Trẻ biếng ăn kéo dài luôn là nỗi niềm âu lo chung của nhiều bậc cha mẹ. Cũng do không biết vì sao trẻ biếng ăn nên cha mẹ trăn trở, tìm đủ mọi cách để trẻ ăn, để trẻ không bị thiếu cân,... Chính điều này khiến cho cha mẹ dễ rơi vào cái vòng luẩn quẩn, mãi không tìm được cách để cải thiện nhu cầu ăn uống ở trẻ; còn trẻ thì vốn đã lười ăn nay lại ngày càng lười.
09/09/2021 | Chuyên gia chia sẻ cách khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ 24/04/2020 | Trẻ biếng ăn là do đâu và cha mẹ phải làm gì khi trẻ bị biếng ăn?
1. Trẻ thế nào được gọi là biếng ăn
1.1. Dấu hiệu cho thấy trẻ biếng ăn
Biếng ăn là thuật ngữ được dùng để miêu tả tình trạng trẻ từ chối mọi loại thực phẩm có trong bữa ăn do bố mẹ cung cấp. Khi ấy, trẻ sẽ ăn rất ít hoặc thậm chí không ăn, ăn không tự nguyện, ăn không vui vẻ, cha mẹ phải dùng đến các cách khác nhau để kích thích cho trẻ ăn.
Những trẻ được xem là biếng ăn thường có các dấu hiệu sau:
Trẻ biếng ăn thường tìm mọi cách để từ chối đồ ăn
- Bữa ăn kéo dài hơn 30 phút, ăn không hết khẩu phần của mình.
- Khẩu phần ăn ít hơn ½ so với độ tuổi.
- Thường xuyên ngậm thức ăn lâu không chịu nuốt.
- Khóc, từ chối, chạy trốn khi thấy đồ ăn.
- Nhìn thấy đồ ăn là có biểu hiện buồn nôn.
- 3 tháng liên tiếp không hề tăng cân.
1.2. Các kiểu biếng ăn thường thấy ở trẻ
Trước khi tìm hiểu vì sao trẻ biếng ăn cha mẹ cần phải nhận diện đúng được thế nào được xem là biếng ăn và có những kiểu biếng ăn nào. Hầu hết các trẻ biếng ăn đều thuộc một trong các kiểu sau:
- Biếng ăn sinh lý
Kiểu biếng ăn này xảy ra trùng với thời điểm trẻ có sự biến đổi về thể chất như: tập bò, tập đi, mọc răng, tập nói,... Thời gian trẻ biếng ăn sinh lý thường chỉ 1 - 2 tuần và chỉ tạm thời mà thôi.
- Biếng ăn tâm lý
Đây là dạng biếng ăn cho thấy trẻ rất chán ăn nên thường xuyên quấy khóc trong bữa ăn, không hợp tác khi ăn, từ chối đồ ăn. Tình trạng này càng kéo dài thì trẻ càng chậm tăng cân, ăn không ngon miệng, chiều cao kém phát triển.
- Biếng ăn bệnh lý
Ở dạng thức này thì tình trạng biếng ăn đã trở nên nghiêm trọng. Nó thường là hệ quả của các bệnh lý viêm nhiễm như: viêm phổi, viêm amidan,…
2. Lý giải vì sao trẻ biếng ăn
2.1. Nguyên nhân bên trong
Nếu như trẻ thường xuyên chán ăn, ăn ít mà chưa biết vì sao trẻ biếng ăn thì cha mẹ có thể nghĩ đến một số yếu tố như:
- Mẹ bị thiếu chất trong quá trình mang thai
Nếu trong quá trình mang thai cơ thể người mẹ thiếu các chất như: kẽm, sắt, vitamin A, B1, B2, D,… thì thai nhi cũng dễ bị suy dinh dưỡng, thiếu chất. Lúc ấy dù trẻ có sinh đủ tháng và đủ cân vẫn sẽ biếng ăn. Ngoài ra, trẻ còn có thể bỏ bú mẹ, lười bú,...
Trong quá trình mang thai nếu cơ thể mẹ thiếu chất thì trẻ sinh ra sau này cũng dễ bị biếng ăn
- Thay đổi sinh lý
Trẻ trong giai đoạn khám phá khả năng của mình, phát triển kỹ năng mới thường không chú tâm ăn uống. Một số mốc điển hình là: 3 - 4 tháng trẻ tập lẫy; 9 - 10 tháng trẻ tập bò, tập đứng; 16 - 18 tháng trẻ thích chạy nhảy và khám phá những điều xung quanh mình;...
