Hiện nay, đặt vòng tránh thai là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất vì có tác dụng ngừa thai rất hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn còn e ngại, thắc mắc đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng gì không? Thấu hiểu được những quan tâm lo lắng của chị em, trong bài viết dưới đây, chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
19/01/2021 | Thời điểm tốt nhất để đặt vòng tránh thai sau sinh mổ 18/09/2020 | Những câu hỏi thường gặp khi đặt vòng tránh thai 12/07/2020 | Đặt vòng tránh thai có những loại nào và nên lưu ý những gì? 15/05/2020 | Những thông tin chị em cần biết trước khi đặt vòng tránh thai!
1. Khi đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng gì không?
Khi sử dụng phương pháp này, chiếc vòng tránh thai sẽ được đặt vào tử cung của chị em với nhiệm vụ không cho trứng làm tổ ở niêm mạc tử cung và khiến cho quá trình thụ tinh không được diễn ra và ngừa thai hiệu quả.
Phương pháp tránh thai này mang đến hiệu quả cao, không quá nguy hiểm nhưng cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe người phụ nữ. Cụ thể như sau:
Vòng tránh thai là phương pháp ngừa thai hiệu quả
Trong tuần đầu tiên khi đặt vòng tránh thai, chị em có thể thấy xuất hiện một lượng máu nhỏ tiết ra từ âm đạo (không phải khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt), kèm theo đó là tình trạng đau tức phần bụng dưới, mỏi vùng thắt lưng,… Tuy nhiên, không cần quá lo lắng vì những hiện tượng này sẽ có thể giảm dần, không cần xử lý và có thể tự khỏi.
Một số rất ít trường hợp phụ nữ có biểu hiện da tái xanh, đau đầu, kèm theo tức ngực, có thể nôn hoặc buồn nôn, toát nhiều mồ hôi và hạ huyết áp,… Nguyên nhân có thể do họ quá căng thẳng hoặc chỗ đặt vòng bị kích thích quá mạnh khi cổ tử cung mở rộng.
Vòng tránh thai hình chữ T
Bên cạnh đó, một số trường hợp hiếm gặp khác, sẽ có thể gặp phải một số biểu hiện đặc biệt như lượng kinh quá nhiều, đôi khi kinh nguyệt sẽ thay đổi thất thường, kỳ kinh có thể ngắn hơn bình thường và có thể gây viêm nhiễm âm đạo.
2. Một số lưu ý khi đặt vòng tránh thai
Vòng tránh thai có những công dụng không ai có thể phủ nhận, tuy nhiên loại vòng đặc biệt này cũng có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe người phụ nữ như đã nói ở phía trên và không phải chị em nào cũng phù hợp với phương pháp này. Chính vì thế, khi sử dụng vòng tránh thai, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
Tình trạng đau lưng, đau bụng hoặc ra máu kinh quá nhiều và kéo dài có thể gây ra tình trạng thiếu máu ở phụ nữ.
Trong các trường hợp bị viêm nhiễm đường sinh dục khi mang thai thì tình trạng viêm cũng rất có thể lan rộng và trường hợp xấu nhất là có thể gây chửa ngoài tử cung. Do đó trước khi đặt vòng, chị em cần phải khám phụ khoa để điều trị khỏi hoàn toàn tình trạng viêm nhiễm.
Nếu có những dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa chẳng hạn như mùi hôi khó chịu, dịch âm đạo có mùi vàng xanh, âm hộ ngứa ngáy,… trong thời gian đặt vòng thì cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
2.1. Nên đặt vòng tránh thai khi nào
Không phải bất cứ thời điểm nào cũng có thể đặt vòng tránh thai. Chị em cần tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn thời điểm đặt vòng tránh thai phù hợp. Thông thường, vòng tránh thai nên được đặt ngay sau khi sạch kinh, đây được cho là thời điểm hợp lý nhất. Nhưng đối với từng trường hợp cụ thể, chị em cần lưu ý những điều sau đây:
Đối với phụ nữ sau sinh (trường hợp sinh thường), vòng tránh thai nên đặt vào thời điểm 6 tuần sau sinh.
Đối với thai phụ sinh mổ thì thời gian đặt vòng sẽ muộn hơn, có thể khoảng sau hơn 3 tháng. Lý do là sau khi trải qua sinh mổ, tử cung cần thời gian để lành lại và phục hồi bình thường.
