Xét nghiệm sinh hóa máu là xét nghiệm thường quy phổ biến, hỗ trợ bác sĩ trong quá trình khám và điều trị bệnh. Xét nghiệm sẽ thực hiện đo hàm lượng hoặc hoạt độ một số chất hóa sinh trong máu thể hiện chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
15/08/2020 | Các chỉ số xét nghiệm máu quan trọng trong xét nghiệm sinh hóa máu 18/11/2019 | Xét nghiệm sinh hóa máu là gì và được chỉ định khi nào?
1. Tìm hiểu về các loại xét nghiệm sinh hóa máu
Xét nghiệm sinh hóa máu là nhóm các xét nghiệm đo các chất sinh hóa khác nhau trong máu, chúng thể hiện hoạt động và chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Có nhiều xét nghiệm sinh hóa máu khác nhau
Cụ thể như sau:
1.1. Xét nghiệm đường huyết
Xét nghiệm này giúp đo chính xác đo nồng độ Glucose có trong máu. Nồng độ tăng cao là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường, nồng độ thấp thể hiện chế độ dinh dưỡng thiếu. Tuy nhiên Glucose máu chịu ảnh hưởng rất lớn từ thức ăn, thức uống nên bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi lấy máu. Xét nghiệm có thể phải lặp lại nhiều lần ở các thời điểm để đánh giá khách quan hơn.
1.2. Xét nghiệm canxi
Định lượng canxi trong máu trong xét nghiệm sinh hóa máu cho phép phát hiện các bệnh như: bệnh tuyến giáp, bệnh về xương, thận, ung thư, suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa,…
1.3. Xét nghiệm điện giải
Điện giải trong máu bao gồm: Kali, Natri, Clorua, Bicarbonat có vai trò duy trì cân bằng độ acid và mức chất lỏng trong cơ thể. Nếu kết quả xét nghiệm các chất điện giải này bất thường, nguyên nhân có thể do huyết áp cao, suy tim, bệnh gan, bệnh thận hoặc tình trạng mất nước.
Các cơ quan và cơ thể sử dụng rất nhiều loại enzyme
1.4. Xét nghiệm enzyme
Cơ thể chúng ta cần rất nhiều loại enzyme để hỗ trợ, kiểm tra nhiều phản ứng hóa học khác nhau trong cơ thể. Vì thế, xét nghiệm sinh hóa máu gồm rất nhiều xét nghiệm enzyme khác nhau với mục đích thăm khám bệnh khác nhau. Tuy nhiên xét nghiệm enzym ALT và AST kiểm tra chức năng gan là phổ biến nhất.
Xét nghiệm enzym ALT
ALT (Alanine aminotransferase) là loại enzym được tìm thấy đa số ở gan. Ở những người bị tổn thương gan, chỉ số ALT trong máu thường tăng lên. Do đó, xét nghiệm này thường được chỉ định để kiểm tra chức năng gan.
Xét nghiệm enzym AST
AST (Aspartate Transaminase) là enzym quan trọng của cơ thể. Khi nồng độ enzym này trong máu cao đồng nghĩa với việc có thể bạn đã mắc phải các bệnh lý về gan, cơ xương,...
Xét nghiệm AST thường được dùng để đánh giá chức năng gan, kết hợp cùng với xét nghiệm AST.
1.5. Xét nghiệm đánh giá chức năng thận
Để đánh giá chức năng thận, hai xét nghiệm thường thực hiện là xét nghiệm BUN (nồng độ nito ure máu) và xét nghiệm Creatinin. Hai chất này là sản phẩm đào thải của thận, khi nồng độ chúng trong máu bất thường thì khả năng cao bệnh nhân mắc bệnh thận hoặc rối loạn chức năng thận.
1.6. Xét nghiệm cholesterol
Xét nghiệm này kiểm tra nồng độ cholesterol trong máu, tiết lộ nguy cơ mắc bệnh tim mạch như sau:
-
Nồng độ cholesterol tốt: đây là loại cholesterol tốt, làm giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch.