- Di truyền
Nếu người thân trong gia đình trẻ từng mắc chứng rối loạn ăn uống thì có khả năng trẻ bị biếng ăn do di truyền.
- Bệnh lý
Một số bệnh lý gây tổn thương làm cản trở việc nhai nuốt cũng sẽ khiến cho trẻ biếng ăn như: viêm amidan, nhiệt miệng,... Bên cạnh đó, các bệnh lý mãn tính như: bệnh tim, hen suyễn,... khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi cũng được xem là lý do giải thích vì sao trẻ biếng ăn.
Bệnh rối loạn tiêu hóa với biểu hiện: tiêu chảy, đầy bụng, táo bón,... có thể làm cho trẻ cảm thấy ăn không ngon miệng, mệt mỏi nên biếng ăn. Ngoài ra, tắc nghẽn đường tiêu hoá gây tiêu hóa chậm, polyp trực tràng, nhiễm khuẩn đường ruột,... cũng trở thành nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.
2.2. Nguyên nhân bên ngoài
- Thay đổi cách ăn
Trẻ đang từ bú mẹ chuyển sang ăn dặm cũng rất dễ lười ăn. Đây chính là lý do vì sao trẻ biếng ăn ở độ tuổi 6 tháng.
- Thay đổi môi trường sống
Khi phải thay đổi môi trường sống, nhiều trẻ do chưa kịp thích nghi nên căng thẳng, sợ sệt cũng có thể lười ăn.
- Thói quen ăn không tốt
Trong quá trình cho trẻ ăn, nhiều cha mẹ cho trẻ xem tivi, ipad, chơi đồ chơi,... nên trẻ quá chăm chú vào chúng và không chịu ăn. Không những thế, cho trẻ ăn vặt ngoài bữa chính quá nhiều cũng dễ làm trẻ bị khó tiêu, đầy bụng, mất cảm giác ngon miệng nên sinh ra biếng ăn.
Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để biết vì sao trẻ biếng ăn thì mới tìm ra được biện pháp khắc phục hiệu quả
- Tâm lý sợ hãi
Nếu vì quá nôn nóng mà bắt ép trẻ ăn cũng dễ làm trẻ sợ và cứ đến bữa ăn là tìm mọi cách né tránh. Đó cũng là nguyên nhân vì sao trẻ biếng ăn đang rất phổ biến hiện nay.
- Thực đơn nhàm chán
Một thực đơn không đa dạng, không thường xuyên thay đổi cách chế biến có thể gây nhàm chán và khiến cho trẻ không chịu ăn.
3. Biện pháp giúp trẻ thoát khỏi tình trạng biếng ăn
Muốn con mình không còn biếng ăn nữa thì trước tiên cha mẹ cần phải tìm được lý do vì sao trẻ biếng ăn. Muốn vậy, cha mẹ cần kiên trì theo dõi, thấu hiểu con mình, không chiều ý bé mà cũng không gây áp lực ăn uống cho bé. Khi đã biết được trẻ lười ăn do tâm lý, bệnh lý hay sinh lý thì cha mẹ sẽ biết cách điều chỉnh cho phù hợp.
Để biết chính xác lý do con mình biếng ăn, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám tổng quát. Việc làm này sẽ giúp cha mẹ biết được trẻ biếng ăn có phải do bệnh lý hay không. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để biết bé có thiếu chất không, để được tư vấn thực đơn phù hợp với trẻ để vừa kích thích ngon miệng vừa cung cấp đủ dưỡng chất cho sự phát triển của trẻ.
Bổ sung dưỡng chất cần thiết từ thực phẩm chức năng cũng là một cách để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để chọn đúng loại phù hợp, đem lại hiệu quả thực sự cho trẻ.
Nếu không sớm tìm được lý do vì sao trẻ biếng ăn cha mẹ sẽ rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn. Từ những nguyên nhân ban đầu như mất cảm giác thèm ăn, thiếu chất dinh dưỡng và năng lượng thôi nhưng nếu để lâu thì trẻ sẽ ngày càng biếng ăn, rất khó khắc phục. Do đó, chúng tôi hy vọng cha mẹ hãy thấu hiểu nhu cầu của con mình, tìm hiểu thật kỹ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp kích thích ăn uống nào cho trẻ.