Có thể nói rằng không gì khiến các bậc làm cha làm mẹ cảm thấy hạnh phúc hơn khi đón nhận thiên thần nhỏ chào đời sau thời gian 9 tháng 10 ngày đằng đẵng chờ đợi. Tuy nhiên ngoài việc phải đối mặt với nguy cơ về sức khỏe trong hành trình mang thai tới khi lâm bồn, không ít các sản phụ sau sinh còn gặp phải biến chứng hậu sản. Vậy hậu sản là gì và đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?
25/07/2022 | Hậu sản là gì và những điều cần biết về bệnh hậu sản 26/02/2022 | Nhiễm khuẩn hậu sản: Bệnh hậu sản nguy hiểm và phổ biến nhất 05/07/2021 | Nhiễm khuẩn hậu sản ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
1. Giải thích hậu sản là gì?
Phần lớn các sản phụ sau sinh có thể sẽ gặp phải tình trạng hậu sản trong vòng 6 tuần kể từ khi hoàn thành công cuộc vượt cạn. Lý do là vì trong giai đoạn bầu bí, tử cung của người phụ nữ cần phải phát triển để thích nghi với sự lớn lên của em bé trong bụng mẹ. Khoảng 6 tuần sau sinh ngoại trừ vú vẫn tiếp tục phát triển để tiết sữa cho em bé bú thì các cơ quan sinh dục khác sẽ dần quay trở về trạng thái bình thường như trước khi sinh.
Do đó bất kỳ người phụ nữ nào sau khi sinh xong cũng đều bước vào thời kỳ hậu sản. Nếu sản phụ không được chăm sóc cẩn thận trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều bệnh lý. Nhóm bệnh lý này sẽ được gọi chung là các bệnh hậu sản.
Có nhiều nguyên nhân khiến một phụ nữ sau sinh bị hậu sản, cụ thể như:
-
Khi mang thai các mẹ bầu không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng dẫn đến suy nhược, thể lực kém;
-
Trước thời điểm sinh, thai phụ gặp phải tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài khiến cơ thể khó hấp thụ được các dưỡng chất cần thiết, từ đó gây kiệt sức dễ bị mắc bệnh;
-
Trầm cảm sau sinh tác động tiêu cực tới cả thể chất lẫn tâm lý của người mẹ;
-
Hậu sản còn là do sản phụ không chú ý giữ gìn, kiêng cữ cẩn thận sau sinh, gần gũi chồng quá sớm khiến các cơ quan sinh dục bị tổn thương trong khoảng thời gian này.
Sản phụ không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai có nguy cơ cao bị hậu sản
2. Chi tiết về 5 căn bệnh hậu sản phổ biến ở phụ nữ
2.1. Băng huyết sau sinh
Đây chính là biến chứng có nguy cơ cao nhất xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các sản phụ. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng băng huyết sau sinh có thể là do:
-
Sinh nở nhiều lần khiến cơ tử cung bị yếu;
-
Sản phụ đẻ nhanh, nhất là đẻ trong tư thế đứng;
-
Sản phụ đã từng nạo hút thai nhiều lần hoặc sảy thai;
-
Buồng tử cung sót nhau;
-
U xơ tử cung, sẹo mổ tử cung hoặc tử cung bị giãn quá mức do thai to, đa ối, đa thai, dị dạng tử cung;
-
Quá trình chuyển dạ kéo dài, ối bị nhiễm khuẩn;
-
Đẻ thai lưu, đẻ non;
-
Đỡ đẻ sai cách, sản phụ rặn trước khi cổ tử cung mở;
-
Hộ sinh lấy nhau không đúng cách, dây nhau quấn cổ nhiều vòng;
-
Cơ thể sản phụ suy nhược, huyết áp cao, thiếu máu, nhiễm độc thai nghén.
Băng huyết sau sinh được nhận biết qua các triệu chứng như sổ nhau, chảy máu nhiều sau sinh, sản phụ bị choáng váng, huyết áp hạ, mạch nhanh, vã mồ hôi, tay chân lạnh,... do mất quá nhiều máu. Tình trạng này rất nguy hiểm và nguy cơ tử vong cao. Do đó khi thấy có các triệu chứng bất thường xảy ra, sản phụ và người nhà cần thông báo ngay cho bác sĩ.
Băng huyết sau sinh là tình trạng vô cùng nguy hiểm có thể tước đi tính mạng của người mẹ
Tương tự như tiền sản giật thai kỳ, tiền sản giật cũng có thể xuất hiện sau sinh mặc dù hiếm gặp hơn. Nguyên nhân là do sự xuất hiện của tình trạng tăng protein niệu và huyết áp cao sau sinh. Hiện tượng này sẽ xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi sản phụ lâm bồn nhưng cũng có khi phải tới 6 tuần sau mới phát giác.
Các biểu hiện của bệnh bao gồm: đạm niệu, tăng huyết áp, chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, tiểu ít, đau thượng vị, phù, tăng cân nhanh. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tiền sản giật có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh:
-
Phù phổi: nước tích tụ nhiều trong phổi cản trở quá trình hô hấp của sản phụ;
-
Sản giật hậu sản: kèm theo các cơn co giật khiến gan, não và thận có nguy cơ bị tổn thương vĩnh viễn, thậm chí là tử vong;
-
Hội chứng HELLP: bao gồm tăng huyết áp, giảm tiểu cầu và tăng men gan;
-
Thuyên tắc mạch: thiếu máu nuôi dưỡng làm hoại tử các cơ quan trong cơ thể.
