Kiểm soát đường huyết trong suốt thời gian mang thai là việc làm rất cần thiết bởi nó giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ. Vậy cách hạ đường huyết cho bà bầu như thế nào hiệu quả mà an toàn, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được những thông tin hữu ích.
04/11/2022 | Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối mẹ bầu chớ nên bỏ qua 27/10/2022 | Lên danh sách các loại trái cây dành cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ 21/09/2022 | Mẹ bầu xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có cần nhịn ăn hay không?
1. Tổng quan về bệnh tiểu đường thai kỳ
1.1. Những triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu của một số thai phụ tăng cao, thường xuất hiện ở tuần thứ 24 - 28 của thai kỳ. Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ ít khi có triệu chứng rõ rệt nên chủ yếu chỉ phát hiện qua xét nghiệm máu, trường hợp có xuất hiện triệu chứng thì thường là các hiện tượng:
Những biến chứng nguy hiểm khi không kiểm soát tốt tiểu đường thai kỳ
- Bị mệt mỏi và mờ mắt.
- Đi tiểu nhiều.
- Thường xuyên cảm thấy khát nước.
- Cân nặng tăng nhanh bất thường.
- Ngủ ngáy.
1.2. Biến chứng có thể xảy ra khi bị tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ chỉ xuất hiện trong giai đoạn mang thai xuất phát từ sự rối loạn chuyển hóa Insulin trong cơ thể. Tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm tiểu đường sẽ khiến cả mẹ và bé phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm:
- Đối với thai phụ
+ Tiền sản giật.
+ Đường sinh dục có thể bị chấn thương trong khi sinh do thai quá to tăng tỷ lệ phải đẻ mổ.
+ Bị băng huyết sau khi sinh.
+ Thai lưu, sinh non.
+ Sau sinh có nguy cơ cao với tiểu đường tuýp 2.
- Đối với thai nhi
+ Trẻ bị suy hô hấp và hạ đường huyết sau khi chào đời.
+ Mắc chứng vàng da sơ sinh.
+ Tử vong chu sinh.
2. Cách hạ đường huyết cho bà bầu nhanh chóng và hiệu quả
2.1. Vì sao cần tìm cách hạ đường huyết cho bà bầu
Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên lượng đường glucose trong máu tăng cao hơn bình thường. Nếu không kiểm soát được tình trạng này sẽ gây ra một số biến chứng như đã nói đến ở trên cho cả thai nhi và mẹ bầu. Đây chính là lý do cần phải tìm cách hạ đường huyết cho bà bầu.
2.2. Các cách giúp bà bầu hạ đường huyết an toàn
- Thông qua chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường huyết của thai phụ. Vì thế, để hạ đường huyết, mẹ bầu nên chia thành nhiều bữa ăn trong ngày và không ăn qua no trong một bữa. Khoảng cách giữa các bữa ăn cũng không nên cách xa nhau quá để tránh gây ra tình trạng đường huyết bị hạ quá thấp khi xa bữa ăn và tăng quá mức sau bữa ăn.
Lựa chọn thực phẩm ít đường là cách hạ đường huyết cho bà bầu hiệu quả
Thực phẩm mà bà bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ưu tiên lựa chọn là: sữa chua không đường, đậu phụ, cá, thịt nạc, sữa không béo, củ quả, rau xanh, gạo lứt,... Bên cạnh đó, uống tối thiểu 2 lít nước/ngày cũng sẽ giúp lượng đường trong máu thai phụ được cân bằng.
Ngoài ra, bà bầu cũng nên cố gắng tránh ăn những thực phẩm dễ làm tăng đường huyết như bánh kẹo, đồ ăn chiên xào, trái cây ngọt, kem, chè, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật,... Giảm ăn đồ ăn chế biến sẵn và giảm muối cũng là cách để phòng tránh nguy cơ bị tăng huyết áp do tiểu đường thai kỳ.
- Vận động
Tập các bài tập vận động nhẹ nhàng không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn kiểm soát đường huyết cho thai phụ. Không những thế, những bài tập này còn giúp cho mẹ bầu kiểm soát được cân nặng, cải thiện khả năng chịu đựng, khiến cho việc sinh nở diễn ra nhẹ nhàng hơn.
Các hình thức vận động phù hợp với mẹ bầu gồm:
+ Đi bộ: vừa là cách hạ đường huyết cho bà bầu vừa hỗ trợ săn chắc cơ, bảo vệ tim mạch, giúp tử cung co bóp dễ dàng hơn, vừa giảm tình trạng táo bón và giúp mẹ bầu kiểm soát được cân nặng. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên đi bộ khi cảm thấy mệt mỏi và chỉ nên duy trì luyện tập trong giới hạn sức khỏe chịu đựng được.
+ Bơi lội: khả năng tiêu hao năng lượng dư thừa khi bơi sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát được lượng đường huyết. Đây không chỉ là cách hạ đường huyết cho bà bầu an toàn mà còn giúp cải thiện lưu thông máu, khỏe phổi, ngừa táo bón, giảm đau lưng, ngừa phù chân,...
+ Chạy bộ: bài tập này vừa kiểm soát đường huyết vừa giảm nguy cơ đối với các bệnh cao huyết áp, viêm tĩnh mạch chân, bệnh trĩ,... cho mẹ bầu. Không những thế, chạy bộ còn giúp duy trì tư thế cần thiết cho cột sống trong suốt thời kỳ mang thai. Không giống như người bình thường, mẹ bầu khi chạy bộ chỉ nên tập vừa sức, nhẹ nhàng ở đoạn đường bằng phẳng và cần tránh thở dốc.
+ Yoga: các bài tập yoga rất tốt cho hệ hô hấp của bà bầu vì nó không chỉ cung cấp lượng oxy dồi dào mà còn đào thải cacbonic, kiểm soát trọng lượng, hạ đường huyết, giải tỏa căng thẳng, tăng cường sự dẻo dai cho hệ xương,...
Bà bầu bị tiểu đường nên khám định kỳ để được bác sĩ hướng dẫn kiểm soát đường huyết
- Thường xuyên theo dõi đường huyết
Mẹ bầu có thể tự theo dõi đường huyết tại nhà bằng máy đo đường huyết.
- Dùng thuốc
Nếu đã áp dụng các biện pháp không dùng thuốc không thể kiểm soát được lượng đường huyết cho thai phụ thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc Insulin. Thuốc được sử dụng đường tiêm, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chọn loại insulin cùng phác đồ điều trị phù hợp. Để tránh bị hạ đường huyết và những biến chứng khác, thai phụ cần được theo dõi cẩn thận trong suốt quá trình dùng insulin.
Tuy bệnh tiểu đường thai kỳ chỉ xuất hiện trong giai đoạn mang thai và đa phần sẽ tự khỏi sau khi sinh xong nhưng một số trường hợp sẽ chuyển thành tiểu đường type 2 sau sinh. Vì thế, trong thai kỳ mẹ bầu cần kiểm soát đường huyết của mình một cách chặt chẽ. Hàng năm, phụ nữ vẫn cần tầm soát để kịp thời phát hiện và điều trị tiểu đường sớm. Trường hợp trẻ sinh ra bởi mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì ngay sau sinh trẻ cần được thử đường huyết ngay để điều trị ngăn chặn bất thường.
Những cách hạ đường huyết cho bà bầu trên đây chỉ có ý nghĩa tham khảo, nếu mắc phải bệnh tiểu đường, tốt nhất bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác tình trạng của mình. Ngoài ra bạn cũng có thể liên hệ hotline tư vấn sức khỏe 24/7: 1900 56 56 56 để có được những chia sẻ hữu ích từ Tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.