Trichomonas Vaginalis là một loại ký sinh trùng đơn bào thường xâm nhập vào cơ quan sinh dục qua quan hệ tình dục không an toàn và gây nhiễm trùng. Dù khá thường gặp nhưng rất nhiều người nhiễm Trichomonas Vaginalis nhưng không biết do triệu chứng bệnh rất mờ nhạt hoặc hoàn toàn không có. Vậy làm sao để nhận biết và chẩn đoán bệnh Trichomonas Vaginalis?
30/07/2022 | Những thông tin cơ bản về bệnh giang mai 22/06/2022 | Lấy mẫu xét nghiệm lậu tại nhà - liên hệ ngay với MEDLATEC! 05/05/2020 | Trichomonas vaginalis - Tác nhân gây bệnh qua đường tình dục
1. Tìm hiểu về bệnh Trichomonas Vaginalis
Bệnh Trichomonas Vaginalis được đặt tên dựa trên tác nhân gây bệnh là một loại trùng đơn bào có thể lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp bộ phận sinh dục khi quan hệ tình dục. Khác với virus hay vi khuẩn khác, Trichomonas Vaginalis không lây lan qua tiếp xúc vật lý thông thường như ôm hôn, ngồi chung bệ xí hay dùng chung bát đĩa, đồ ăn,...
Trichomonas Vaginalis là một loại ký sinh trùng ở cơ quan sinh dục
Bệnh Trichomonas Vaginalis có nhiều triệu chứng khác nhau do ký sinh trùng tấn công vào các bộ phận thuộc cơ quan sinh sản nhưng phần lớn mọi người không biết bản thân mắc bệnh. Nguyên nhân do triệu chứng bệnh Trichomonas Vaginalis rất mờ nhạt, thường chẩn đoán điều trị nhầm sang các bệnh phụ khoa, nam khoa thông thường.
-
Ở nữ giới, bệnh Trichomonas Vaginalis bao gồm: viêm âm đạo, viêm niệu đạo,...
-
Ở nam giới, Trichomonas Vaginalis chỉ gây nhiễm trùng niệu đạo.
Khi nhiễm Trichomonas Vaginalis, người bệnh có thể có hoặc không có triệu chứng viêm nhiễm tùy vào sự phát triển của loại ký sinh trùng này. Nhưng khi đã có triệu chứng, Trichomonas Vaginalis hoàn toàn có thể lây nhiễm cho bạn tình khi quan hệ tình dục.
Trichomonas Vaginalis xâm nhập có thể gây viêm âm đạo, niệu đạo
2. Làm sao chẩn đoán bệnh Trichomonas Vaginalis?
Bệnh Trichomonas Vaginalis có thể gặp ở cả nam và nữ giới, triệu chứng mắc bệnh ở hai giới là khác nhau do đặc điểm cấu tạo cơ quan sinh dục khác nhau. Nhìn chung triệu chứng bệnh khá giống với các viêm nhiễm đường sinh dục có các tác nhân khác nên khó chẩn đoán chính xác bệnh nếu chỉ xem xét triệu chứng. Song đây vẫn là thông tin quan trọng ban đầu để người bệnh đi khám và được xét nghiệm chẩn đoán.
2.1. Phát hiện Trichomonas Vaginalis qua triệu chứng
Ở nữ giới, triệu chứng bệnh bao gồm: ra nhiều khí hư âm đạo có mùi hôi, loãng có bọt, có thể có màu xanh vàng, gây ngứa nhiều ở vùng âm hộ, trong âm đạo,... có thể kèm theo ngứa, đi tiểu khó và đau khi giao hợp.
Ở nam giới, đa số người bệnh Trichomonas Vaginalis không có triệu chứng rõ rệt, 1 số có các triệu chứng như đi tiểu khó, tiểu nhiều lần, ngứa vùng dương vật,...
Khi khám cơ quan sinh dục ở nữ có thể thấy âm hộ, âm đạo, cổ tử cung viêm đỏ, phù nề và có thể thấy cổ tử cung sùi như quả dâu tây, có nhiều khí hư màu vàng xanh loãng và có bọt ở cùng đồ.
Nhiễm Trichomonas Vaginalis làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh STD
2.2. Chẩn đoán bệnh Trichomonas Vaginalis qua xét nghiệm
Để chẩn đoán chính xác bệnh Trichomonas Vaginalis thì xét nghiệm là cách duy nhất, bác sĩ sẽ thu thập mẫu bệnh phẩm đường sinh dục để làm xét nghiệm chẩn đoán. Với nữ giới, bác sĩ sẽ dùng tăm bông để lấy dịch khí hư trong âm đạo cùng đồ. Với nam giới, sau khi vệ sinh bộ phận sinh dục, bác sĩ sẽ lấy bệnh phẩm bằng cách vuốt dọc dương vật để lấy dịch.
Các phương pháp xét nghiệm bao gồm :
- Soi tươi dưới kính hiển vi tìm thể hoạt động của Trichomonas vaginalis.
- Nhuộm tiêu bản bằng hematoxylin, hoặc nhuộm Giemsa, Gram tìm T.vaginalis
- Nuôi cấy trên môi trường Pavola hoặc môi trường T.V.: Phương pháp nuôi cấy làm tăng sinh T.vaginalis khắc phục trường hợp có ít T.vaginalis khó phát hiện bằng phương pháp soi kính. Có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, thời gian trả kết quả sau 5 - 7 ngày.
- Phát hiện trùng roi bằng kỹ thuật nuôi PCR với độ nhạy và đặc hiệu cao, thời gian trả kết quả sau 4 - 5h.
Khi có kết quả chẩn đoán nhiễm Trichomonas Vaginalis, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Không ít trường hợp nhiễm Trichomonas Vaginalis nhưng chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý viêm nhiễm khác nên điều trị không đúng cách, không đạt kết quả tốt.
3. Có thể phòng ngừa lây nhiễm Trichomonas Vaginalis hay không?
Ký sinh trùng Trichomonas Vaginalis lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp bộ phận sinh dục khi quan hệ tình dục, do vậy có một lối sống tình dục lành mạnh, an toàn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý:
-
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ với bạn tình mới hoặc tình một đêm.
-
Duy trì lối sống chung thủy 1 vợ, 1 chồng hoặc 1 bạn tình.
-
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, từ 6 tháng – 1 năm /lần để phát hiện sớm bệnh Trichomonas Vaginalis cũng như các vấn đề sức khỏe sinh sản khác, điều trị kịp thời tránh gây hậu quả nghiêm trọng.
-
Khi phát hiện nhiễm Trichomonas Vaginalis, cần thông báo cho vợ/ chồng hoặc bạn tình để cùng điều trị, tránh tái nhiễm.
-
Vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên, đúng cách.
Phòng ngừa Trichomonas Vaginalis bằng việc sinh hoạt tình dục lành mạnh
Như vậy, bệnh Trichomonas Vaginalis khá phổ biến có thể gây viêm âm đạo hoặc niệu đạo cùng nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu có triệu chứng bệnh nghi ngờ, không nên tự điều trị bằng phương pháp dân gian hoặc mua thuốc không có chẩn đoán dẫn đến bệnh kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, hãy đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị sớm nhất.
Nếu cần tư vấn và đặt lịch khám, khách hàng hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.