Ngày 7/1/2022, Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chính thức được Hiệp hội Bệnh học Hoa Kỳ (College of American Pathologists) cấp chứng chỉ CAP về chất lượng xét nghiệm.
18/01/2022 | MEDLATEC vinh dự là đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng chỉ CAP - Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm của Mỹ
CAP là gì?
CAP là tên viết tắt của Hiệp hội Bệnh học Hoa Kỳ (College of American Pathologists), đây là cơ quan công nhận chất lượng được ưu tiên lựa chọn bởi hơn 8.000 phòng thí nghiệm ở hơn 50 quốc gia trên thế giới, cung cấp các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng xét nghiệm cũng như cung cấp các cơ hội học hỏi, phát triển toàn diện và cải tiến liên tục nhằm cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân. CAP cung cấp các quy định nghiêm ngặt nhất để yêu cầu các phòng xét nghiệm được công nhận bởi CAP phải tuân thủ, duy trì thực hiện và thúc đẩy một môi trường cải tiến chất lượng liên tục. Với mô hình của chương trình kiểm tra đồng cấp, kết hợp với các danh sách kiểm tra nghiêm ngặt được cập nhật hàng năm và các chương trình đào tạo liên tục của CAP giúp mang đến cơ hội cho phòng xét nghiệm phát triển chuyên môn để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao nhằm đảm bảo chăm sóc bệnh nhân tốt nhất có thể.
Buổi làm việc của các chuyên gia CAP tại phòng xét nghiệm
Làm thế nào để Phòng xét nghiệm được công nhận bởi CAP?
Để một Phòng xét nghiệm (PXN) được công nhận chất lượng bởi CAP cần trải qua các giai đoạn sau:
Điều kiện tiên quyết để một PXN quốc tế có thể nộp đơn xin đăng ký tham gia công nhận bởi CAP là phải tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo của CAP trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng.
PXN cần tham gia tối đa các chương trình thử nghiệm thành thạo mà CAP có sẵn cho tất cả các danh mục xét nghiệm đang triển khai tại PXN đối với các xét nghiệm nằm trong danh mục triển khai của PXN mà CAP không có sẵn các chương trình thương mại thì CAP yêu cầu PXN cần thực hiện đánh giá hiệu suất thay thế cho các xét nghiệm này và được chấp thuận bởi gám đốc PXN.
Khi tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo, CAP yêu cầu PXN phải thực hiện phân tích mẫu thử nghiệm thành thạo như mẫu của bệnh nhân và được thực hiện bởi những nhân viên liên quan trong PXN mà không được tạo ra một điều kiện tối ưu nào trong quá trình thực hiện phân tích mẫu của CAP. Từ đó, giúp đánh giá được tay nghề của kỹ thuật viên xét nghiệm cũng như các yếu tố về thiết bị, hóa chất, môi trường, … khi thực hiện xét nghiệm trên mẫu bệnh nhân.
Sau khi PXN đã tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo của CAP đạt yêu cầu và đủ thời gian tối thiểu trên 6 tháng, PXN sẽ có cơ hội để được CAP công nhận chất lượng PXN theo tiêu chuẩn của CAP. Để đạt được chứng nhận này, PXN cần trải qua 10 bước sau:
Sơ đồ các bước thực hiện công nhận CAP
- Bước 1: Điền và gửi đơn yêu cầu chương trình công nhận (Accreditation Program Application Request Form).
- Bước 2: Xem xét các yêu cầu công nhận và trao đổi với nhân viên của CAP để giải đáp các câu hỏi liên quan trong quá trình đăng ký.
- Bước 3: Hoàn thành đơn đăng ký công nhận, CAP yêu cầu PXN cung cấp các thông tin về hành chính, pháp lý và mô tả các điều kiện thực tế của PXN về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, … Nội dung này yêu cầu PXN cần hoàn tất hồ sơ trong vòng 3 tháng kể từ ngày nhận được thông báo Online. Dựa trên hồ sơ mà PXN cung cấp, các chuyên gia của CAP sẽ có căn cứ để phân loại và hướng dẫn đánh giá PXN phù hợp theo tiêu chuẩn mà CAP đã đưa ra.
- Bước 4: Nhận bản Customized checklists từ CAP - đây là bộ danh sách các tiêu chí kiểm tra đã được hiệu chỉnh để phù hợp nhất với quy mô của PXN dựa trên thông tin đơn đăng ký mà PXN đã cung cấp cho CAP. PXN cần chuẩn bị tất cả yếu tố về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất, môi trường, các vấn đề liên quan đến an toàn, xây dựng các chính sách và lưu trữ lại hồ sơ đã thực hiện... để đáp ứng yêu cầu theo danh sách kiểm tra này để phục vụ trong quá trình kiểm tra của thanh tra CAP.
- Bước 5: Giám đốc PXN sẽ liên hệ với trưởng đoàn thanh tra của CAP xây dựng một lịch trình về thời gian cho buổi đánh giá PXN.
