Tay chân miệng là một trong những bệnh thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em. Vì thế, các gia đình có trẻ nhỏ thường rất quan tâm đến vấn đề phòng tránh bệnh tay chân miệng để bảo vệ sức khỏe cho con em mình, cũng như cho cả gia đình.
16/03/2021 | Bị bệnh chân tay miệng kiêng gì để mau khỏi? 02/03/2021 | Trẻ bị chân tay miệng kiêng gì, phương pháp chữa như thế nào để mau khỏi? 29/01/2021 | Bệnh chân tay miệng trẻ em có thể chữa trị dứt điểm được không?
1. Tìm hiểu bệnh tay chân miệng
Để có thể phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả, trước tiên, mỗi người cần chủ động cập nhật các kiến thức cơ bản liên quan đến bệnh lý này như sau.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Enterovirus gây ra, nổi bật là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Thời điểm giao mùa là lúc bệnh bùng phát mạnh mẽ với mức độ lây lan nhanh và rộng. Hiện nay chỉ có thuốc hỗ trợ điều trị tay chân miệng chứ chưa có thuốc đặc trị hiệu quả.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Bệnh do nhóm virus đường ruột gây ra với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Cụ thể, nếu là do virus Coxsackievirus A16 thì người bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày nếu được nghỉ ngơi, chăm sóc và điều trị đúng cách. Nhưng nếu do virus Enterovirus 71 thì người bệnh cần được chăm sóc và điều trị tích cực, nếu không sẽ gặp nhiều biến chứng, thậm chí là tử vong.
Bệnh tay chân miệng do nhóm virus đường ruột gây ra
Vậy bệnh này có lây không? Câu trả lời là có, thậm chí, mức độ lây lan sẽ rất nhanh nếu không biết cách phòng tránh bệnh tay chân miệng. Bên cạnh tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, phân hay dịch bóng nước của người bệnh thì chỉ cần chạm vào những món đồ, vật dụng mà người bệnh đã dùng thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.
Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi và đang đi học là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bởi hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu, đi học lại tiếp xúc với nhiều bạn bè nên nguy cơ nhiễm bệnh cao. Và khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, nếu người lớn không cẩn thận thì không chỉ bản thân bị lây nhiễm mà còn trở thành trung gian truyền bệnh cho các trẻ khác.
2. Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng
Nổi ban trên da
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng chân, trong ổ miệng, và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ.
Nổi ban trên da là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của bệnh tay chân miệng
Loét miệng
Vị trí loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi. Số lượng vết loét rất thay đổi từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2 - 3mm. Tình trạng loét miệng khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống, khiến trẻ bỏ ăn và thường chảy nước miếng liên tục.
Sốt
Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 - 38 độ C. Tuy nhiên có những trẻ bị sốt cao trên 39 độ C liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị tay chân miệng đã nghiêm trọng cần nhập viện để điều trị tốt hơn.
Các dấu hiệu nặng hơn
Ngoài các dấu hiệu trên, một số trẻ còn xuất hiện những triệu chứng nặng hơn, nếu không được điều trị y tế kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những triệu chứng này bao gồm:
-
Sốt cao liên tục, không thể hạ sốt dù đã dùng thuốc hạ nhiệt.
-
Giật mình, hốt hoảng không rõ nguyên nhân.
-
Mệt mỏi, lơ mơ, ngủ gà, ngủ li bì,...
-
Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc lạnh ở tay, chân.
-
Thở nhanh, thở bất thường (thở nông, rút lõm ngực, khò khè).
-
Run người, tay chân run, ngồi không vững, đi đứng loạng choạng.
Khi xuất hiện các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng, cần được điều trị tích cực để tránh nguy hiểm
3. Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng
Mức độ lây lan nhanh cộng với sự nguy hiểm khi không được điều trị tích cực khiến dịch tay chân miệng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, đặc biệt khi nhà có con nhỏ. Do đó, cần chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng bằng những biện pháp sau.
Rửa tay thường xuyên
Tay là bộ phận cầm nắm và tiếp xúc với nhiều vật dụng, vì thế, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước diệt khuẩn, nước sạch để làm sạch bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu bạn đang chăm sóc con nhỏ thì phải luôn rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho bé ăn, trước khi ẵm bé và đặc biệt là sau khi làm vệ sinh cho bé.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống
Bên cạnh việc ăn chín uống sôi thì cần vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn. Cùng với đó, dụng cụ ăn uống của người lớn và của trẻ em nên được sử dụng riêng, nhất là chén, dĩa, đũa, muỗng, cốc, khăn ăn,…
Giữ gìn vệ sinh nhà cửa
Nhà cửa luôn được quét dọn, lau rửa, hút bụi hàng ngày. Đặc biệt, các vị trí như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, mặt bàn/ghế,… cần được vệ sinh kỹ lưỡng bởi đây là những vị trí thường tiếp xúc với nhiều người.
Ngoài ra, những đồ chơi và vật dụng thường dùng của trẻ cần phải được tẩy trùng sạch sẽ bằng những dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2%, dung dịch nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn để tạo tính an toàn cho trẻ khi sử dụng.
Chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước diệt khuẩn
Không/hạn chế tiếp xúc với người bệnh
Một trong những cách phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả là không tiếp xúc với người bệnh để tránh bị lây nhiễm. Trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống lây nhiễm như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay ngay sau đó. Nếu nghi ngờ mắc bệnh với các triệu chứng như nói trên thì cần đi khám ngay.
Nếu gia đình có người bị tay chân miệng thì cần cách ly người bệnh trong phòng riêng để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm. Quá trình chăm sóc, nhất là khi thay quần áo, tã hay vệ sinh cho người bệnh thì cần thực hiện cẩn thận bởi chỉ cần tiếp xúc với nước bọt hay phân của người bệnh là có thể bị lây nhiễm.
Với tất cả những chia sẻ trên, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu hơn về bệnh lý phổ biến này cũng như cách phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả cộng đồng.