Biến thể Omicron tuy gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn nhưng sự nguy hiểm của nó vẫn có thể tương đương hoặc thậm chí lớn hơn so với những biến thể trước đây. Trong khi chờ đợi thêm những nghiên cứu mới về biến thể này, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang tiến hành những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của Omicron. Vậy biến thể Omicron thực sự nguy hiểm hay không? Cần chủ động phòng tránh ra sao?
05/01/2022 | Cùng tìm hiểu một số triệu chứng Covid chủng mới Omicron 21/12/2021 | Biến thể Omicron là gì? Mức độ lây lan như thế nào?
1. Biến thể Omicron thực sự nguy hiểm hay không?
Omicron là biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2021 tại Nam Phi. Sau đó, biến thể này đã nhanh chóng lây lan sang hàng chục quốc gia trên thế giới.
Biến thể Omicron khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng
Tuy gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng nhưng với tốc độ lây lan rất nhanh chóng, ngay khi mới phát hiện, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã xếp Omicron vào nhóm biến thể nguy hiểm và đáng lo ngại.
Chỉ sau 17 ngày từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, số ca tại Nam Phi đã tăng lên tới 2038 ca. Thậm chí tính từ 29/11 đến 3/12/2021, số bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại quốc gia này đã tăng gấp 7 lần, thậm chí có ngày ghi nhận 16.000 ca.
Có thể nói rằng, biến thể Omicron thực sự nguy hiểm vì tốc độ lây lan nhanh chóng của nó. Tốc độ lây lan của Omicron vượt xa so với suy nghĩ ban đầu của chúng ta. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đang phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự xuất hiện của biến thể này.
Do có khả năng lây lan cao nên số ca mắc Covid-19 sẽ tăng lên nhanh chóng. Điều này dẫn đến nhiều người không thể đi làm, nhất là những nhân viên tuyến đầu, chính là những người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh chẳng hạn như nhân viên vận chuyển, cảnh sát, lính cứu hỏa, đặc biệt là nhân viên y tế.
Những ca nhiễm bệnh tăng lên nhanh chóng khiến cho hệ thống y tế tại các quốc gia bị quá tải, thiếu nhân lực và thiết bị máy móc phục vụ cho công tác khám chữa bệnh sẽ khiến nhiều trường hợp phải trì hoãn điều trị,… dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Số ca nhiễm bệnh tăng lên nhanh chóng khiến cho hệ thống y tế tại các quốc gia bị quá tải
Bên cạnh đó, trên thực tế, những ca nhiễm Omicron thường có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đây nên nhiều người có tâm lý chủ quan trong việc phòng ngừa dịch bệnh, chẳng hạn như việc kiểm tra, xét nghiệm hay đeo khẩu trang. Chính tâm lý chủ quan sẽ khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Đáng lo ngại hơn khi một số nghiên cứu cho thấy, Omicron còn có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với những biến thể trước đây. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu, các nhà nghiên cứu vẫn cần thêm thời gian để đánh giá, phân tích loại biến thể mới này để đưa ra những kết luận chính xác nhất.
2. Nên chủ động phòng ngừa biến thể Omicron như thế nào?
2.1. Vắc xin Covid-19 có hiệu quả như thế nào với biến thể Omicron?
Khi mới xuất hiện, biến thể Omicron không chỉ khiến toàn cầu lo ngại vì khả năng tái nhiễm của nó cao hơn những biến thể khác mà vắc xin cũng đạt hiệu quả kém hơn trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Tiêm vắc xin tăng cường để phòng chống dịch bệnh hiệu quả
Tuy nhiên, mũi tiêm tăng cường có thể mang lại những tín hiệu tích cực trong việc phòng ngừa tình trạng lây lan dịch bệnh và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nghiêm trọng.
2.2. Nên chủ động bảo vệ sức khỏe trước biến thể Omicron như thế nào?
Tốc độ lây lan nhanh chóng và nguy cơ tái nhiễm cao chính là những yếu tố gây nguy hiểm của biến thể Omicron. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần chủ động bảo vệ sức khỏe của mình trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Tiêm vaccine đầy đủ:
Ngoài tiêm 2 mũi cơ bản, mỗi người cần thực hiện tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại để có thể tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể, góp phần kiểm soát tốt và đẩy lùi dịch bệnh. Mũi tiêm thứ 3 sẽ được tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Về liều lượng cho mũi bổ sung và nhắc lại sẽ được thực hiện theo đúng quy định của nhà sản xuất.
- Làm test nhanh kháng nguyên tại nhà để giúp bạn chủ động phát hiện sớm nếu không may bị nhiễm bệnh, từ đó kịp thời báo với trung tâm y tế tại địa phương và thực hiện cách ly theo đúng quy định.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Khẩu trang là một vật dụng không thể thiếu khi ra ngoài để bảo vệ chúng ta, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nếu không may tiếp xúc với F0. Tuy nhiên, cần sử dụng loại khẩu trang chất lượng, đeo khẩu trang đúng cách, vừa vặn với khuôn mặt vì nếu khẩu trang quá rộng sẽ không mang lại tác dụng phòng ngừa lây nhiễm. Bên cạnh đó, không nên tái sử dụng khẩu trang nhiều lần. Lưu ý khi loại bỏ khẩu trang, chỉ nên cầm vào dây đeo qua tai và nên vứt vào thùng rác có nắp đậy.
Rửa tay sát khuẩn để ngăn ngừa nhiễm bệnh
- Vệ sinh nhà cửa và không gian sống sạch sẽ, thường xuyên khử khuẩn những vị trí bề mặt bàn, tay nắm cửa,…
- Thường xuyên rửa tay sát khuẩn: Rửa tay sát khuẩn thường xuyên cùng với thói quen súc họng 2 đến 3 lần mỗi ngày chính là cách rất hiệu quả để bảo vệ sức khỏe, cản trở sự lây lan, tấn công của virus.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách bổ sung một chế độ ăn giàu dinh dưỡng và chế độ tập luyện khoa học. Khi hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt thì cơ thể sẽ được bảo vệ một cách tốt nhất và tránh xa sự tấn công của virus gây bệnh.
Trên đây là những thông tin cho thấy biến thể Omicron thực sự nguy hiểm như thế nào, đồng thời là những gợi ý giúp bạn có thể chủ động phòng ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin, hãy gọi đến Tổng đài 1900 56 56 56 để được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn.