Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết nguyên đán. Vấn đề đau đầu nhất của các chị em là nghĩ thực đơn ngày Tết sao không trùng món, ngon mắt, ngon miệng, không gây ngán và tốt cho sức khỏe của mọi người trong gia đình. Để giúp các chị em đỡ mất thời gian suy nghĩ, chúng tôi xin gợi ý một số thực đơn cơ bản đủ các bữa cho những ngày Tết như sau.
31/03/2022 | Tại sao nguy cơ đột quỵ ngày Tết lại cao hơn so bình thường 08/03/2022 | Chuyên gia chia sẻ cách lên kế hoạch dinh dưỡng cho ngày Tết 26/02/2022 | Ngừa táo bón ngày tết - nỗi trăn trở không của riêng ai!
1. Thực đơn ngày 30 Tết
Ngày cuối cùng của năm, ngoài bữa cơm cúng tất niên thì các chị em có thể tham khảo những thực đơn dưới đây cho ngày sum họp của gia đình:
Bữa sáng: Phở bò tái tự làm
Để bắt đầu bữa sáng ngày cuối năm, các chị em có thể tận dụng nguyên liệu mình đã mua sẵn để nấu cho gia đình một bữa phở thật ngon. Ninh xương bằng nồi áp suất tại nhà rất nhanh và không mất nhiều thời gian. Bánh phở có thể mua sẵn ngoài hàng. Thịt bò thái mỏng, ướp với gừng để sẵn, khi ăn chỉ việc trần qua. Thêm chút hành lá, mùi để bát phở đẹp mắt và thơm hơn.
Phở tự nấu giúp gia đình thêm quây quần và ngon miệng ngày Tết
Bữa trưa: Cơm trắng, thịt ba chỉ luộc chấm tôm chua, canh mọc
Bữa trên ngày 30 Tết nên thật đơn giản để còn chuẩn bị cho bữa tối đầy ắp các món ăn cúng tất niên. Tùy theo số lượng thành viên trong gia đình mà bạn có thể chế biến thực đơn vừa phải. Bữa cơm thanh đạm với thịt luộc chấm tôm chua, kết hợp với canh rau nấu mọc rất thích hợp trong ngày này.
Bữa tối: Tiệc tất niên
Có lẽ, vất vả nhất trong ngày Tết đối với chị em chính là thực đơn ngày Tết dùng để cúng tất niên. Đây là bữa cơm sum họp gia đình nên cần phải chuẩn bị cầu kỳ. Tùy theo điều kiện từng nhà mà thực đơn có thể khác nhau. Trong đó, bắt buộc phải có gà luộc, bánh chưng. Kèm theo các món như: nem rán, xôi gấc, tôm chiên, nộm rau củ, ....
Thực đơn ngày Tết khó nhất là bữa tất niên
2. Thực đơn ngày Tết mùng 1
Mùng 1 Tết, các thành viên chuẩn bị cho một ngày vãn chùa, các bà nội trợ có thể chọn thực đơn nhanh như sau:
Bữa sáng: bánh chưng + tôm khô hoặc mì xào + dưa muối
Có thể tận dụng thức ăn đã có từ trước để chuẩn bị cho bữa sáng nhanh gọn lẹ. Bánh chưng là ăn vào ngày mùng 1 rất hợp lý, kết hợp với tôm khô là xong bữa sáng, hoặc chế biến nhanh món mì xào ăn với dưa cải muối cũng rất hợp lý.
Bữa trưa: sườn chua ngọt, đậu sốt, canh măng móng giò
Bữa trưa cho gia đình ngày mùng một nên có chút màu sắc để hên cả năm. Các chị em có thể làm món sườn xào chua ngọt cho các bé, đậu sốt cà chua với sắc đỏ bắt mắt, ngon miệng và đưa cơm. Thêm canh măng móng giò ấm bụng và chống ngán bằng gỏi đu đủ bò khô.
Bữa tối: Gà rang muối, chân giò hầm hạt sen, củ quả luộc, canh kim chi
Thực đơn ngày Tết chắc chắn không thể thiếu những món ăn béo ngậy đặc trưng. Vậy nên bữa cơm tối mùng 1 nên đầy đặn một chút để gia đình quây quần. Thay vì gà luộc như ngày trước thì bạn có thể chế biến món gà rang muối, ngon miệng mà không ngán, đặc biệt trẻ nhỏ rất khoái món ăn này. Kết hợp với chân giò tần phù hợp với gia đình nào có người già, chống ngán bằng canh kim chi và rau củ quả luộc.
