốc mỡ chứa các thành phần như acid salicylic, kali hydroxit, podophyllotoxin,...
6. Mụn thịt mọc ở hậu môn
So với các loại mụn khác, mụn thịt mọc ở hậu môn tương đối lành tính và phổ biến, ngoài hậu môn thì mụn có thể gặp ở bất cứ vùng nào trên da. Dù lành tính nhưng mụn thịt mọc hậu môn có thể gây đau đớn, chảy máu nếu chà xát quá mạnh.
Mụn thịt ở hậu môn thường chỉ gây đau khi cọ xát
Để đảm bảo tính thẩm mỹ, giảm đau đớn do cọ xát, bác sĩ có thể gợi ý điều trị bằng phẫu thuật loại bỏ. Phẫu thuật này khá đơn giản và thực hiện nhanh chóng.
Như vậy, mụn ở hậu môn có rất nhiều loại và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, dù hầu hết là lành tính nhưng không nên chủ quan trong thăm khám và điều trị. Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ điều trị.