Hội chứng hậu huyết khối có liên quan đến tình trạng cục máu đông ở tĩnh mạch sâu trong cơ thể, chủ yếu là ở chân. Khi từng bị huyết khối cấp tĩnh mạch sâu từ trước mà không điều trị hoặc điều trị sai cách sẽ gây ra hội chứng này và có thể khiến người bệnh phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
16/08/2021 | Các vấn đề liên quan đến huyết khối tĩnh mạch sâu 09/01/2020 | Xét nghiệm D-dimer khi mang thai giúp chẩn đoán bệnh lý huyết khối
1. Thế nào là hội chứng hậu huyết khối
Huyết khối tĩnh mạch cấp xảy ra khi có cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Giai đoạn mãn tính của bệnh này sẽ gây ra tình trạng máu đông co nhỏ lại sau đó dần dần trở thành mô xơ và dính vào thành tĩnh mạch. Hậu quả của nó chính là thành tĩnh mạch mất tính mềm mại co giãn vốn có và ngày càng dày lên làm cho lòng tĩnh mạch bị hẹp ở nhiều mức độ khác nhau, thậm chí còn bị tắc hoàn toàn. Ngoài ra, nó còn khiến cho các van tĩnh mạch bị tổn thương nên không đảm nhận tốt chức năng ngăn cản không cho dòng máu chảy ngược.
Hội chứng hậu huyết khối là hệ quả của bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới không được điều trị hiệu quả
Hội chứng hậu huyết khối là tình trạng xảy ra với những người có tiền căn với bệnh huyết khối cấp tĩnh mạch sâu nhưng không được trị bệnh hoặc trị bệnh không đúng cách. Đây là biến chứng mạn tính hàng đầu ở huyết khối tĩnh mạch sâu chân. Trong số các bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu chân thì có khoảng ⅓ bệnh nhân không có triệu chứng trong suốt một thời gian dài và ⅔ bệnh nhân sẽ tiến triển thành hội chứng hậu huyết khối, 50% bệnh nhân trong số này ở thể nặng.
2. Nguyên nhân và biểu hiện của hội chứng hậu huyết khối
2.1. Nguyên nhân gây ra hội chứng
Như đã nói ở trên, hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch vốn là kết quả của sự xuất hiện huyết khối tĩnh mạch, vì thế, các yếu tố sau đây được xem là đóng vai trò làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này:
- Khả năng vận động suy giảm do mới có một cuộc phẫu thuật gần đây và đông máu do tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể tăng lên.
- Khả năng vận động bị hạn chế do nguyên nhân bệnh lý.
- Khả năng di chuyển bị hạn chế do mất một thời gian dài phải di chuyển bằng các phương tiện như máy bay, tàu,...
- Tĩnh mạch sâu bị tổn thương.
- Rối loạn máu di truyền gây tăng đông máu.
- Điều trị bệnh ung thư.
- Đang trong thai kỳ.
Các yếu tố trên khi kết hợp cùng một số điều kiện sau sẽ dễ mắc hội chứng hậu huyết khối ở tĩnh mạch chân:
- Dư thừa quá mức về cân nặng.
- Có nhiều huyết khối tĩnh mạch.
- Tăng áp lực ở tĩnh mạch chi dưới.
- Đã tiến hành phẫu thuật lấy huyết khối ở đầu gối.
- Bị huyết khối tĩnh mạch nhưng không sử dụng thuốc chống đông.
2.2. Những biểu hiện của hội chứng
Hội chứng hậu huyết khối được xem là hệ quả của hiện tượng dòng máu hồi lưu về tim của tĩnh mạch chân bị cản trở nên gây ứ đọng, làm tăng áp lực tĩnh mạch và viêm. Người bệnh sẽ có một loạt các biểu hiện như:
Ngứa ran ở chân là biểu hiện thường gặp ở hội chứng hậu huyết khối
- Có cảm giác khá nặng nề ở chân khi vận động.
