Polyp túi mật là bệnh lý có triệu chứng mơ hồ ở giai đoạn đầu nên rất ít người nhận biết được. Mặc dù trên 92% trường hợp mắc bệnh là lành tính nhưng vẫn có 8% nguy cơ tiến triển ung thư. Vì thế, cần cảnh giác, nắm vững những thông tin về bệnh để sớm có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ ấy.
11/04/2021 | Polyp túi mật có những triệu chứng gì, điều trị bệnh như thế nào? 16/03/2021 | Người bị Polyp túi mật kiêng ăn gì để bệnh thuyên giảm?
1. Nguyên nhân hình thành và triệu chứng thường gặp ở bệnh Polyp túi mật
1.1. Nguyên nhân gây Polyp túi mật là gì?
Polyp túi mật chủ yếu xảy ra do sự dư thừa hoặc khiếm khuyết chuyển hóa cholesterol
Polyp túi mật là loại u nhú mọc nhô ra trong niêm mạc thành túi mật. Tùy từng trường hợp mà nó có thể mọc đơn lẻ hoặc cùng lúc nhiều Polyp. Số đông bệnh nhân mắc bệnh lý này là do quá trình chuyển hóa cholesterol bị khiếm khuyết hoặc dư thừa. Ngoài ra, nguy cơ bị Polyp túi mật cũng cao hơn ở những người bị mắc các bệnh: sỏi mật, viêm túi mật mạn tính, chức năng gan kém, béo phì, mỡ máu,…
1.3. Triệu chứng thường gặp của bệnh Polyp túi mật
Bệnh Polyp túi mật rất ít khi thể hiện triệu chứng rầm rộ. Hầu hết các trường hợp chỉ có biểu hiện lâm sàng khi bệnh gây bài xuất dịch mật ở lòng túi mật, rối loạn bài tiết, viêm hoặc sỏi tủi mật. Khi ấy, người bệnh sẽ cảm thấy đau tức nhẹ ở thượng vị hoặc hạ sườn phải; chủ yếu bị đau sau khi ăn; khó tiêu; đầy bụng; buồn nôn; nôn.
Nếu xảy ra tình trạng phần tách rời của Polyp chặn đường đi của mật vào ruột non trong thời gian dài thì người bệnh có thể bị viêm tụy hoặc viêm túi mật. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy khó tiêu, đau ở trên rốn, sốt nhẹ, đi ngoài phân có màu trắng, da và mắt vàng.
2. Chẩn đoán và điều trị Polyp túi mật bằng cách nào?
2.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh Polyp túi mật
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp chẩn đoán hình ảnh nào có thể xác định Polyp túi mật là lành hay ác tính. Bác sĩ chỉ dựa trên các đặc điểm nhìn thấy qua siêu âm, nội soi đường tiêu hóa, chụp CT để có thông tin cho việc lên kế hoạch điều trị cho người bệnh.
Siêu âm có khả năng chẩn đoán chính xác Polyp túi mật
- Siêu âm: khả năng phát hiện bệnh đến 96%, giúp xác định vị trị, số lượng, hình dạng và kích thước Polyp. Phương pháp này còn có khả năng theo dõi sự tiến triển để có hướng xử trí phù hợp. Cuối cùng, thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ đánh giá được tổn thương khác kèm theo trong ổ bụng.
- Chụp CT: giúp chẩn đoán chính xác Polyp túi mật, đặc biệt là đối với trường hợp nghi ngờ bị ung thư túi mật. Thông qua kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này, bác sĩ cũng xác định được mức độ xâm lấn đến vùng lân cận của khối u đồng thời theo dõi đáp ứng điều trị bệnh.
- Nội soi đường tiêu hóa: có thể giúp phát hiện khối u từ khi kích thước nó còn nhỏ.