Sau khi đặt vòng phụ nữ có thể cảm thấy khó chịu, đau tức vùng bụng dưới
Những phụ nữ sau khi nạo hút thai, nên đợi cho chu kỳ kinh đều đặn trở lại mới cân nhắc đến việc đặt vòng tránh thai.
2.2. Vòng tránh thai không nên đặt đối với ai?
Vòng tránh thai có nhiều ưu điểm nhưng không phải ai cũng phù hợp và dưới đây là những trường hợp không nên sử dụng phương pháp tránh thai này.
-
Trường hợp phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai.
-
Các trường hợp đang mắc hoặc trước đó (khoảng 3 tháng) đã từng mắc một trong những bệnh bệnh lây truyền qua đường tình dục.
-
Bệnh nhân bị viêm vùng chậu.
-
Phụ nữ mắc các bệnh lý ác tính đường sinh dục.
-
Các trường hợp bị dị tật bẩm sinh ở tử cung.
-
Phụ nữ mắc u xơ khiến lòng tử cung bị biến dạng.
-
Trường hợp gặp phải tình trạng xuất huyết đường sinh dục bất thường nhưng chưa được chẩn đoán và điều trị.
-
Trường hợp thiếu máu cấp tính, vừa nạo hút thai hoặc gặp phải những tổn thương nặng chưa lành, chưa kiểm soát được băng huyết.
3. Quy trình đặt vòng tránh thai ra sao
Để vòng tránh thai phát huy được hiệu quả tối đa, chị em cần thực hiện theo đúng quy trình sau:
3.1. Trước khi đặt vòng tránh thai
Mỗi phụ nữ cần tìm hiểu thật kỹ về vòng tránh thai, đặc biệt là ưu nhược điểm của nó, sau đó xem nó có phù hợp với bản thân mình hay không. Có sự tìm hiểu thật kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Thời điểm đặt vòng tránh thai :
- Thường sau sạch kinh 2 - 3 ngày chưa quan hệ tình dục.
- Trường hợp phụ nữ sau sinh chưa có kinh cần đến khám trước khi có quyết định có đặt được vòng hay không.
3.2. Đặt vòng tránh thai
Bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra lời khuyên hợp lý cho bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện bước đặt vòng tránh thai như sau:
Vòng được gấp nhỏ lại và đặt vào trong một cái ống có piston bằng chất dẻo rất nhỏ, có đường kính bằng que diêm, đưa vào cổ tử cung của người phụ nữ.
Quá trình đặt sẽ diễn ra chỉ khoảng vài phút. Chị em có thể thấy hơi khó chịu một chút nhưng sau đó hoàn toàn thoải mái và có thể tiếp tục hoạt động bình thường. Vì có thể gặp phải tình trạng chảy máu sau khi đặt vòng nên chị em có thể chuẩn bị trước và sử dụng băng vệ sinh để khắc phục.
Đặt vòng tránh thai có thể gây ra một số tác dụng phụ như tình trạng rong kinh, đau bụng kinh, co thắt tử cung, một số trường hợp có thể bị giảm cân do không phù hợp với vòng tránh thai.
Ưu điểm của vòng tránh thai:
-
Hiệu quả ngừa thai cao và lâu dài
-
Không gây ảnh hưởng đến chuyện chăn gối và sinh hoạt trong cuộc sống
-
Không gây khó chịu
-
Không tốn kém.
-
Nếu muốn có thai trở lại, chị em chỉ cần tới các cơ sở y tế để tháo vòng tránh thai.
-
An toàn tuyệt đối khi cho con bú.
Chị em phụ nữ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện
3.3. Sau khi đặt vòng tránh thai
Sau khi đặt vòng tránh thai, chị em cần chú ý theo dõi cơ thể. Nếu thấy những biểu hiện như sốt cao, đau khi quan hệ, rong kinh, chậm kinh, hay nghi ngờ vòng tuột thì cần đi khám sớm
Nên thường xuyên kiểm tra để đảm bảo vòng tránh thai vẫn được đặt đúng chỗ.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn trả lời câu hỏi đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng gì không và đưa ra quyết định cho mình. Nếu còn thắc mắc, bạn hãy gọi đến số 1900565656, chuyên gia sản khoa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.