Một trong những kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng được đánh giá cao hiện nay không thể không kể đến chụp hình MRI. Thông qua hình ảnh từ chụp MRI, bác sĩ sẽ có cơ sở để đưa ra những chẩn đoán chính xác hơn. Vậy với hiệu quả như thế, chụp MRI có thể được tiến hành cho các bộ phận nào trên cơ thể?
1. Chụp hình MRI là gì?
Chụp MRI hay còn có tên gọi đầy đủ là chụp cộng hưởng từ MRI (trong đó MRI là viết tắt của Magnetic Resonance Imaging) được thực hiện thông qua việc sử dụng sóng radio và sóng từ trường. Sóng từ trường và sóng radio sẽ tác động đến các nguyên tử hydrogen trong cơ thể khiến các nguyên tử này hấp thu và phóng thích ra năng lượng RF. Máy sẽ thu nhận, xử lý và chuyển đổi các tín hiệu thu được trong quá trình phóng thích RF thành hình ảnh hiển thị trên màn hình.
Hình ảnh thu được từ chụp cộng hưởng từ MRI có độ sắc nét, độ tương phản và rõ ràng cao, cùng với đó là các chi tiết giải phẫu tốt, thậm chí có thể tái tạo hình ảnh 3D để quan sát được thực tế hơn. Trong nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh lý, chụp cộng hưởng từ MRI đem lại hiệu quả chẩn đoán tốt hơn nhiều so với kỹ thuật chụp X-quang, chụp cắt lớp CT hay siêu âm.
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ MRI có độ phân giải cao, sắc nét
Chụp MRI được giới chuyên gia đánh giá cao về độ an toàn bởi không sử dụng tia xạ nên rất hay được chỉ định chụp để chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân.
2. Chỉ định chụp MRI cho bộ phận nào?
Chụp MRI có thể được chỉ định cho các bộ phận dưới đây:
- Chụp sọ não: Giúp chẩn đoán các bệnh dị dạng mạch máu não, tai biến mạch máu não, nhồi máu não, chảy máu não, u dây thần kinh sọ não, u não, chấn thương sọ não, động kinh, bệnh lý viêm não, màng não, bệnh lý thoái hóa chất trắng hay các dị tật bẩm sinh của não,...
- Chụp hốc mắt: Hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề liên quan đến dây thần kinh thị giác hay nhãn cầu,...
- Chụp vùng cổ: Giúp phát hiện các bệnh lý khác như viêm, khối u, hạch bạch huyết vùng cổ,...
- Chụp cột sống: Các bệnh lý về cột sống như thoát vị đĩa đệm, viêm nhiễm đĩa đệm, dây chằng thoái hóa, gãy lún đốt sống hay viêm nhiễm phần mềm cạnh sống,... có thể dễ dàng phát hiện thông qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ. Bên cạnh đó cũng có thể chẩn đoán một số bệnh lý liên quan đến tủy sống (u tủy sống, viêm tủy sống,...).
- Chụp vùng bụng - chậu: Giúp chẩn đoán các bệnh lý về gan, thận, tuyến thượng thận, mật, tuyến tụy, lá lách như u gan, sỏi mật, u đường mật,... MRI còn được chỉ định để phát hiện các bệnh lý vùng tiểu khung như ung thư tiền liệt tuyến, ung thư trực tràng, sa âm đạo, u tử cung, u buồng trứng. Đặc biệt, chụp MRI giúp bác sĩ xác định được giai đoạn chính xác của các bệnh nhân mắc bệnh ung thư.
- Chụp cơ xương khớp: Chụp hình MRI có thể hiển thị những hình ảnh sắc nét của các cấu trúc sụn khớp, ổ khớp, xương, dây chằng hay gân cơ. Từ đó có cơ sở để phát hiện sớm các bệnh lý thoái hóa, viêm nhiễm hoặc tràn dịch ổ khớp,...