- Chân bị chuột rút, ngứa ran mà không rõ nguyên nhân.
- Khi đứng lên sẽ tăng cảm giác đau ở chân còn khi nghỉ ngơi hoặc nâng cao chân thì cảm giác đau giảm xuống.
- Giãn rộng tĩnh mạch chân.
- Sưng ở chân.
- Da chân sạm hoặc mẩn đỏ trong thời gian dài.
Về cơ bản, các biểu hiện của hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch chân tương đối giống với bệnh suy tĩnh mạch sâu mãn tính ở chân. Có những trường hợp cơn đau khiến bệnh nhân cứ đi được một đoạn thì phải dừng lại hoặc da vùng thấp của cẳng bàn chân thay đổi, bị lở loét khó lành hoặc không thể lành lại được.
3. Phương pháp điều trị
Hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch chi dưới ở mỗi người có mức độ nặng nhẹ không giống nhau vì nó phụ thuộc nhiều vào sự biến đổi của cục máu đông mạn tính làm tắc hẹp hoặc phá huỷ van tĩnh mạch như thế nào. Vì thế việc điều trị cũng sẽ có sự khác nhau ở từng bệnh nhân, cụ thể như:
Khi thấy cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân điều trị can thiệp hội chứng hậu huyết khối
- Hướng dẫn bệnh nhân thay đổi lối sống.
- Chỉ định cho bệnh nhân dùng vớ tĩnh mạch phù hợp với kích cỡ của chân và giai đoạn bệnh cụ thể.
- Dùng thuốc hỗ trợ tĩnh mạch.
- Điều trị can thiệp tĩnh mạch với những trường hợp bệnh ở giai đoạn nặng:
+ Đặt stent tĩnh mạch với mục đích tái thông tĩnh mạch bị tắc hoặc hẹp nặng: áp dụng với trường hợp tĩnh mạch lớn ở bụng chậu.
+ Bóc nội mạch tĩnh mạch: áp dụng với trường hợp bị hẹp nặng hoặc tắc tĩnh mạch ở đùi vì vị trí này không phù hợp để đặt stent tĩnh mạch.
+ Sửa van tĩnh mạch: áp dụng với trường hợp van bị tổn thương gây dòng chảy ngược trong tĩnh mạch đùi chung.
+ Chuyển vị tĩnh mạch: thực hiện phẫu thuật để chuyển một đoạn tĩnh mạch bị suy sang bên của một tĩnh mạch khác đang còn nguyên vẹn van tĩnh mạch.
+ Ghép tĩnh mạch: lấy một đoạn tĩnh mạch nách có van ghép vào đoạn tĩnh mạch bị suy. Tác dụng của van này sẽ giúp ngăn cản sự chảy ngược của dòng máu bên trong tĩnh mạch bị suy.
+ Chiva tĩnh mạch sâu: chỉ áp dụng với các bệnh nhân bị dòng chảy ngược do van bị tổn thương. Mục tiêu của việc điều trị là triệt tiêu dòng chảy ngược gây ra hội chứng hậu huyết khối.
Nói tóm lại, hội chứng hậu huyết khối chính là hậu quả nặng nề do bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu gây ra. Nếu không điều trị sớm nó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để phòng ngừa hội chứng này, trước tiên phải phòng tránh huyết khối tĩnh mạch sâu. Trường hợp không tránh được chứng huyết khối tĩnh mạch sâu thì cần đến khám ở cơ sở y tế uy tín để bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả càng sớm càng tốt.
Qua những chia sẻ trên đây chúng tôi hy vọng đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hội chứng hậu huyết khối để chủ động điều trị huyết khối tĩnh mạch sớm và hiệu quả. Nếu còn thắc mắc hay cần chẩn đoán bệnh lý này, bạn có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu trực tiếp thăm khám và trả lời cặn kẽ.