- Bước 6: PXN sẽ tiếp đoàn thanh tra của CAP về việc đánh giá chất lượng của PXN.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra CAP sử dụng các phương pháp tiếp cận như: Đọc, Quan sát, hỏi, khám phá - phát hiện, cụ thể như sau:
Đọc (Read): Thanh tra viên của CAP sẽ tiến hành xem xét các tài liệu mà PXN xây dựng để làm cơ sở cho việc quan sát và hỏi.
Quan sát (Observe): Thanh tra viên của CAP sẽ kiểm tra trực tiếp các thao tác thực hiện phân tích xét nghiệm của kỹ thuật viên (KTV) PXN, có sai lệch gì so với các chính sách và quy trình mà PXN đã xây dựng hay không.
Hỏi (Ask): Thanh tra sẽ đưa ra các câu hỏi mở cho KTV của PXN để đánh giá hiểu biết về quy trình của nhân viên.
Khám phá (Discover): Thanh tra của CAP sẽ đi sâu vào sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, giúp hiểu rõ các quy trình trước, trong và sau phân tích đang được triển khai tại PXN.
Để đáp ứng được các yêu cầu trên, PXN cần sắp xếp lại các hồ sơ liên quan một cách khoa học để thuận tiện trong quá trình kiểm tra, đặc biệt PXN cần chú trọng trong vấn đề đào tạo nhân viên theo đúng chính sách và quy trình mà PXN đã ban hành, bám sát theo các yêu cầu đã được CAP cung cấp trong bộ danh sách kiểm tra (Customized checklists).
- Bước 7: CAP sẽ cho PXN thời gian là 30 ngày để thực hiện khắc phục và phản hồi lại tất cả các thiếu sót của PXN được phát hiện bởi thanh tra của CAP trong buổi đánh giá.
- Bước 8: Trong vòng 75 ngày tiếp theo, thanh tra của CAP sẽ rà soát lại tất cả các vấn đề của PXN, trong khoảng thời gian này PXN sẽ phải tập trung tối đa trong việc hợp tác và phản hồi các yêu cầu giúp các thanh tra của CAP có đủ các bằng chứng để đi đến quyết định cuối cùng liệu PXN có đủ tiêu chuẩn để được công nhận chất lượng theo tiêu chuẩn của CAP hay không.
- Bước 9: Sau khi hoàn tất các điều kiện ở bước 8, PXN sẽ nhận được chứng nhận công nhận chất lượng PXN theo tiêu chuẩn của CAP.
- Bước 10: Sau khi được công nhận chất lượng PXN theo tiêu tuẩn của CAP, PXN cần tự thực hiện đánh giá duy trì việc tuân thủ các quy định về chất lượng hàng năm, lưu trữ lại hồ sơ dưới dạng văn bản để phục vụ cho chu kỳ đánh giá tiếp theo của thanh tra CAP.
Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC - đơn vị Y tế đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ CAP
Với mong muốn mang lại chất lượng dịch vụ xét nghiệm tốt nhất để phục vụ khách hàng và bảo đảm việc tiếp cận đến các tiến bộ y học hiện đại, Trung tâm Xét nghiệm (TTXN) Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC không những luôn tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng theo các bộ tiêu chí mà Bộ Y tế Việt Nam ban hành (quyết định 2429), mà còn không ngừng cải tiến, học hỏi phấn đấu để đạt được chứng chỉ công nhận chất lượng PXN theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012 từ năm 2016.
Trung tâm Xét nghiệm, BVĐK MEDLATEC - Bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ chất lượng phòng xét nghiệm CAP
Không dừng lại ở đó với xu hướng luôn tìm tòi, sáng tạo và cải tiến chất lượng liên tục để phục vụ khách hàng tốt nhất, MEDLATEC đã tiếp cận và học hỏi theo các PXN lớn và có uy tín trên thế giới để hướng tới mục tiêu xây dựng PXN theo tiêu chuẩn của CAP từ năm 2019 nhằm bổ sung và củng cố hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm toàn diện và chặt chẽ hơn nữa. Sau hơn 2 năm không ngừng phấn đấu và phát triển, đến đầu năm 2022, Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC đã thực sự vươn tầm thế giới và được đánh dấu bởi cột mốc đó là MEDLATEC trở thành đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận công nhận chất lượng phòng xét nghiệm theo tiêu chuẩn của CAP và tự hào trở thành 1 thành viên trong hơn 8.000 phòng xét nghiệm trên thế giới đạt được công nhận này.
Với uy tín 26 năm kinh nghiệm phục vụ khách hàng, việc MEDLATEC đạt được chứng chỉ CAP không những thể hiện năng lực và chất lượng xét nghiệm cũng như giá trị xét nghiệm, mà còn một lần nữa khẳng định tính chính xác và tin cậy của các kết quả xét nghiệm phục vụ khách hàng.