Ung thư là một bệnh nguy hiểm. Hiện nay, những phương pháp điều trị ung thư đang được áp dụng là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích hay điều trị miễn dịch. Tùy vào tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, tác dụng phụ của điều trị ung thư cũng khiến nhiều bệnh nhân lo lắng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết hơn về vấn đề này.
21/08/2021 | Điểm tên các phương pháp điều trị ung thư phổi được áp dụng nhiều 16/08/2021 | Xét nghiệm sàng lọc ung thư di truyền trong chẩn đoán và điều trị ung thư 29/07/2021 | Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang hiện nay 21/07/2021 | Các phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả và phổ biến nhất
1. Tác dụng phụ của điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng một số chất gây độc để tiêu diệt những tế bào ung thư. Những loại thuốc thường được truyền vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch hoặc đi vào cơ thể qua đường uống.
Thực chất tác dụng phụ rất khó đoán, không phải ai cũng giống ai và ở cùng một bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng khác nhau trong các đợt điều trị. Thông thường, tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh, loại thuốc và liều thuốc ở mỗi bệnh nhân. Cụ thể, một số tác dụng phụ thường gặp của bệnh nhân khi áp dụng phương pháp hóa trị như sau:
Mệt mỏi là tác dụng phụ thường gặp nhất
- Mệt mỏi: Đây được cho là tác dụng phụ thường gặp nhất. Tuy nhiên, chứng mệt mỏi sẽ dần được cải thiện. Bạn cũng có thể khắc phục bằng cách nghỉ ngơi nhiều hơn, đi dạo bộ, tập yoga hoặc tắm nước nóng để thư giãn,…
- Chán ăn, buồn nôn và nôn: Sau hóa trị, người bệnh thường chán ăn, hay buồn nôn và nôn. Điều này là do những tác động một số loại hóa chất đối với niêm mạc đường tiêu hóa. Bác sĩ có thể giúp bạn khắc phục bằng một số loại thuốc chống nôn. Bên cạnh đó, người chăm sóc cũng có thể giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng này bằng cách chia nhỏ bữa ăn, đồng thời tránh xa các loại đồ chiên rán và thức ăn cay nóng.
Bệnh nhân chán ăn, buồn nôn và nôn
- Viêm loét miệng và thay đổi vị giác: Hóa chất khi điều trị có thể tác động đến tế bào niêm mạc miệng, họng và gây viêm loét. Lúc này, bạn không nên ăn những thực phẩm chua cay, quá nóng, đồng thời để tránh tình trạng nhiễm trùng do viêm loét, người bệnh cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
- Tiêu chảy hoặc táo bón: Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng đau bụng hoặc tiêu chảy. Bệnh nhân có thể khắc phục bằng cách sử dụng men tiêu hóa và có chế độ ăn hợp lý, tránh đồ ăn nhiều gia vị, ngũ cốc nguyên hạt, thức ăn cay nóng,…
Người bệnh bị đau bụng hoặc tiêu chảy
- Các rối loạn về máu:
Thiếu máu khiến người bệnh đau đầu, chóng mặt,…
Thiếu bạch cầu gây suy giảm hệ miễn dịch, khiến người bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân kèm theo tình trạng sốt thì cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.
Thiếu tiểu cầu: Khiến bệnh nhân dễ bị bầm tím da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn máu hoặc trong phân có lẫn máu, nguy hiểm hơn là tình trạng xuất huyết não.
- Tác dụng lên hệ thần kinh khiến bệnh nhân bị tê bì chân tay, dễ bị mất thăng bằng,…
Người bệnh bị rụng tóc khi điều trị ung thư
- Rụng tóc: Đây cũng là một trong những tác dụng phụ phổ biến khi điều trị ung thư bằng hóa chất. Tuy nhiên, sau khi ngừng điều trị, tóc sẽ mọc trở lại.
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Khi điều trị ung thư, người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Nếu bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai, hóa trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu.
- Tim mạch: Một trong những tác dụng phụ khi áp dụng phương pháp hóa trị là gây đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim, suy tim.
2. Tác dụng phụ của điều trị ung thư bằng phương pháp nhắm trúng đích
Phương pháp này là cách ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, khối u ung thư bằng cách sử dụng những loại thuốc tấn công và ngăn chặn các gen hay protein chuyên biệt trong tế bào ung thư. Một số tác dụng phụ thường gặp khi áp dụng phương pháp nhắm trúng đích là:
- Phát ban: Người bệnh sẽ có thể phát ban ở vùng da đầu, mặt, ngực, lưng, nhiều trường hợp có thể phát ban toàn thân. Mức độ tùy thuộc vào từng người bệnh.
Tình trạng phát ban trên da khi điều trị ung thư
- Viêm quanh móng: Tình trạng này xảy ra muộn hơn so với biểu hiện phát ban. Bạn cần ngâm chân tay với dung dịch sát khuẩn nhẹ để tránh bị bội nhiễm.
- Tiêu chảy: Cũng là một tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc điều trị nhắm đích.
- Tăng men gan, tăng bilirubin máu với những biểu hiện mệt mỏi, ăn không ngon, ngứa da, vàng da.
3. Tác dụng phụ của điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch
Phương pháp điều trị miễn dịch là dùng một số thuốc kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động từ đó tiêu diệt những tế bào và khối u ung thư. Khi sử dụng những loại thuốc này, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như sau:
- Các tác dụng phụ trên da và niêm mạc như ngứa, phát ban, viêm niêm mạc miệng hay viêm kẽ móng tay, chân.
- Ho khan, khó thở và đau tức ngực.
- Ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp như một số triệu chứng rối loạn nhịp tim, tăng cân bất thường, chóng mắt, táo bón, ra mồ hôi trộm, hay khát, đau mỏi cơ,…
- Bệnh nhân bị đau quặn bụng, tiêu chảy, lẫn máu trong phân,…
- Viêm gan với những biểu hiện vàng da, mệt mỏi, đau vùng mạn sườn phải,…
- Viêm thận: Biểu hiện thường gặp chính là lượng tiểu ít, màu vàng sậm, đục màu,…
Trên đây là những tác dụng phụ của điều trị ung thư. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu có biểu hiện nghiêm trọng thì cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một đơn vị y tế uy tín trong việc thăm khám và điều trị các loại bệnh lý, từ cơ bản đến phức tạp, trong đó có bệnh ung thư. Bạn có thể đến trực tiếp tại bệnh viện hoặc gọi đến số 1900 56 56 56 để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn chi tiết và đặt lịch khám sớm để tiết kiệm thời gian.