Đau mắt là vấn đề sức khỏe có thể xảy ra ở bất cứ ai. Tùy theo từng nguyên nhân mà mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau mắt và cách điều trị bệnh kịp thời để phòng ngừa biến chứng.
12/05/2023 | Thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ có những loại nào? 26/09/2022 | Các giai đoạn của bệnh đau mắt hột và cách xử lý khi mắc bệnh 22/09/2022 | Tác nhân gây đau mắt đỏ và diễn biến của bệnh 27/10/2021 | Bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi, cách phòng tránh thế nào?
1. Đau mắt là gì?
Đau mắt là đau nhức hay khó chịu ở vùng gần mắt, trong mắt hoặc sau mắt. Một số bộ phận của mắt dễ bị đau là:
- Mí mắt: Tác dụng của bộ phận này là che kín mắt, bảo vệ mặt trước của mắt, đồng thời tại đây cũng có tuyến tiết dầu giúp bôi trơn và duy trì độ ẩm cho mắt. Cấu tạo của mí mắt gồm có da, mô ở dưới da, sụn mi, cơ vòng mi,…
Đau mắt có thể xảy ra cả ở trẻ em và người lớn
- Kết mạc: Là phần màng nhầy, bao phủ mắt có tác dụng bảo vệ mắt, giúp mi mắt di động dễ dàng.
- Củng mạc: Là phần bao quanh nhãn cầu.
- Giác mạc: Là phần màng trong suốt có chức năng bảo vệ nhãn cầu, đồng thời kiểm soát hội tụ ánh sáng đi vào mắt.
- Hốc mắt: Chính là bộ phận được cấu tạo từ xương sọ và xương mặt.
2. Những nguyên nhân gây đau mắt thường gặp
Rất nhiều nguyên nhân gây đau mắt. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng tại mắt có thể do một số loại vi khuẩn, virus gây ra.
- Kính áp tròng: Nếu dùng kính áp tròng quá lâu hoặc dùng kính có dính bụi bẩn hay dùng loại kính có kích thước không phù hợp,… đôi mắt của bạn có thể khó chịu và đau nhức.
- Dị ứng: Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra hiện tượng đau mắt. Một số yếu tố có thể gây dị ứng như phấn hoa, bụi mịn, lông động vật,…
- Chất độc: Nếu bạn sinh sống hoặc thường xuyên làm việc ở những môi trường ô nhiễm, môi trường có nhiều khói thuốc lá hoặc thường xuyên đi bơi và tiếp xúc với clo trong bể bơi,… mắt của bạn cũng sẽ dễ bị tổn thương và bị đau.
- Viêm: Đây là phản ứng của hệ thống miễn dịch khiến cho mắt bị đau, sưng, đỏ và nhạy cảm với ánh sáng.
- Tăng nhãn áp: Căn bệnh này khiến áp lực của thủy dịch trong nhãn cao bất thường và khi đó, mắt phải chịu một áp lực lớn khiến người bệnh cảm thấy đau nhức mắt.
- Viêm kết mạc (hay có thể gọi là đau mắt đỏ) do virus gây ra.
- Tổn thương giác mạc chẳng hạn như tình trạng trầy xước, rách hay viêm giác mạc,…
Đau mắt, nhức mắt do làm việc liên tục với máy tính
- Khô mắt: Có thể xảy ra trong điều kiện thời tiết hanh khô hoặc thường gặp ở những người thường xuyên phải làm việc với máy tính.
- Viêm dây thần kinh thị giác: Bệnh thường xảy ra ở một mắt. Khi dây thần kinh thị giác bị viêm hoặc kích ứng, mắt của người bệnh thường bị đau nhức. Đặc biệt vào ban đêm hay khi cử động mắt thì cơn đau sẽ càng tăng lên.
- Viêm màng bồ đào: Bệnh có thể ảnh hưởng đến phần màng bồ đào, lớp giữa mắt hay một số cơ quan khác. Cần được điều trị sớm để tránh suy giảm thị lực nghiêm trọng.
3. Triệu chứng đau mắt
Một số trường hợp chỉ có triệu chứng đau mắt nhưng cũng có nhiều bệnh nhân bị đau mắt kèm theo nhiều triệu chứng khác và cũng chính là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh về mắt. Các chuyên gia khuyên bạn không nên thờ ơ với những triệu chứng dưới đây:
- Mắt bị đau liên tục và luôn có cảm giác khô mắt, cộm mắt và thường xuyên chảy nước mắt.
- Mắt thường xuyên bị ngứa và rất khó chịu. Vì thế, bệnh nhân hay có phản ứng dụi mắt và từ đó khiến mắt đỏ và đau nhức nhiều hơn.
Đau mắt có thể kèm theo ngứa mắt
- Đau mắt dữ dội: Triệu chứng này thường gặp ở những đối tượng bị chấn thương mắt hay đau nửa đầu hoặc nguy hiểm hơn là do chứng phình động mạch hay trong não có xuất hiện khối u,… Nếu đau mắt kèm theo một số triệu chứng như nhìn mờ, buồn nôn, mắt nhạy cảm với ánh sáng thì rất có thể người bệnh bị tăng nhãn áp góc đóng cấp tính và cần được cấp cứu sớm.
- Đau mắt âm ỉ kèm theo nhức mắt có thể đơn giản là do mỏi mắt nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm.
- Đau mắt, cộm mắt, có cảm giác đang có dị vật mắc trong mắt: Người bệnh cần rửa mắt, chớp mắt nhanh để loại bỏ dị vật. Tuyệt đối không dụi mắt để tránh gây tổn thương đến giác mạc.
4. Chẩn đoán đau mắt bằng phương pháp nào?
Những trường hợp bị đau mắt sẽ được thăm khám tại Chuyên khoa Mắt. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp chẩn đoán như sau:
- Thăm khám triệu chứng để có thể đánh giá sơ bộ được tình trạng sức khỏe mắt của người bệnh và tìm nguyên nhân dẫn đến đau mắt.
- Khai thác thông tin tiền sử bệnh nhân để kiểm tra người bệnh có những yếu tố nào gây ra đau mắt không, chẳng hạn như vừa gặp chấn thương, bị đau nửa đầu, mắc bệnh viêm xoang,...
- Khám mắt bằng các phương pháp như đo thị lực, kiểm tra quanh ổ mắt, kiểm tra kích thước đồng tử, đo nhãn áp, kiểm tra phản xạ mắt, soi đáy mắt,...
5. Điều trị đau mắt
Sau khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể tìm được nguyên nhân gây đau mắt và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho từng người bệnh cụ thể.
Dùng thuốc điều trị đau mắt theo hướng dẫn của bác sĩ
- Nếu do nhiễm trùng: Bệnh nhân có thể được chỉ định nhỏ thuốc kháng sinh, kháng virus hay kháng nấm. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê thêm thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng, nước mắt nhân tạo.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cũng cần lưu ý dùng khăn giấy sạch để vệ sinh mắt thường xuyên, không dụi mắt, không trang điểm vùng mắt khi đang bị bệnh,…
- Do chấn thương mắt: Người bệnh cần được đưa đến các cơ quan y tế để được xử trí kịp thời và an toàn.
Như vậy, đau mắt là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi có biểu hiện bất thường, bạn nên đi khám sớm để tránh những hậu quả nghiêm trọng. Nếu có nhu cầu kiểm tra sức khỏe mắt, mời bạn liên hệ đến Chuyên khoa Mắt của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56.