Cảnh giác với các bệnh nhiễm sán dây | Medlatec

Cảnh giác với các bệnh nhiễm sán dây

Ngày 18/06/2014 ThS. Bùi Quỳnh Nga

Có sáu loại sán dây thường gây bệnh ở người, trong đó có loại kích thước lớn là sán dây bò, dài tới 25m, sán dây lợn dài 7m, sán dây cá dài 10m.



Sán dây kích thước nhỏ là loài sán tí hon chỉ dài 25-40mm, sán dây ở loài gặm nhấm dài 20-60cm, sán dây chó dài 10-70 cm. Nhiễm sán gây thiếu máu, viêm lưỡi, khó thở, tim đập nhanh, tê bì, rối loạn cảm giác, rối loạn thăng bằng, nghe kém, sa sút trí tuệ, tử vong do sán làm ổ trong não…

Nhiều loại sán dây gây bệnh ở người   

Trong sáu loại sán hay gây bệnh ở người thì sán dây lợn và sán dây cá có sự phân bố hạn chế hơn nhưng vẫn có ở Việt Nam, còn bốn loại sán kia thì có mặt trên toàn thế giới. Người là vật chủ cuối cùng duy nhất của sán dây bò và sán dây lợn.
 

Cấu tạo của sán dây trưởng thành bao gồm một đầu, cổ và một chuỗi các đốt độc lập là nơi trứng hình thành. Đầu sán là bộ phận gắn kết của sán.
 

Bệnh nhân bị nhiễm nhiều con sán thường gặp là các sán nhỏ hoặc sán dây cá. Đối với sán dây lớn, ít khi một người nhiễm trên 1 hay 2 con sán dây bò, sán dây lợn.
 


Sán dây bò: ở hầu hết các nước chăn nuôi bò đều có bệnh sán dây bò. Các đốt trưởng thành của sán dây bò trong ruột người tự rời ra khỏi chuỗi và thải theo phân ra đất. Các đốt sán hoặc trứng bị động vật móng guốc ăn cỏ hoặc các loài bò nhà ăn phải, trứng nở ra phôi, đóng thành kén trong cơ gọi là các ấu trùng sán. Người ăn thịt bò sống hoặc nấu chưa chín chứa các ấu trùng sán còn sống – Cysticercus bovos sẽ bị nhiễm bệnh. Trong ruột người, các ấu trùng sán phát triển thành sán trưởng thành.
 


Sán dây lợn: vòng đời của sán lợn cũng giống như vòng đời của sán bò, hoặc lợn ăn phân người có chứa các đốt sán và trứng và trở thành vật chủ của giai đoạn ấu trùng. Người bị mắc bệnh khi ăn thịt lợn nấu chưa chín chứa ấu trùng sán còn sống. Người còn là vật chủ trung gian khi bị nhiễm giai đoạn ấu trùng do ăn phải thức ăn và nước nhiễm trứng sán.
 


Sán dây cá : trứng sán theo phân người vào nước ngọt, đầu tiên bị các động vật giáp xác ăn, các động vật giáp xác lại bị cá ăn, cả hai loài này đều là vật chủ trung gian. Người bị bệnh khi ăn cá nước lợ hoặc cá nước ngọt còn sống hoặc chưa nấu chín. Các vật chủ khác là động vật như: chó, gấu và các động vật ăn cá khác.
 

Sán dây tí hon có kích thước 25-40mm là loài sán đốt phổ biến nhất. Nhiễm sán dây tí hon hay gặp, nhất là ở trẻ em, ở những vùng vệ sinh còn kém trên toàn thế giới. Người là vật chủ cuối cùng của các dòng sán người. Vòng đời của sán đặc biệt ở chỗ cả giai đoạn ấu trùng và giai đoạn trưởng thành đều có trong ruột người, gây nên quá trình tự nhiễm nội sinh, nói chung không có vật chủ trung gian. Bệnh lây trực tiếp từ người sang người hoặc qua các vật dụng, nước, thức ăn.
 

Sán dây của động vật gặm nhấm là sán gây bệnh ở động vật gặm nhấm. Nhiều loài côn trùng như bọ chét, bọ cánh cứng, gián, chuột  là vật chủ trung gian. Người, chủ yếu là trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh do nuốt phải các côn trùng nhiễm sán, lẫn trong ngũ cốc hoặc các thực phẩm lưu trữ.
 

Sán dây chó: thường gặp ở trẻ nhỏ tiếp xúc gần với chó hoặc mèo nhiễm bệnh. Sự lây truyền do người nuốt phải các vật chủ trung gian nhiễm bệnh như bọ chét hoặc rận.
 

