Virus HPV là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Tiêm vắc xin phòng ngừa virus HPV hiện là cách hiệu quả nhất để hạn chế sự lây lan của virus này, độ tuổi tiêm từ 9 - 26 tuổi. Một trong những băn khoăn nhiều người quan tâm nhất là chích ngừa ung thư cổ tử cung đã quan hệ có hiệu quả không?
21/12/2020 | Điều kiện chích ngừa ung thư cổ tử cung và lưu ý cần biết 08/12/2020 | Tại sao phụ nữ từ 21 tuổi nên sàng lọc ung thư cổ tử cung
1. Tìm hiểu những thông tin cơ bản về virus HPV
HPV là loại virus gây u nhú ở người, hầu hết phụ nữ đều nhiễm virus này ở một khoảng thời gian nhất định trong đời. Có những người mắc virus HPV nhưng không có bất cứ dấu hiệu, triệu chứng bệnh lý nào, nhất là mắc các chủng virus HPV “lành tính”. Nhiều trường hợp nhiễm virus HPV “nguy cơ thấp” chỉ bị mọc mụn cóc ở hậu môn hoặc bộ phận sinh dục.
Biện pháp hiệu quả và đơn giản nhất phòng ngừa ung thư cổ tử cung là tiêm vắc xin ngừa HPV
Virus HPV chủng 16 và 18 là chủng gây nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao nhất. Chúng hoạt động mạnh và gây ra những tổn thương tiền ung thư cổ tử cung cũng như tại các bộ phận sinh dục, hậu môn khác. Theo thời gian cùng các yếu tố tác động, những tổn thương này có thể tiến triển thành ung thư.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc trị virus gây bệnh này song con người hoàn toàn có thể phòng ngừa lây nhiễm Virus HPV bằng cách tiêm phòng. Đây cũng là cách hiệu quả nhất giúp phụ nữ chủ động phòng ngừa ung thư cổ tử cung - căn bệnh phổ biến và nguy hiểm.
2. Thông tin về vắc xin HPV
2.1. Độ tuổi tiêm phòng
Nhiều nước trên thế giới hiện nay đã tiến hành tiêm loại vắc xin này cho phụ nữ.
Một trong những vắc xin mà phụ nữ được khuyến cáo tiêm là vắc xin ngừa HPV
Ở Việt Nam, có 2 loại vắc xin HPV khuyến cáo cho những phụ nữ, bé gái độ tuổi khác nhau như sau:
-
Vắc xin Cervarix: Phụ nữ từ 10 - 25 tuổi, phòng ngừa 2 chủng virus gây ung thư cổ tử cung chủ yếu là HPV 16 và 18.
-
Vắc xin Gardasil: Phụ nữ từ 9 - 26 tuổi, phòng ngừa 4 chủng virus HPV là 6, 11, 16, 18.
Nên tiêm phòng vắc xin khi chưa quan hệ tình dục, nếu đã quan hệ tình dục hoặc quá độ tuổi khuyến cáo, hiệu quả vắc xin sẽ giảm.
2.2. Số mũi tiêm
Để đạt hiệu quả kháng thể tốt nhất, phụ nữ cần hoàn thành đủ 3 mũi tiêm vắc xin HPV với cả 2 loại Gardasil và Cervarix. Thời điểm tiêm cụ thể từng mũi tiêm như sau:
-
Vắc xin Gardasil: Tiêm mũi thứ 2 sau 2 tháng, tiêm mũi thứ 3 sau 6 tháng tính từ thời điểm mũi tiêm đầu tiên.
-
Vắc xin Cervarix: Tiêm mũi thứ 2 sau 1 tháng, tiêm mũi thứ 3 sau 6 tháng tính từ thời điểm mũi tiêm đầu tiên.
2.3. Điều kiện sức khỏe
Khi đáp ứng các điều kiện sau thì phụ nữ sẽ được tiêm vắc xin ngừa HPV:
-
Trong 4 tuần gần nhất chưa tiêm 1 loại vắc xin nào khác.
-
Hoàn toàn khỏe mạnh.
-
Đang không sử dụng các loại thuốc như corticoid,... (thuốc ức chế miễn dịch).
