Tình trạng chán ăn của người mắc ung thư không chỉ khiến cơ thể người bệnh trở nên yếu ớt mà còn gây bất lợi trong quá trình điều trị bệnh và diễn tiến bệnh. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân về tình trạng này, từ đó có cách can thiệp kịp thời, bạn đọc đừng bỏ qua nội dung bài viết bên dưới.
10/03/2021 | Những lưu ý trong chế độ ăn giúp phòng chống ung thư 28/10/2020 | Ung thư là gì có nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do đâu? 06/12/2019 | Tầm soát ung thư là gì? Tầm soát ung thư hết bao nhiêu tiền?
1. Nguyên nhân gây ra tình trạng chán ăn của người mắc ung thư
Khi mắc ung thư và trong quá trình điều trị bệnh, thói quen và nhu cầu ăn uống của bệnh nhân ung thư sẽ bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, nghĩa là đa số người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, không còn cảm giác thèm ăn. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó, phổ biến hơn cả là các nguyên nhân sau.
Chán ăn do tâm lý
Bất kỳ ai khi gặp vấn đề về sức khỏe đều có chung tâm lý lo lắng, sợ hãi. Đặc biệt, khi biết mình bị ung thư thì khó tránh khỏi cảm giác chán nản, buồn bã, thậm chí là suy sụp, tuyệt vọng, không còn “thiết tha” tới việc ăn uống. Vì thế, tâm lý chính là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến khả năng ăn uống của bệnh nhân ung thư, khiến họ chán ăn, bỏ ăn vì mang trong mình nỗi ám ảnh của căn bệnh quái ác.
Khi biết mình bị ung thư, nhiều người nảy sinh tâm lý chán ăn, bỏ ăn
Chán ăn do bản chất bệnh
Tình trạng chán ăn của người mắc ung thư còn có thể xuất phát từ bản chất của bệnh. Nghĩa là đối với những bệnh ung thư mà khối ung nằm ở các vị trí bên trong hoặc xung quanh các bộ phận của đường tiêu hóa như miệng, vòm họng, thực quản, dạ dày, ruột,… thì người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn và đau đớn khi ăn, sinh ra cảm giác chán ăn, sợ ăn.
Ngoài ra, một số khối u còn giải phóng các hormone làm cơ thể không cảm thấy đói, chẳng hạn như hormone cytokine - gây viêm hay các hormone phân hủy chất đạm, chất béo,… Những hormone này cũng là yếu tố làm sức khỏe người bệnh bị giảm sút nghiêm trọng, khiến họ luôn cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, căng thẳng, buồn nôn,… Những cảm giác này dường như lấn át cảm giác thèm ăn nên người bệnh hoàn toàn không ý thức được mình phải ăn để duy trì sự sống.
Chán ăn do quá trình điều trị
Điều trị ung thư chưa bao giờ là đơn giản, không chỉ đòi hỏi thời gian dài mà còn yêu cầu liệu pháp điều trị phức tạp. Chính quá trình điều trị này sẽ khiến bệnh nhân mắc chứng chán ăn, thậm chí là “thù ghét” thức ăn.
Cụ thể, quá trình hóa trị, dưới tác động của thuốc, khứu giác và vị giác của người bệnh bị thay đổi, khiến họ luôn cảm thấy khó chịu và buồn nôn. Còn với xạ trị, ống tiêu hóa của người bệnh sẽ bị viêm, đau và tổn thương nghiêm trọng, vừa khiến họ cảm thấy đau đớn, vừa cản trở khả năng dung nạp thức ăn, gây nên tình trạng táo bón, tiêu chảy. Tất cả những yếu tố này sẽ làm thay đổi thói quen ăn uống của bệnh nhân ung thư.
Quá trình điều trị ung thư với nhiều đau đớn nên người bệnh dễ sinh cảm giác chán ăn, không muốn ăn
2. Cách cải thiện tình trạng chán ăn của người mắc ung thư
Người bị ung thư nếu chán ăn trong thời gian dài thì sẽ dễ gặp biến chứng suy dinh dưỡng. Lúc này, không chỉ cơ thể mệt mỏi và yếu ớt, mà khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị ung thư cũng bị thuyên giảm, khiến bệnh tình thêm nặng và nguy cơ tử vong là rất cao.
Tuy nhiên, tình trạng chán ăn của người mắc ung thư sẽ được cải thiện và khắc phục nếu người bệnh được hướng dẫn và áp dụng những cách chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt dưới đây.
Ăn nhiều bữa trong ngày
Vì khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn không tốt nên người bệnh cần ăn nhiều bữa trong ngày. Cụ thể, thay vì tập trung vào 3 bữa chính như bình thường, người bệnh sẽ ăn ít vào bữa chính và tăng thêm 2 - 3 bữa phụ. Mỗi bữa ăn không cần ăn quá nhiều, mà nên chú trọng vào sự đa dạng thức ăn để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và tạo cảm giác ngon miệng.
Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày (khoảng 6 - 8 bữa/ngày) cho bệnh nhân ung thư
Ăn thức ăn loãng, dễ tiêu
Nếu người bệnh bị khô miệng và gặp khó khăn trong hoạt động nhai, nuốt thì nên chọn những món ăn dạng lỏng như cháo, súp, canh hầm, sữa dinh dưỡng,… Đối với các bữa phụ, người bệnh có thể chọn những món ăn nhẹ giàu protein và năng lượng như trứng luộc, phô mai, bánh ngọt, sữa,… Tuyệt đối tránh những thức ăn hay đồ uống dễ gây đầy bụng, khó tiêu như đậu, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, nước uống có ga,… vì sẽ khiến người bệnh dễ bị nôn mửa, tiêu chảy.
Giảm bớt thức ăn có gia vị
Tình trạng chán ăn của người mắc ung thư sẽ càng thêm nghiêm trọng nếu họ tiếp xúc (ngửi, nếm) những món ăn được nêm quá nhiều gia vị. Bởi lúc này, khứu giác và vị giác của bệnh nhân bị thay đổi nên họ rất nhạy cảm và khó chịu với mùi thức ăn. Vì vậy, khi chế biến thức ăn cho người bệnh ung thư, nên hạn chế sử dụng các loại gia vị có mùi nồng như tỏi, hành, tiêu, ngũ vị hương,…
Chế biến thức ăn đơn giản, hạn chế sử dụng gia vị để người bệnh không bị khó chịu, nôn mửa trong quá trình ăn uống
Hoạt động thể lực trong khả năng
Tùy tình hình sức khỏe, người bệnh có thể lựa chọn các hoạt động thể lực phù hợp như như đi bộ, đạp xe, yoga,… Những hoạt động này vừa tăng cường sức đề kháng, vừa cải thiện tâm trạng người bệnh hiệu quả.
Luôn vững vàng tâm lý
Trong điều trị ung thư, tâm lý đóng vai trò quan trọng. Người bệnh có thể tìm niềm vui bên người thân, bạn bè hoặc tự tạo thú vui cho mình bằng cách đọc sách, nghe nhạc, xem phim, vẽ tranh,… Cùng với đó, luôn tin tưởng vào bác sĩ và vững vàng tâm lý để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và chống chọi với bệnh tật một cách lạc quan, kiên cường.
Mong rằng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về tình trạng chán ăn của người mắc ung thư để có cách chăm sóc người thân bị bệnh hiệu quả. Mọi nhu cầu về tư vấn khám chữa bệnh, có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chúng tôi để được hỗ trợ tốt hơn.