Cách phát hiện  bệnh sán dây  

Các sán dây kích thước lớn: bệnh nhân nhiễm các sán dây lớn nói chung không có triệu chứng. Nếu chú ý chỉ thấy một số triệu chứng tiêu hoá nghi ngờ như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đói, chóng mặt. Đôi khi gặp các dấu hiệu như nôn ra các đốt sán, tắc ống mật, tắc ống tuỵ, hoặc viêm ruột. Nhiễm sán dây bò hoặc lợn có thể do bệnh nhân tự phát hiện khi thấy có các đốt sán trong phân, quần áo hoặc chăn đệm. Một số người nhiễm sán dây cá có triệu chứng thiếu máu hồng cầu to kèm với giảm tiểu cầu và bạch cầu. Thiếu máu là hậu quả do sán giành mất vitamin B12 của cơ thể. Các triệu chứng khác gồm : viêm lưỡi, khó thở, tim đập nhanh và các biểu hiện thần kinh như tê bì, rối loạn cảm giác, rối loạn thăng bằng, nghe kém, sa sút trí tuệ.
 

Các sán dây kích thước nhỏ: nhiễm sán nhẹ cũng không có biểu hiện lâm sàng. Nhưng nếu nhiễm sán nặng, nhất là sán dây tí hon có thể gặp các triệu chứng : tiêu chảy, đau bụng, chán ăn, nôn, gầy sút và bứt rứt.
 

Xét nghiệm xác định loại sán bằng phương pháp phân tích điện di men glucose phosphat isomerase; soi trên kính hiển vi.
 

Phương pháp điều trị

Thuốc điều trị đặc hiệu dùng cho tất cả các loại sán là  praziquantel và niclosamid. Đối với sán dây bò, sán dây lợn, dùng praziquantel liều duy nhất 10 mg/kg đạt hiệu quả khỏi bệnh gần 99%. Tương tự liều duy nhất bốn viên (2g) niclosamid, tỷ lệ khỏi bệnh cũng trên 90%. Cần chú ý không dùng thuốc nhuận tràng trước và sau khi dùng thuốc điều trị. Thiếu máu và các biểu hiện thần kinh trong nhiễm sán dây cá có thể dùng  vitamin B12 có hiệu quả tốt.
 

Phòng bệnh

Phòng bệnh chủ yếu là thực hiện ăn chín uống sôi. Điều trị khỏi hẳn cho những bệnh nhân nhiễm sán. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi lao động hoặc tiếp xúc với dụng cụ lao động và môi trường. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm sán nên đi khám để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Quản lý tốt phân, rác. Không dùng phân tươi tưới bón cho cây.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Đăng ký khám, tư vấn

Tại sao nên chọn bệnh viện đa khoa MEDLATEC

Bệnh viện đa khoa nhiều năm kinh nghiệm.
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Cơ sở vật chất hiện đại
Áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế lên tới 100%
Quy trình khám chữa bệnh nhanh chóng
Chi phí khám chữa bệnh hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Có cách nào điều trị dứt điểm giun kim ở trẻ không?

Một trong những câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra trong quá trình chăm sóc trẻ là có thể điều trị dứt điểm giun kim không. Thực tế tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em lại là đối tượng thường gặp nhất. Dù không gây nguy hiểm hay đe doạ tính mạng nhưng vẫn để lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho sức khỏe của trẻ. 
Ngày 20/06/2023

Đặc điểm của trứng giun kim - có thể bạn chưa biết

Đối tượng thường xuyên gặp phải tình trạng nhiễm trứng giun kim hay giun kim được xác định là trẻ nhỏ. Tình trạng này đôi khi không gây nguy hiểm, nhưng lại khiến người mắc khó chịu. Để biết được hình dạng của trứng giun kim ra sao, biểu hiện khi nhiễm là gì và làm thế nào để phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả, mời bạn đọc cùng MEDLATEC tìm hiểu ngay dưới đây. 
Ngày 16/06/2023

Bạn có biết: Sốt xuất huyết kéo dài bao lâu thì khỏi?

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không có biện pháp điều trị phù hợp sẽ dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Vậy sốt xuất huyết kéo dài bao lâu thì khỏi? Thông tin liên quan sẽ được làm rõ trong bài viết.
Ngày 14/06/2023

Nguyên nhân thủy đậu - cách nhận biết và phòng tránh

Trong thời gian gần đây, số người bị mắc bệnh thủy đậu đang có xu hướng gia tăng ở mọi lứa tuổi. Việc nhận biết nguyên nhân thủy đậu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phòng tránh bệnh, bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa sự lây lan ra cộng đồng.
Ngày 13/06/2023
Call Now
  Đặt lịch lấy mẫu tại nhà
  Đặt lịch KSK doanh nghiệp