Herpes môi là một loại bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, làm vùng miệng, môi bị ngứa, đau rát, xuất hiện mụn rộp. Hiện nay chưa có cách điều trị bệnh hoàn toàn. Đa phần các trường hợp là tự chăm sóc tại nhà, ngoài ra, nếu người bệnh quá khó chịu thì bác sĩ sẽ cho dùng thuốc để giảm triệu chứng.
09/06/2020 | Tìm hiểu về bệnh herpes - mụn rộp 17/04/2020 | Herpes là bệnh gì, nguyên nhân và cách điều trị 02/11/2019 | Phát hiện bệnh Herpes bằng cách xét nghiệm HSV
1. Nguyên nhân gây Herpes môi
Tác nhân gây bệnh Herpes môi là virus có tên là Herpes simplex - chủng virus thường gây tình trạng mụn rộp ở người. Trong đó, Herpes virus chủng 1 (HSV-1) gây ra khoảng 80% trường hợp bị mụn rộp ở môi, còn chủng Herpes 2 (HSV-2) chủ yếu gây mụn rộp ở cơ quan sinh dục.
Herpes môi là bệnh do virus gây ra
Người bệnh bị Herpes môi do nhiễm virus này từ người bệnh qua tiếp xúc trực tiếp như hôn, quan hệ tình dục bằng miệng,… hoặc tiếp xúc gián tiếp khi ăn uống chung, dùng chung mỹ phẩm, vật dụng cá nhân.
Người bị nhiễm virus Herpes và mọc mụn rộp ở môi có thể khắc phục triệu chứng song không thể loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây bệnh. Y học vẫn chưa tìm ra cách để điều trị bệnh triệt để, vì thế mụn rộp Herpes môi hoàn toàn có thể tái phát nhiều lần. Virus thường gây tái phát Herpes môi nếu gặp yếu tố thuận lợi như:
-
Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nhất là khu vực vùng môi.
-
Hệ miễn dịch cơ thể kém khi mắc bệnh, dị ứng thực phẩm, bệnh suy giảm miễn dịch hoặc khi mang thai, thay đổi hormone do chu kỳ kinh nguyệt.
-
Tổn thương ở vùng nướu, môi hoặc bệnh lý răng miệng.
-
Cơ thể mệt mỏi hoặc căng thẳng.
-
Thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ vùng môi, mặt ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của vùng da này.
Virus gây Herpes môi có thể lây nhiễm qua tiếp xúc gần
Quan hệ tình dục không an toàn không những gây lây nhiễm virus Herpes mà còn dễ lây truyền các virus gây bệnh nguy hiểm khác như lậu, HIV, giang mai, mụn cóc sinh dục,… Vì thế nên tự bảo vệ bản thân bằng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.
2. Điều trị và phòng ngừa Herpes môi như thế nào?
Nhìn chung, bệnh Herpes môi không nguy hiểm đến tính mạng song có thể gây ra một vài biến chứng về da hoặc hệ miễn dịch nếu không điều trị tốt. Trẻ em là đối tượng dễ tái phát bệnh nhiều lần và gây biến chứng nặng hơn cả, vì thế việc điều trị tích cực và phòng ngừa là cần thiết khi không may mắc bệnh.
2.1. Các phương pháp điều trị Herpes môi
Dù chưa có cách để điều trị bệnh Herpes hoàn toàn, song chăm sóc và điều trị tại nhà tích cực, đúng cách sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt triệu chứng. Dưới đây là các cách điều trị thường được áp dụng:
Dùng kem bôi hoặc thuốc mỡ
Mụn rộp ở môi thường gây đau đớn, ngứa rát vô cùng khó chịu cho người bệnh. Để kiểm soát cơn đau và ngứa do Herpes ở môi và thúc đẩy quá trình tự làm lành tổn thương thì dùng thuốc mỡ hoặc kem bôi kháng virus là cần thiết. Thuốc thường dùng điều trị là Acyclovir được dùng ngay khi mụn Herpes môi khởi phát, triệu chứng bệnh sẽ được kiểm soát nhanh chóng.