Chụp hình MRI giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau
- Chụp tuyến vú: Các tổn thương ở tuyến vú như u ác tính, lành tính hay viêm nhiễm có thể được phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác thông qua chụp hình MRI.
Bên cạnh đó, chụp MRI cũng là một phương pháp được chỉ định trong công tác chẩn đoán bất thường hay dị tật phức tạp của thai nhi.
Một số bệnh lý tim mạch khác có thể được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI như: nhồi máu cơ tim, hẹp tắc mạch máu,...
3. Ưu điểm của chụp hình MRI
Không phải tự nhiên mà chụp MRI là phương pháp được đánh giá cao trong việc chẩn đoán bệnh lý. Chụp cộng hưởng từ MRI có những ưu điểm nổi bật như:
- Không sử dụng tia xạ nên không gây ảnh hưởng đến bệnh nhân.
- Bệnh nhân không phải chịu ảnh hưởng về mặt sinh học.
- Hình ảnh thu được từ MRI là hình ảnh đa mặt phẳng, tạo điều kiện cho việc chẩn đoán dễ dàng và chính xác hơn.
- Hình ảnh hiển thị có độ phân giải cao, sắc nét hơn nhiều so với chụp cắt lớp CT.
- Hiếm khi xảy ra tác dụng phụ đối với chất tương phản.
- Thời gian thực hiện chụp cộng hưởng từ MRI nhanh, giảm tối đa tiếng ồn gây khó chịu cho người bệnh.
- Không cần sử dụng đến thuốc cản quang khi chụp mạch.
- Có thể chẩn đoán được nhiều bệnh lý khác nhau.
Chụp MRI có thời gian chụp nhanh nhưng vẫn cho kết quả chính xác
4. Quy trình thực hiện chụp cộng hưởng từ MRI
Sau khi người bệnh được bác sĩ chỉ định tiến hành chụp cộng hưởng từ MRI thì nhanh chóng di chuyển đến khoa chẩn đoán hình ảnh. Tại đây, bệnh nhân sẽ được các chuyên viên kỹ thuật hướng dẫn cụ thể về việc thay đồ cũng như tạm thời tháo bỏ các vật dụng bằng kim loại như vòng, nhẫn, điện thoại,...
Chuyên viên kỹ thuật tiếp đó sẽ dẫn bệnh nhân vào phòng chụp và hướng dẫn để bệnh nhân nằm với tư thế phù hợp, thoải mái nhất. Sau đó, giường chụp sẽ di chuyển tự động đến vùng cần chụp.
Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà có thể xem xét có cần tiêm thuốc tương phản hay không. Nếu có thì thuốc tương phản sẽ được kỹ thuật viên tiêm vào người thông qua một chiếc kim nhỏ được đặt ở ven khuỷu tay. Kim chỉ được rút ra sau khi quá trình chụp MRI hoàn tất.
Đối với trẻ nhỏ, để đảm bảo an toàn và kết quả chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện tiêm thuốc gây mê. Như vậy, trẻ mới có thể nằm im trong suốt quá trình chụp. Với trẻ cần tiêm thuốc mê thì phải nhịn ăn trong vòng ít nhất 6 tiếng trước khi chụp.
Khi quá trình chụp cộng hưởng từ MRI bắt đầu, người bệnh có thể nghe thấy một vài âm thanh nhỏ, tuy nhiên không quá khó chịu bởi các máy chụp hình MRI hiện nay đều sử dụng công nghệ cao. Thời gian chụp hình MRI thường kéo dài từ 15 - 30 phút.
Máy chụp cộng hưởng từ MRI 1.5 Tesla tại MEDLATEC
Hiện nay, bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong số ít những cơ sở y tế tư nhân có trang bị hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI hiện đại của Hoa Kỳ (MRI 1.5 Tesla), cho hình ảnh rõ nét, hỗ trợ hiệu quả cho công tác thăm khám, chẩn đoán bệnh của bác sỹ.
Nếu đang có nhu cầu chụp hình MRI, bạn có thể đến ngay các cơ sở của MEDLATEC hoặc liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn.