Ung thư bàng quang tuy là bệnh ác tính rất dễ gặp, gây nên các triệu chứng như: tiểu ra máu, tiểu đau buốt, tiểu rắt,... nhưng nếu phát hiện và trị liệu sớm lại có thể chữa khỏi. Tùy thuộc vào thể trạng người bệnh và giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị ung thư bàng quang phù hợp với từng bệnh nhân sao cho đạt hiệu quả tối ưu nhất.
06/07/2021 | Triệu chứng của ung thư bàng quang - nhận biết sớm để chữa khỏi bệnh 19/03/2021 | Ung thư bàng quang có mấy loại và điều trị hiệu quả như thế nào?
1. Kiến thức chung về bệnh ung thư bàng quang
1.1. Nguyên nhân gây bệnh
Ung thư bàng quang bắt đầu từ trong bàng quang, chủ yếu là loại ung thư biểu mô đường niệu, một số ít hơn thuộc dạng ung thư của tổ chức liên kết. Đến nay giới chuyên môn vẫn chưa tìm ra được lý do chính xác gây nên bệnh lý này mà cho rằng các yếu tố sau chính là điều kiện thuận lợi để ung thư bàng quang xuất hiện:
- Thuốc lá
Thuốc lá được xem là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh ung thư trong đó có ung thư bàng quang. So với những người bình thường thì nhóm người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh lý này cao gấp 3 lần.
Thuốc lá là một trong các tác nhân gây ung thư bàng quang
- Hóa chất độc hại
Các loại hóa chất độc hại hay được dùng trong công nghiệp in ấn, dệt may, sơn,... được cho là có liên quan đến ung thư bàng quang. Càng làm việc ở môi trường ấy trong thời gian dài thì càng dễ có nguy cơ với bệnh lý này.
- Thuốc trị bệnh liều cao
Sử dụng các loại thuốc điều trị một số bệnh như bệnh tiểu đường, thuốc chứa axit Aristolochic,... với liều lượng cao có thể làm tăng khả năng bị ung thư bàng quang.
- Uống ít nước
Bản thân nước sẽ giúp đào thải bớt chất độc hại có trong cơ thể ra bên ngoài qua đường tiểu tiện nên nếu uống nước quá ít thì cũng dễ phải đối diện với ung thư bàng quang.
- Nước uống có hóa chất
Nguồn nước uống chứa Asen cũng được xem là có liên quan đến ung thư bàng quang. Vì thế, sử dụng nguồn nước chưa đáp ứng tiêu chuẩn về hàm lượng Asen sẽ rất dễ mắc bệnh lý này.
Ngoài các yếu tố trên đây thì chủng tộc, giới tính, tuổi tác, khu vực sinh sống, dị tật bẩm sinh,... cũng góp phần hình thành ung thư bàng quang.
1.2. Triệu chứng nhận diện bệnh
Ung thư bàng quang có khá nhiều triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên khi có các biểu hiện dưới đây tốt nhất nên gặp bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp chẩn đoán đúng:
- Nước tiểu có màu sẫm.
- Tiểu ra máu thành từng đợt hoặc ra máu đại thể suốt bãi.
- Tiểu đau buốt, tiểu khó, tiểu rắt, tiểu không tự chủ.
- Sút cân nhanh chóng kèm theo thường xuyên chán ăn và mệt mỏi.
- Nếu bệnh ung thư bàng quang bước sang giai đoạn di căn thì người bệnh sẽ có triệu chứng đau ở: bên hông lưng, hạ vị, xương mu,...
2. Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang đang được áp dụng hiện nay
2.1. Căn cứ để đưa ra phương pháp điều trị ung thư bàng quang
Trước khi quyết định nên chỉ định phương pháp điều trị ung thư bàng quang cho người bệnh bác sĩ cần biết chính xác khối u còn khu trú hay đã di căn. Vì thế, bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm những kiểm tra cần thiết như: xét nghiệm máu, chụp CT Scan, siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI,...