-
Nồng độ cholesterol xấu: làm tăng nguy cơ tích tụ và tắc nghẽn động mạch, xơ vữa động mạch.
-
Triglyceride: chất béo khác có trong máu.
Xét nghiệm Cholesterol để đánh giá nguy cơ bệnh tim
Để đánh giá nguy cơ bệnh tim, cần kết hợp để kết quả đo nồng độ cholesterol có lợi và có hại, tỉ lệ giữa chúng cũng như kiểm tra chất béo trung tính trong máu. Các xét nghiệm này cũng ảnh hưởng nhiều bởi thực phẩm ăn uống, bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi lấy máu từ 9 - 12 giờ.
2. Quy trình xét nghiệm sinh hóa máu
Quy trình thực hiện xét nghiệm này tương đối đơn giản, người bệnh chỉ cần chuẩn bị tốt để cho mẫu máu, sau đó mẫu phân tích sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm. Cụ thể như sau:
2.1. Chuẩn bị
Với xét nghiệm sinh hóa máu, thức ăn và thức uống có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ các chất này nên tùy theo xét nghiệm, bác sĩ sẽ hướng dẫn chuẩn bị cụ thể.
Việc không ăn hoặc uống được yêu cầu trước khi lấy mẫu tối đa 12 giờ, vì thế nên đi xét nghiệm vào buổi sáng. Nhịn ăn qua đêm giúp bạn cảm thấy bớt mệt mỏi hơn. Ngoài ra, một số thuốc điều trị cũng cần ngưng sử dụng, hãy thông báo cho bác sĩ biết về thuốc điều trị đang dùng.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng các hướng dẫn chuẩn bị này bởi khi kết quả xét nghiệm không đúng, bạn có thể phải làm lại hoặc trì hoãn.
2.2. Quy trình lấy máu
Các xét nghiệm lấy máu nói chung và xét nghiệm sinh hóa nói riêng thường khá nhanh chóng, máu được rút ra khỏi tĩnh mạch khoảng 2 - 3 phút. Tuy nhiên các trường hợp khó xác định tĩnh mạch và tiếp cận thì thời gian có thể lâu hơn.
Lấy máu xét nghiệm sinh hóa máu thường tại tĩnh mạch cánh tay
Lấy máu phổ biến nhất là từ mạch máu ở cánh tay. Các tĩnh mạch ở cổ tay hoặc khuỷu tay cũng có thể được lấy vì tĩnh mạch nằm gần với bề mặt da nên dễ tiếp cận.
Dây quấn garô được buộc quanh cánh tay, tĩnh mạch nổi rõ hơn và dễ tiếp cận hơn. Trước khi lấy máu, vùng da trên tĩnh mạch sẽ được khử trùng và lau sạch. Kim tiêm rút máu dành riêng sẽ được đưa vào tĩnh mạch, cảm giác chỉ là ngứa hoặc châm chích nhẹ.
Sau khi lấy máu hoàn thành, kim rút ra có thể gây chảy máu nhẹ. Bông gạc sẽ giúp thấm máu và bảo vệ tránh nhiễm trùng.
2.3. Sau khi lấy máu
Mẫu máu xét nghiệm sinh hóa được thu thập vào ghi đầy đủ tên nhãn theo thông tin người bệnh, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm. Tại đây các chất được yêu cầu kiểm tra sẽ được phân tích, định lượng chi tiết.
Kết quả xét nghiệm máu sẽ được trả về cùng ngày hoặc sau một vài ngày tùy loại xét nghiệm. Mỗi giá trị xét nghiệm sinh hóa lại thể hiện hoạt động của cơ quan hay tình trạng sức khỏe khác nhau. Bác sĩ sẽ cùng đọc kết quả và giải thích đến người bệnh.
Kết quả sinh hóa máu đánh giá nguy cơ nhiều bệnh lý khác nhau
Xét nghiệm sinh hóa máu đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sàng lọc, chẩn đoán bệnh cũng như theo dõi điều trị. Nếu có thắc mắc thêm về quy trình hay kết quả xét nghiệm, hãy liên hệ tư vấn với MEDLATEC qua hotline 1900565656.