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp ngăn ngừa chứng tiền sản giật sau sinh, vì vậy các mẹ bầu lẫn sản phụ cần tự trang bị các kiến thức cần thiết về căn bệnh này và khi phát hiện ra dấu hiệu bệnh, hãy tới ngay các cơ sở y tế gần nhất.
2.3. Nhiễm khuẩn hậu sản
Nhiễm khuẩn hậu sản là gì? Đó là biến chứng xảy ra trong giai đoạn sau sinh do các loại vi khuẩn gây nên, ví dụ như E.Coli, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, Bacteroides, Clostridium,... Chúng có thể bắt nguồn từ chính cơ thể của sản phụ, từ dụng cụ đỡ đẻ, từ người xung quanh hay do thủ thuật mổ lấy thai,...
Bệnh có thể phát triển ở âm đạo, đi tới cổ tử cung, vòi tử cung sau đó tiến vào phúc mạc. Vi khuẩn còn có khả năng tấn công vào vị trí nhau bám vào máu và gây nhiễm trùng máu. Nhiễm khuẩn hậu sản sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn nếu sản phụ bị thiếu máu, dinh dưỡng kém, ối vỡ non, nhiễm độc thai nghén, ứ sản dịch, cơn chuyển dạ kéo dài, tiền sử viêm cổ tử cung, viêm âm đạo,...
Tiền sản giật khiến sản phụ bị tăng huyết áp, chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, tiểu ít, đau thượng vị, phù, tăng cân nhanh,...
Khi bị bệnh, sản phụ thường có biểu hiện là mệt mỏi, sốt trên 38 độ C, sản dịch hôi, đau sưng mủ ở chỗ viêm,... Nếu nhiễm khuẩn nặng các mẹ có thể bị hạ huyết áp, rét run và sốt cao.
2.4. Sau sinh bị viêm đường tiết niệu
Phụ nữ dễ gặp phải tình trạng này hơn nam giới do cấu trúc đường niệu đạo ở nữ thường ngắn và gần khu vực hậu môn khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào. Đối với phụ nữ sau sinh do phải dùng băng vệ sinh để thấm hút sản dịch lâu ngày sẽ tạo cơ hội để vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh ở niệu đạo. Đôi khi chúng còn xâm nhập vào thận dẫn tới viêm thận.
Sản phụ bị viêm đường tiết niệu sẽ có cảm giác buồn tiểu nhưng lượng nước tiểu lại rất ít, đau buốt, ngứa rát khi tiểu và nước tiểu đổi màu, thậm chí còn bị đau âm ỉ vùng bụng dưới. Khi bị nặng sẽ là các triệu chứng như buồn nôn, sốt, ớn lạnh,... Lúc này các mẹ nên đi khám để được điều trị từ sớm, đồng thời lưu ý vệ sinh cá nhân và chế độ ăn uống hàng ngày. Cụ thể hãy uống nhiều nước, lựa chọn những loại trái cây nhiều nước như bưởi, cam vì trong các loại quả này chứa nhiều vitamin C giúp chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch và đào thải vi khuẩn qua đường nước tiểu.
2.5. Sản dịch bất thường
Sản dịch trong 3 ngày đầu sẽ bao gồm máu loãng và máu cục màu đỏ sẫm, 4 - 8 ngày tiếp theo sản dịch sẽ loãng hơn, sau đó nó không có máu và chỉ còn là chất dịch trắng hoặc trong chứa bạch cầu và mô bị hoại tử. Sau khi sinh xong phụ nữ sẽ cần một khoảng thời gian từ 2 - 3 tuần để sản dịch tống xuất hết ra khỏi tử cung.
Thông thường sản dịch sẽ không có mủ, không có mùi hôi nhưng nếu đi qua âm đạo bị nhiễm khuẩn (liên cầu, tụ cầu, trực khuẩn,...) thì sản dịch sẽ bị nhiễm những loại vi khuẩn này, từ đó có mủ và phát ra mùi hôi. Trong trường hợp sản dịch ngày càng nhiều, dai dẳng, mãi có màu đỏ sẫm thì cần theo dõi tình trạng sót nhau thai. Một số người còn thấy ra một ít máu vào khoảng 3 tuần sau sinh, đây có thể là kỳ kinh non do niêm mạc của tử cung hồi phục sớm.
Nhìn chung trong giai đoạn vẫn còn sản dịch, phụ nữ không nên dùng tampon mà chỉ nên sử dụng băng vệ sinh. Ngoài ra nên tắm rửa sạch sẽ với nước ấm hàng ngày, tắm nhanh dưới vòi sen và không nên ngâm mình trong bồn tắm.
Những thông tin trên đây đã giúp giải thích được bệnh hậu sản là gì, khi biết trước các nguy cơ hậu sản sau sinh, các mẹ nên chủ động chăm sóc bản thân thật kỹ trong giai đoạn mang thai và cả sau khi lâm bồn, điều này giúp phòng tránh tối đa rủi ro gặp phải tình trạng hậu sản nguy hiểm.
Để đăng ký khám và tư vấn bởi đội ngũ các chuyên gia Sản phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, quý bạn đọc vui lòng liên hệ theo tổng đài 1900 56 56 56.