Tê chân là biểu hiện thường gặp ở mọi lứa tuổi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên không phải lúc nào tê chân cũng chỉ dừng lại ở một trạng thái trong thời gian ngắn mà rất có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó
10/12/2020 | Tất tần tật các nguyên nhân bị tê chân có thể bạn chưa biết 09/12/2020 | Vì sao bị tê chân mãi không dứt và liệu có nguy hiểm không? 04/12/2020 | Nguyên nhân bị tê chân tay ở người trẻ là do đâu?
1. Điểm danh những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn tới tê chân
Khi bị tê chân chúng ta sẽ thấy xuất hiện cảm giác như kim châm ở bàn chân, có khi lên đến cổ chân hoặc từ đùi trở xuống.
Nguyên nhân dẫn tới tê chân cũng đa dạng và khó xác định, tuy nhiên nếu điều này xảy ra nhiều lần một cách bất thường thì mọi người cũng cần hết sức lưu ý vì có thể do các nguyên nhân từ bệnh lý nghiêm trọng hoặc là do các yếu tố nguy cơ gây nên, cụ thể như sau:
1.1 Các yếu tố nguy cơ gây nên chứng tê chân
Do thói quen sinh hoạt và vận động sai tư thế
Điều hay gặp nhất khi bị tê chân đó là khi chúng ta nằm lệch về một bên hoặc ngồi một chỗ, giữ nguyên một tư thế trong khoảng thời gian quá lâu, ngồi vắt chân qua đùi, đi giày cao gót nhiều lần trong ngày,… khiến cho hai chân bị đè nén bởi áp lực, giảm lưu thông máu. Từ đó dẫn tới hiện tượng tê chân.
Tác hại của việc lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
Những chất này từ lâu đã được biết đến là tác nhân vô cùng có hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là hệ thần kinh. Việc uống nhiều rượu bia cũng như hút thuốc lá thường xuyên sẽ cướp đi các chất dinh dưỡng cần thiết cơ thể cung cấp cho hệ thần kinh, ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở chân và có thể gây nên biểu hiện tê chân.
Lạm dụng chất kích thích cũng là một trong những yếu tố có thể dẫn tới tê chân
Do vấn đề về tuổi tác
Tuổi càng cao chức năng các cơ quan ngày càng suy giảm sau quãng thời gian nhiều năm vận hành. Máu lưu thông kém hơn và các cơ quan cũng lão hóa theo số tuổi người bệnh kéo theo tình trạng tê chân, nhức mỏi cơ, xương khớp;
Những người mắc chứng béo phì
Việc thừa cân do thói quen ăn uống không khoa học như tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ, lười vận động, tập thể dục thể thao,… có tác động nghiêm trọng tới hệ cơ xương khớp, hệ thống dây thần kinh, gây áp lực xuống chi dưới dẫn tới chứng tê chân.
Do gặp tai nạn, chấn thương
Khi gặp chấn thương hoặc tai nạn, có thể dẫn đến tổn thương các dây thần kinh, làm suy giảm chức năng cơ xương khớp chân, hông, đùi,… khiến chân bị tê.
1.2 Các nguyên nhân bệnh lý
Tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống lưng có thể là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng tê chân ở người bệnh. Nguồn gốc khiến tình trạng này xảy ra là do chất nhầy có ở đĩa đệm bị thoát ra ngoài, chèn vào khu vực của các dây thần kinh dưới chân khiến chân bị đau nhức, tê bì, khó vận động đi lại.
Tê chân do bệnh tiểu đường
Có thể nói bệnh tiểu đường cũng là nguyên nhân gây ra chứng tê chân, ngứa chân nếu lượng đường trong máu quá cao vượt ngưỡng bình thường.
Tê chân có thể là do bệnh tiểu đường gây ra
Do bị đau dây thần kinh tọa
Vị trí đau dây thần kinh tọa có thể là ở các khu vực như vùng hông, đùi, dọc hai chân,… Đau thần kinh tọa không chỉ khiến chân có cảm giác đau, tê mà còn khiến chân bị rối loạn cảm giác.