Chụp MRI giúp chẩn đoán ung thư bàng quang
Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang hiện nay có rất nhiều, sau khi đã có chẩn đoán chính xác dựa trên các kết quả kiểm tra, tùy vào giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.
2.2. Các phương pháp điều trị bệnh ung thư bàng quang
Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang đang được sử dụng phổ biến hiện nay gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang qua đường niệu đạo
Bác sĩ sẽ chèn một ống thông qua niệu đạo để đi vào bàng quang sau đó loại bỏ khối ung bằng một dụng cụ có vòng dây nhỏ kết hợp đốt bằng tia điện hoặc chiếu tia laser. Trước khi thực hiện thủ thuật này bệnh nhân sẽ được gây mê để không cảm thấy đau đớn khi phẫu thuật.
Nếu khối u chưa xâm lấn đến cơ bàng quang thì thủ thuật này có thể giúp loại bỏ ung thư nhưng để giảm nguy cơ tái phát và nếu thấy cần thiết bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân áp dụng thêm phương pháp điều trị bổ sung. Nếu khối u đã xâm lấn đến lớp cơ của bàng quang thì thường sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ bàng quang hoặc xạ trị.
- Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn bàng quang
Thủ thuật này diễn ra khi ung thư đã xâm lấn đến các lớp sâu hơn của thành bàng quang. Trong các phương pháp điều trị ung thư bàng quang thì đây thủ thuật duy nhất bắt buộc phải cắt bỏ hoàn toàn bàng quang, thậm chí trong trường hợp cần thiết, bác sĩ còn cắt thêm các cơ quan và mô lân cận: các hạch bạch huyết xung quanh.
Đối với nam giới: cắt bỏ luôn tuyến tiền liệt và túi tinh. Đối với nữ giới: cắt bỏ tử cung, buồng trứng và một phần âm đạo. Do tính chất phức tạp của thủ thuật nên đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có trình độ chuyên môn về phẫu thuật xâm lấn tối thiểu thật cao.
Phẫu thuật cắt bỏ bàng quang - một trong các phương pháp điều trị ung thư bàng quang đang được áp dụng hiện nay
Với những ca phẫu thuật đã cắt bỏ bàng quang, bác sĩ sẽ tạo ra 1 đường dẫn nước tiểu mới ở ngoài cơ thể. Theo đó, lỗ tiểu nhân tạo bên ngoài cơ thể sẽ được tạo ra từ một phần của ruột. Hoặc cách khác, bác sĩ có thể sẽ sử dụng một phần của ruột để tạo thành túi chứa nước tiểu bên trong cơ thể để người bệnh nhân không cần phải đeo túi nước tiểu bên ngoài cơ thể. Khi đã được tạo bàng quang mới, người bệnh bắt buộc phải học cách đi tiểu đúng giờ.
- Hóa trị
Phương pháp này dùng thuốc để phá hủy tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn không cho nó có khả năng phát triển và phân chia nữa. Người bệnh có thể sẽ điều trị bằng một loại thuốc hoặc kết hợp cùng lúc nhiều loại thuốc. Tùy từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra loại hình hóa trị phù hợp: tại chỗ hoặc toàn thân.
- Liệu pháp miễn dịch
Phương pháp điều trị ung thư bàng quang này còn có tên gọi khác là liệu pháp sinh học. Theo đó, người bệnh sẽ được dùng một loại thuốc miễn dịch dùng để thúc đẩy cơ chế tự vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại bệnh lý này.
- Xạ trị
Điều trị ung thư bàng quang bằng xạ trị tức tiêu diệt tế bào ung thư bằng năng lượng cao của tia X hoặc hạt phóng xạ. Phương pháp này bắt buộc phải dùng máy móc bên ngoài cơ thể, số lần điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân do bác sĩ chỉ định.
Những chia sẻ về các phương pháp điều trị ung thư bàng quang trên đây hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về cách thức loại bỏ bệnh lý này. Nếu cần tìm hiểu kỹ hơn, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp chính xác.