Chân giò tần là món ăn tẩm bổ cho người già ngày Tết
3. Thực đơn mùng 2 Tết
Ngày mùng 2 Tết, các chị em có thể chọn những món ăn có hương vị thanh đạm hơn, chế biến đơn giản hơn để tránh bị ngán:
Bữa sáng: bánh Tết, thịt đông
Bữa sáng vẫn nên là chọn một lát bánh Tết ăn với thịt đông, kèm theo kim chi để chống ngán. Với các bé, mẹ có thể chọn cách rán bánh Tết hoặc rán bánh chưng để các bé ăn sáng cũng rất phù hợp mà lại đúng sở thích của tụi nhỏ.
Bữa trưa: Cá hồi áp chảo sốt chanh leo, đầu cá nấu chua, giò lụa
Thực đơn ngày Tết thường được các chị em ưu tiên chọn những món có màu sắc đẹp. Vậy nên, cá hồi là món không thể thiếu. Cá hồi áp chảo sốt chanh leo khá dễ làm mà lại chất lượng, ngon, tốt cho sức khỏe cả gia đình. Riêng với đầu cá, bạn có thể đem nấu canh chua, ăn cùng giò lụa, rất hợp lý cho bữa trưa.
Bữa tối: Bò cuốn lá lốt, rau sống, tôm chiên
Với bữa tối, bạn có thể thay đổi món bằng bò cuốn lá lốt thơm ngon, dễ chế biến. Thay vì chiên bằng chảo dầu, bạn nên chiên bò cuốn lá lốt bằng nồi chiên không dầu ăn sẽ thơm ngon hơn mà không bị ngán. Thêm đĩa tôm chiên cho các bé thích đồ chiên rán. Rau sống là món ăn kèm rất hợp lý cho bữa tối ngon mà nhẹ bụng.
Bữa tối ngày Tết nên nhiều rau xanh giúp nhẹ bụng, tiêu hóa tốt
4. Thực đơn ngày mùng 3 Tết
Thực đơn ngày Tết cho ngày cuối cùng của Tết nguyên đán bạn nên tham khảo gợi ý sau:
Bữa sáng: xôi gấc, chả quế
Bữa sáng chắc bụng cho một ngày rong chơi mệt nghỉ các chị em nên chọn là xôi gấc ăn kèm với chả quế. Món ăn vừa có màu đẹp mắt, thơm ngon lại no lâu, thích hợp cho cả nhà chuẩn bị đi chơi, chúc Tết họ hàng, làng xóm suốt cả buổi mà không lo đói.
Bữa trưa: Cá kho tộ, khổ qua nhồi thịt, canh cải chua
Khổ qua rất tốt cho sức khỏe. Sau những ngày Tết với đủ các món nhiều đạm, bạn có thể đổi món bằng khổ qua nhồi thịt, ăn không bị đắng mà lại thanh mát, tốt cho sức khỏe. Thêm cá kho tộ ăn rất đưa cơm và canh chua là hợp lý cho bữa trưa ngày mùng 3 Tết sum vầy.
Bữa tối: Lẩu cá diêu hồng
Một nồi lẩu cho bữa tối sum họp gia đình là một sự lựa chọn không thể hợp lý hơn. Chị em nên lưu ý cách chế biến nước dùng sao cho thanh ngọt, thơm ngon. Nên chọn thêm các món ăn kèm như: tôm sú, bò ba chỉ Mỹ, các loại rau để nhúng lẩu cho đầy đặn. Kèm thêm nồi cháo gà nấm cho chắc bụng trong bữa lẩu là hoàn hảo.
Trên đây là gợi ý thực đơn ngày Tết tốt cho sức khỏe với nhiều món ăn đa dạng, thơm ngon. Các chị em có thể tham khảo cho những ngày Tết sắp tới của gia đình mình. Thay đổi bữa với những món ăn ngon, đậm đà mà không bị ngán là cách để gia đình đình thêm vui vẻ, đầm ấm cho một năm mới may mắn và hạnh phúc.