Bôi thuốc mỡ giúp làm dịu và nhanh phục hồi do Herpes môi
Dùng thuốc uống kháng virus
Bệnh Herpes môi do virus gây ra, vì thế dùng thuốc uống kháng virus sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng bệnh. Các loại thuốc thường được chỉ định dùng là acyclovir. Các loại thuốc này có tác dụng nhanh với bệnh Herpes môi song có thể gây ra một vài tác dụng phụ, vì thế cần dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu người bệnh có hệ miễn dịch kém hoặc cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng, mang thai thì bác sĩ cần cẩn trọng hơn trong sử dụng thuốc điều trị Herpes môi. Nếu không điều trị tốt, bệnh kéo dài dai dẳng gây biến chứng, bệnh nhân sẽ cần điều trị với thuốc liều cao hơn.
Biện pháp chăm sóc tại nhà khi bị Herpes môi
Nếu bệnh Herpes môi nhẹ, mới khởi phát thì một số phương pháp chăm sóc, điều trị tại nhà sau có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng, tăng phục hồi:
Chườm lạnh
Bạn sử dụng nước đá lạnh hoặc đá bọc trong vải chườm lên mụn loét trên môi 20 phút mỗi lần, mỗi ngày từ 2 - 3 lần. Triệu chứng đau do Herpes môi sẽ được giảm nhẹ. Lưu ý không nên để đá hoặc nước đá chạm trực tiếp vào vùng da bị bệnh vì có thể gây tổn thương nhiễm trùng nặng hơn.
Chườm lạnh giúp giảm đau do Herpes môi rất tốt
Thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn
Nên lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc không kê đơn này, nhất là với trẻ nhỏ vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Thuốc giảm đau hạ sốt do Herpes môi có thể dùng tại nhà là acetaminophen hoặc ibuprofen.
Hạn chế thực phẩm chua
Mụn Herpes môi càng gây đau đớn, khó hồi phục hơn nếu tiếp xúc với acid từ thực phẩm, nhất là có trong các loại hoa quả như cam, quýt, chanh,… Bạn có thể uống để tăng cường miễn dịch cho cơ thể, song nên dùng ống mút để tránh chạm vào vùng da nhiễm virus.
Dưỡng ẩm
Có thể dưỡng ẩm cho vùng da bị bệnh bằng gel lô hội hoặc son dưỡng lô hội. Trong lô hội có tinh chất có tác dụng làm mát, làm dịu tổn thương da rất tốt.
Uống nhiều nước
Herpes môi có thể gây ra nhiều mụn rộp đau đớn trong miệng, khiến trẻ bị sốt, khó khăn khi ăn, ngủ và mất nước. Vì thế, cần uống thêm nhiều nước lọc và nước hoa quả các loại để tránh mất nước, giảm đau đớn, tăng tốc độ phục hồi bệnh.
2.2. Làm gì để phòng ngừa Herpes môi tái phát.
Lây nhiễm virus Herpes từ người bệnh hoặc tạo yếu tố thuận lợi cho virus phát triển gây bệnh sẽ khiến Herpes môi khởi phát. Các biện pháp sau có tác dụng phòng ngừa lây nhiễm và tái phát bệnh hiệu quả:
-
Tránh hôn với người đang có dấu hiệu bệnh hoặc bản thân bạn đang mắc bệnh.
-
Cẩn thận khi chạm vào mụn rộp của người bệnh dù ở môi hoặc bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, nếu có thể hãy sử dụng gang tay và rửa tay sát khuẩn ngay sau đó.
Đeo khẩu trang giúp bảo vệ môi khỏi ánh nắng mặt trời tốt hơn
-
Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời quá lâu và quá mạnh, có thể đeo khẩu trang và dùng son dưỡng môi chống UV nếu buộc phải ra ngoài trời.
-
Sử dụng bao cao su và màng chắn miệng khi quan hệ tình dục, hạn chế quan hệ tình dục với nhiều người.
Dù không nguy hiểm song bệnh Herpes môi gây rất nhiều bất tiện cho người bệnh. Hơn nữa bệnh không thể điều trị hoàn toàn, dễ tái phát nên việc chăm sóc, phòng ngừa bệnh là rất quan trọng.