Ở nước ta, bệnh tay chân miệng với khả năng lây lan nhanh chóng nên dễ bùng phát thành dịch vào mùa hè, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin cần thiết nhất về bệnh lý này để giúp người bệnh nhận diện sớm và biết cách xử trí khi có dấu hiệu của bệnh.
22/08/2020 | Điểm danh các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng điển hình 22/08/2020 | Bệnh tay chân miệng trẻ em có lây không và các vấn đề liên quan
1. Các thể tay chân miệng phổ biến
Bệnh tay chân miệng do virus thuộc họ Enterovirus gây ra, có khả năng lây lan nhanh và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác như dị ứng, thủy đậu, chốc lở,... Bệnh có các thể lâm sàng phổ biến sau:
- Thể tối cấp: thường diễn tiến nhanh, dễ biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê co giật, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong trong 48 giờ.
Tay chân miệng thể cấp tính
- Thể cấp tính: trải qua 4 giai đoạn với các triệu chứng điển hình như nổi mụn nước ở tay, chân và miệng gây mệt mỏi, sốt, buồn nôn,...
- Thể không điển hình: không có dấu hiệu phát ban rõ ràng, thường chỉ có triệu chứng thần kinh hoặc loét miệng.
2. Triệu chứng nhận diện và phân biệt tay chân miệng với thủy đậu
Bệnh tay chân miệng thông thường (thể cấp tính) trải qua 4 giai đoạn với các triệu chứng như:
- Giai đoạn ủ bệnh
Đây là thời kỳ chưa thể hiện triệu chứng ra bên ngoài, kéo dài khoảng 3 - 6 ngày sau khi nhiễm virus gây bệnh.
- Giai đoạn khởi phát
Người bệnh sốt nhẹ, sổ mũi, mệt mỏi, đau họng, tiêu chảy, có thể nổi hạch ở hàm dưới hoặc cổ. Giai đoạn này thường kéo dài 1 - 2 ngày sau đó nhanh chóng chuyển qua giai đoạn tiếp theo.
- Giai đoạn toàn phát
Thời gian cho giai đoạn này thường 3 - 10 ngày. Người bệnh sẽ bị:
+ Phát ban toàn thân ẩn dưới hoặc trên da, có các bóng nước lớn lồi lên bề mặt da, hình bầu dục, ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, mông, đầu gối.
+ Viêm loét miệng với biểu hiện là sự xuất hiện của các mụn nước nhỏ ở lợi, niêm mạc miệng, mặt bên lưỡi, má. Chúng sẽ nhanh chóng vỡ ra tạo thành vết loét gây đau đớn khi ăn, tăng tiết nước bọt.
Nếu bị biến chứng ở giai đoạn này (trong khoảng ngày thứ 3 - thứ 5) người bệnh thường có cảm giác buồn nôn, sốt, lơ mơ, co giật, rối loạn tri giác,...
- Giai đoạn thoái lui
Nếu không xảy ra biến chứng như đã nói đến ở trên thì trong khoảng 7 - 10 ngày tính từ thời điểm khởi phát, người bệnh sẽ hồi phục. Tuy nhiên, nếu có biến chứng với các biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, nôn nhiều, lịm, hoảng hốt, khó thở, run chân tay,... thì cần đến viện ngay.
2.2. Phân biệt tay chân miệng và bệnh thủy đậu
Có khá nhiều người nhầm lẫn nốt chân tay miệng với nốt do bệnh thủy đậu gây ra. Để tránh rơi vào tình trạng này, cần lưu ý điểm khác nhau giữa 2 bệnh:
Nhiều người nhầm lẫn nốt phỏng của thủy đậu với bệnh tay chân miệng
- Thời điểm bùng phát dịch:
+ Thủy đậu: mùa đông xuân
+ Tay chân miệng: tháng 3 - 5 và tháng 9 - 11.
- Độ tuổi mắc bệnh phổ biến:
+ Thủy đậu: chủ yếu là trẻ 1 - 14 tuổi, nhất là trẻ 2 - 8 tuổi.
+ Tay chân miệng: chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Nhận biết sớm tay chân miệng ở trẻ nhỏ tại đây.
