Trào ngược dạ dày thực quản rất thường gặp, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng là những đối tượng có thể mắc bệnh. Acid cùng thực phẩm dưới dạ dày trào ngược có thể gây tổn thương niêm mạc họng, thực quản và gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe khác. Tìm hiểu dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
12/12/2020 | Góc tư vấn: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì?
1. Dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản điển hình
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành sẽ có thể có những dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản khác nhau.
Trào ngược dạ dày thực quản thường do cơ hoành thực quản hoạt động kém
1.1. Tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ chưa nhận thức đúng được tình trạng sức khỏe bản thân gặp phải để thông báo cho cha mẹ cũng như bác sĩ. Vì thế cha mẹ, người chăm sóc cần theo dõi trẻ sát sao, nhận biết dấu hiệu bệnh nghi ngờ để khám và điều trị kịp thời.
-
Trẻ nôn ói thức ăn, đôi khi ói ra sữa hoặc kể cả thực phẩm lỏng.
-
Trẻ khò khè ở cổ họng, dễ bị ho và viêm phổi kéo dài, tái phát nhiều lần.
1.2. Trào ngược dạ dày ở người trưởng thành
Dấu hiệu bệnh thường rõ ràng, tương đối dễ nhận biết không như tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ.
Ợ chua khi hơi khí cùng acid dạ dày đẩy ra ngoài
Ợ chua: Đây là triệu chứng điển hình của bệnh khi hơi chứa acid dạ dày cùng bị đẩy ra ngoài qua thực quản. Ợ chua thường gặp sau khi ăn no, khó tiêu hoặc thời gian nghỉ ngơi.
Ợ hơi: Người bệnh thường bị ợ hơi khi đói.
Buồn nôn, nôn: Trào ngược dạ dày thực quản gây tổn thương viêm thực quản, cảm giác nuốt nghẹn, kích thích cơn buồn nôn và nôn. Những đối tượng này cũng dễ bị say tàu xe, say sóng và nôn hơn.
Khó nuốt, mất cảm giác ngon miệng: Nguyên nhân do thức ăn và acid dạ dày trong thời gian dài phá hủy bên trong thực quản, gây viêm sưng, cảm giác ăn không ngon, sụt cân, suy dinh dưỡng,…
Đau tức vùng ngực: Trào ngược dạ dày thực quản cũng tác động đến sợi dây thần kinh ở vùng ngực gây đau tức ngực.
Những bất thường do trào ngược dạ dày thực quản rất dễ nhận biết, không nên chủ quan để bệnh tiến triển nặng, khó điều trị.
2. Thuốc gì cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản?
Trào ngược dạ dày thực quản là một căn bệnh khó chữa dứt điểm bởi khó kiểm soát tác nhân gây bệnh, người bệnh thường có tâm lý chủ quan khi hết triệu chứng sẽ ngừng điều trị. Vì thế cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị trào ngược dạ dày thực quản được khuyến cáo để chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Trào ngược dạ dày thực quản uống thuốc gì?
Thuốc hiệu quả với hầu hết trường hợp trào ngược dạ dày thực quản
2.1. Thuốc uống không kê đơn
Với các loại thuốc này, bệnh nhân có thể mua thuốc theo liều tại các bệnh viện, phòng khám hoặc hiệu thuốc, tuy nhiên khi sử dụng vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng đúng liều lượng và loại thuốc phù hợp.
Thuốc kháng acid dạ dày
Các loại thuốc kháng acid này giúp giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản nhanh chóng.
Khi sử dụng thuốc kháng acid dạ dày, cần lưu ý một số tác dụng phụ có thể gặp phải như: suy giảm chức năng thận, tiêu chảy,… Cần sử dụng liều thuốc phù hợp để hạn chế những tác dụng phụ này.
Thuốc giảm tiết acid dạ dày
Loại thuốc này thuộc nhóm thuốc chẹn thụ thể H-2, có khả năng tác động làm giảm sản xuất acid dạ dày, tác dụng trong vòng 12 giờ. Vì thế, cơn đau do trào ngược dạ dày thực quản có thể sẽ không được khắc phục nhanh chóng nhưng đạt kết quả tương đối tốt.
Các dạng thuốc giảm tiết acid không kê đơn thường là: Nizatidine, Famotidine, Cimetidin,… Các dạng thuốc tác dụng mạnh hơn thường là thuốc chỉ định theo toa.
Thuốc ức chế bơm proton có dạng kê toa và không kê toa
Thuốc ức chế bơm proton
Các loại thuốc này có khả năng ức chế sản xuất acid dạ dày mạnh hơn thuốc chẹn thụ thể H-2, hơn nữa còn thúc đẩy quá trình tự làm lành mô thực quản bị tổn thương.
2.2. Thuốc uống theo toa
Các loại thuốc này có tác dụng mạnh và cần sử dụng theo toa chỉ định của bác sĩ:
Thuốc hỗ trợ tăng cường cơ vòng dưới của bộ phận thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản thường do dị dạng, giảm khả năng co giãn của cơ vòng dưới thực quản. Loại thuốc này sẽ tác động để giảm tần suất giãn của cơ này, từ đó giảm trào ngược dạ dày hiệu quả. Baclofen là thuốc tăng cường cơ vòng dưới thực quản thường được áp dụng nhất.
Tuy nhiên khi sử dụng loại thuốc này, bệnh nhân có thể bị buồn nôn, mệt mỏi do tác dụng phụ.
Thuốc ức chế thụ thể H-2 dạng kê đơn
Những loại thuốc ức chế thụ thể H-2 này có tác dụng mạnh hơn, cần sử dụng theo toa đơn đúng liều lượng. Nizatidine và Famotidine theo toa là hai dạng thường được chỉ định nhất. Cần lưu ý khi sử dụng 2 thuốc này lâu dài có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và thiếu hụt Vitamin B12.
Thuốc ức chế bơm proton dạng mạnh
Các loại thuốc này có khả năng dung nạp tốt, hiệu quả với bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm: Rabeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole, Omeprazole,… Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải như: buồn nôn, nhức đầu, tiêu chảy, thiếu vitamin B12, loãng xương,…
Sử dụng thuốc không theo chỉ định có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe
Trên đây là những loại thuốc thường chỉ định trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Người bệnh lưu ý không tự ý mua và sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Cần dựa trên chẩn đoán tìm nguyên nhân, đánh giá mức độ bệnh cũng như tổn thương gặp phải để có phác đồ điều trị đạt hiệu quả nhất.
Nếu cần tư vấn thêm về dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản cũng như cách điều trị, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để gặp những chuyên gia hàng đầu Việt Nam. Các bác sĩ của MEDLATEC chuyên khoa Tiêu hóa với nhiều năm kinh nghiệm đã giúp hàng ngàn bệnh nhân thoát khỏi những cơn trào ngược dạ dày khó chịu, được người bệnh tin tưởng, đánh giá cao.