Phụ nữ nên tiêm phòng HPV khi sức khỏe tốt
2.4. Tác dụng phụ của vắc xin
Tiêm vắc xin HPV có thể gây 1 số tác dụng phụ tại chỗ như sưng đau, viêm tại vị trí kim tiêm. Một số trường có thế xuất hiện phản ứng ngứa, nổi mẩn nhưng thường sẽ tự giảm sau 1 thời gian ngắn. Người tiêm cần ở lại địa điểm tiêm 30 phút để theo dõi, sau đó tiếp tục theo dõi tại nhà.
Để đảm bảo an toàn, những đối tượng sau không nên tiêm vắc xin HPV cho đến khi sức khỏe ổn định:
-
Đang mắc bệnh cấp tính nặng.
-
Người có cơ địa nhạy cảm, tiền căn dị ứng nặng với thành phần của vắc xin hoặc nấm men.
-
Phụ nữ đang mang thai chưa hoàn thành 3 mũi tiêm chủng.
-
Phụ nữ có dự định mang thai trong vòng 1 - 3 tháng tới.
3. Bác sĩ giải đáp: chích ngừa ung thư cổ tử cung đã quan hệ có hiệu quả không?
Dù được khuyến cáo nên tiêm phòng vắc xin HPV cho bé gái và phụ nữ từ 9 - 26 tuổi chưa từng quan hệ tình dục. Vậy chích ngừa ung thư cổ tử cung đã quan hệ có hiệu quả không?
Câu trả lời là phụ nữ đã từng quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm phòng và vẫn đạt được hiệu quả phòng ngừa. Các chuyên gia cũng khuyên rằng, phụ nữ đã có gia đình, đã quan hệ tình dục nếu chưa vẫn nên tiêm phòng HPV và nên tiêm phòng càng sớm càng tốt. Vắc xin đạt hiệu quả kéo dài tới 30 năm.
Vắc xin HPV có hiệu quả ngay cả với phụ nữ đã quan hệ tình dục
Thực tế, Virus HPV có nhiều tuyp khác nhau, chị em có thể nhiễm 1 vài chủng virus HPV sau quan hệ tình dục. Tiêm phòng vắc xin lúc này không giúp phòng ngừa những virus đã nhiễm đó nhưng tạo kháng thể chống lại những chủng HPV type 16 và 18, type gây ung thư cổ tử cung cao nhất. Hơn nữa, tiêm phòng vắc xin cũng giúp củng cố hệ miễn dịch cơ thể, ngăn ngừa tái nhiễm và nguy cơ ung thư do tái nhiễm.
Dù chích ngừa ung thư cổ tử cung là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh nhưng chị em không thể loại bỏ 100% nguy cơ mắc bệnh. Vì thế ngoài tiêm phòng, phụ nữ vẫn cần tự chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách: tập thể dục điều độ, dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh, duy trì lối sinh hoạt khoa học, quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình,…
4. Sau khi tiêm phòng HPV có cần kiêng quan hệ tình dục không?
Về vấn đề này, hiện nay chưa có khuyến cáo cụ thể về yêu cầu kiêng quan hệ tình dục sau khi tiêm phòng vắc xin HPV. Song nếu có thể, bạn nên có biện pháp bảo vệ nếu quan hệ tình dục tại thời điểm đang tiêm phòng và sau tiêm phòng 1 thời gian ngắn khi cơ thể chưa tạo ra kháng thể chống lại virus. Các biện pháp quan hệ tình dục an toàn thời gian này bao gồm:
Quan hệ tình dục an toàn là cách ngừa lây nhiễm HPV
-
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
-
Hạn chế quan hệ tình dục với nhiều người.
-
Hạn chế quan hệ tình dục bằng miệng, bằng hậu môn,… vì tiếp xúc này cũng có thể lây nhiễm virus.
Ngoài ra, với phụ nữ dự định mang thai, nên chủ động tiêm phòng vắc xin HPV sớm để mũi tiêm cuối trước khi mang thai ít nhất 1 tháng, tốt nhất là 3 tháng. Nếu chưa hoàn thành 3 mũi tiêm của vắc xin HPV mà mang thai, cần hoãn tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho thai kỳ.
Hi vọng những thông tin trong bài viết này đã giải đáp được thắc mắc chích ngừa ung thư cổ tử cung đã quan hệ có được không? Nếu cần hỗ trợ thông tin thêm về vắc xin HPV và bệnh ung thư cổ tử cung, hãy chủ động liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.