- Cách thức lây lan bệnh:
+ Thủy đậu: qua tiếp xúc trực tiếp, qua không khí từ giọt nhỏ khi người bệnh hắt hơi hoặc ho, qua chất dịch ở nốt phỏng.
+ Tay chân miệng: qua tiếp xúc với dịch tiết từ nốt phỏng, nước bọt, mũi, đường hô hấp của người bệnh; qua tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung vật dụng với người bệnh;
- Hình thức của nốt phát ban:
+ Thủy đậu: Ban mọc qua nhiều giai đoạn, khởi điểm thường ở lưng rồi lan ra đầu, mặt, tay chân và toàn thân; gây ngứa, nhức, đau; ban đỏ, sần, phỏng thành nước trong hoặc đục nếu nhiễm trùng, nốt ban có vảy mọc xen kẽ nhau.
+ Tay chân miệng: ban đầu là ban đỏ nhỏ sau đó chuyển thành mụn nước hình bầu dục chủ yếu ở khuỷu tay, lòng bàn chân bàn tay, mông, đầu gối; nốt phỏng nước không gây đau hoặc ngứa; nếu phỏng nước ở miệng bị loét có thể gây tăng tiết nước bọt, khó ăn.
3. Con đường lây lan bệnh tay chân miệng
Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan từ người bệnh sang người bình thường trong giai đoạn ủ bệnh. Thời gian lây nhiễm có thể kéo dài tới vài tuần vì virus vẫn ở trong phân và nước bọt của người bệnh. Con đường lây lan bệnh này thường là:
- Tiếp xúc trực tiếp với người bị tay chân miệng.
- Dính phải dịch tiết hoặc nước bọt của người bệnh khi họ nói chuyện, ăn uống chung hoặc khi họ ho, hắt hơi.
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch có trong bọng nước hoặc phân của người bệnh.
- Cầm hoặc chạm vào vật dụng mà người bệnh tay chân miệng đang sử dụng.
Do có nhiều con đường lây lan khác nhau, khó kiểm soát nên tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch. Độ tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi - đối tượng chưa tự biết cách phòng ngừa bệnh cho chính mình nên khi đi nhà trẻ, chỉ cần một vài trẻ mắc bệnh thì những trẻ khác rất dễ dàng bị lây bệnh.
4. Một vài điều cần lưu ý
- Nên đến gặp bác sĩ ngay khi có những triệu chứng sau: khó nuốt, sốt cao, đau họng đến mức không thể nuốt nước được.
Khám bác sĩ chuyên khoa giúp chẩn đoán đúng bệnh tay chân miệng
- Việc sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng tại nhà cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuyệt đối không sử dụng thuốc chứa aspirin để tránh suy thận, suy gan hoặc gây hội chứng Reye.
- Nên sát khuẩn miệng bằng nước muối nồng độ 0,9%, tránh pha mặn sẽ khiến trẻ bị đau
- Đây là bệnh lý gây ra bởi virus nên không được dùng thuốc kháng sinh. Chỉ khi bị bội nhiễm thì kháng sinh mới được sử dụng nhưng cần có sự chỉ định từ bác sĩ.
- Nếu dùng thuốc bôi tổn thương trên da cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh việc tự ý dùng sai thuốc gây nhiễm khuẩn hoặc kích ứng da.
- Không tự ý truyền dịch khi chưa bị thất thoát huyết tương vì việc làm này có thể dẫn tới suy hô hấp, phù nề nguy hiểm cho tính mạng. Chỉ nên truyền dịch khi được bác sĩ cho phép và có sự theo dõi của bác sĩ trong suốt quá trình truyền dịch.
Hiện nay việc chẩn đoán chân tay miệng chủ yếu dựa trên các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, đa phần mọi người dễ nhầm lẫn nên không nhận diện đúng bệnh lý này. Vì thế tốt nhất khi nghi ngờ sự xuất hiện của bệnh, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và được chẩn đoán chính xác.
Hoặc một cách khác, cha mẹ có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hướng dẫn cách nhận biết và xử trí với bệnh tay chân miệng.