Do sự hiện diện của những khối u trong cơ thể
Nhắc tới những khối u sẽ khiến nhiều người giật mình bởi vì sự thầm lặng và những hệ lụy chúng đem tới. Khi các khối u phát triển trong các bộ phận như não, cột sống, mông, hông, đùi, hay chân,… sẽ chiếm diện tích nơi đây và chèn ép các cơ, dây thần kinh khiến chân có biểu hiện bị tê.
Người bệnh bị đau cơ xơ hóa
Tình trạng đau cơ xơ hóa mạn tính có thể khiến toàn thân đau nhức, chân bị ngứa ran và tê bì. Ngoài ra, bệnh nhân đau cơ xơ hóa còn cảm thấy cứng, đau chân sau khi đi ngủ hoặc vào buổi sáng sớm và trí nhớ suy giảm.
Do chứng viêm mạch máu
Viêm mạch máu khiến dòng chảy và tốc độ lưu thông của máu bị ảnh hưởng, dẫn đến hiện tượng giảm máu dưới chân và gây tê bàn chân.
Ngoài ra, tê chân cũng có thể là do tác dụng phụ của loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng để điều trị bệnh.
2. Tê chân có để lại biến chứng gì không?
Ban đầu nhiều người sẽ nghĩ tê chân chỉ là phản xạ bình thường của cơ thể khi ta ngồi hoặc giữ nguyên một tư thế quá lâu ở một vị trí. Tuy nhiên, như ở trên chúng tôi đã đề cập, triệu chứng tê chân đôi khi không thể coi nhẹ vì đó có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nghiêm trọng như tiểu đường, đau dây thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm,… nếu không được phát hiện hoặc chữa trị kịp thời có thể để lại những biến chứng về sau, nguy hại tới sức khỏe:
-
Hạn chế khả năng vận động của người bệnh do chân tê nhức, đau mỏi, đời sống sinh hoạt bị đảo lộn và bất tiện;
-
Khó khăn khi đi lại, lên xuống, di chuyển khi chân dần mất cảm giác;
-
Teo cơ chân, tê liệt hoặc thậm chí bại liệt nửa người.
3. Làm gì để xua tan chứng tê chân phiền phức?
Để phòng ngừa và giảm nhẹ tình trạng tê chân, bên cạnh sử dụng các phương pháp điều trị khác, người bệnh nên thực hiện những biện pháp sau:
-
Áp dụng thực đơn ăn uống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe: bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả nhiều vitamin và chất xơ, các chất dinh dưỡng tốt cho máu, tăng khả năng tuần hoàn hệ thần kinh để ngăn chặn và giảm thiểu triệu chứng tê chân;
-
Thường xuyên massage, xoa bóp chân và bàn chân để tăng cường lưu thông máu ở khu vực này. Nếu tê chân do bị thoát vị đĩa đệm thì cần tiến hành xoa bóp ở khu vực bị thoát vị đúng phương pháp (có thể đến bác sĩ để thực hiện). Điều này có tác dụng giảm bớt sự chèn ép lên các dây thần kinh, cải thiện tình trạng tê chân;
Massage chân để máu được lưu thông tốt hơn
-
Tránh làm việc quá sức hay hoạt động thể thao quá độ, cần bố trí thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý. Nếu công việc đòi hỏi bạn phải ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ, hãy dành ra một khoảng thời gian tầm 5 - 10 phút nghỉ ngơi, đi lại thư giãn để khí huyết lưu thông;
-
Khuyến khích người bệnh nên tập yoga để xương khớp, cơ được dẻo dai hơn, giúp giảm thiểu tình trạng tê bì chân một cách đáng kể.
Nếu triệu chứng tê chân xuất hiện nhiều lần và càng ngày càng kéo dài thì tốt nhất người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán chính xác và có phương hướng điều trị thích hợp, hiệu quả.
Trên đây là những thông tin về chứng tê chân nhiều người rất hay gặp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh những kiến thức bổ ích, nếu bạn còn nhiều băn khoăn cần được giải đáp thì hãy liên hệ tới tổng đài 1900565656 để được các chuyên gia tư vấn của BVĐK MEDLATEC hỗ trợ và hẹn lịch khám cho bạn ngay hôm nay nhé!