2.2. Điều trị bệnh Polyp túi mật
Cũng chính vì đến nay không có một thăm dò nào có khả năng chẩn đoán chính xác Polyp túi mật là lành hay ác tính khi chưa có can thiệp phẫu thuật nên các bác sĩ thống nhất phác đồ xử trí bệnh là:
- Nghi ngờ có Polyp túi mật khi siêu âm nhưng người bệnh không có triệu chứng thì nên sau khoảng 6 tháng - 1 năm cần tiến hành tái kiểm tra để khẳng định. Nếu siêu âm lại không còn hình ảnh của Polyp thì không cần phải làm gì hết.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ cho người bệnh biết có cần điều trị Polyp túi mật hay không
- Nếu có hình ảnh Polyp và khối u có kích thước trên 10mm thì 6 tháng/lần siêu âm định kỳ. Trường hợp xét nghiệm máu, thực hiện các thăm dò khác có biểu hiện ác tính hay người bệnh có triệu chứng lâm sàng như đã nói ở trên thì cần phẫu thuật càng sớm càng tốt.
- Nếu là Polyp giả thì chỉ cần có chế độ ăn giảm béo, nội tạng động vật, hạn chế mỡ, thịt đỏ, tôm,...
- Người đã từng phẫu thuật cắt bỏ túi mật cần có chế độ ăn dễ tiêu hóa và cần thăm khám định kỳ để theo dõi bệnh.
3. Tính chất nguy hiểm của bệnh Polyp túi mật
Như đã nói ở trên, có khoảng 92% trường hợp mắc bệnh là lành tính và có thể sống chung với bệnh một cách hòa bình vì không phải can thiệp y tế. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng, túi mật là một cấu trúc của đường dẫn mật, đảm nhận chức năng tiêu hóa thức ăn và điều hòa bài tiết mật nên việc cắt bỏ là không thể tùy tiện thực hiện.
Bản thân Polyp túi mật không có khả năng tự biến mất. Hướng xử trí phổ biến nhất hiện nay là cắt túi mật nhưng nó chỉ được áp dụng khi nguy cơ Polyp tiến triển ung thư cao. Những trường hợp còn lại đều hướng đến mục tiêu ưu tiên là phòng ngừa sự gia tăng kích thước dẫn đến ung thư.
Kích thước của Polyp có thể giúp dự đoán khả năng lành hay ác tính. Những trường hợp Polyp túi mật nhỏ hơn 10mm thì thường không có khả năng tiến triển ung thư và đại đa số không phải chữa trị. Tuy nhiên, người bệnh cần siêu âm định kỳ để dự phòng xuất hiện dấu hiệu ung thư. Nếu kích thước Polyp túi mật trên 20mm hoặc xét nghiệm hình ảnh không cho đặc điểm rõ ràng thì tỷ lệ ung thư là rất cao.
Nhìn chung, Polyp túi mật là bệnh lý khá phổ biến và số đông không nguy hiểm nên chỉ cần thăm khám định kỳ. Những trường hợp có triệu chứng hoặc nghi ngờ ác tính thì cần can thiệp ngoại khoa để tránh tiến triển ung thư vì ung thư túi mật là bệnh lý có tiên lượng rất xấu.
Khám sàng lọc sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ giúp bạn nhanh chóng phát hiện Polyp túi mật nếu nó xuất hiện và có biện pháp xử trí kịp thời trước khi nó tiến triển ung thư. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành sẽ trực tiếp thăm khám và kiểm tra bằng những thiết bị y tế hiện đại nhất nên bạn hoàn toàn yên tâm về tính chính xác trong chẩn đoán và tính hiệu quả trong điều trị.
Nếu còn băn khoăn nào khắc về bệnh lý này, bạn đọc có thể gọi trực tiếp đến Tổng đài 1900 56 56 56, đội ngũ chuyên gia y tế của bệnh viện luôn sẵn lòng giải đáp, chia sẻ những thông tin chính xác và phù hợp nhất để bạn biết hướng chăm sóc sức khỏe của mình.