Bảo quản sữa bột sai cách khiến sữa bị hư hỏng, nhiễm khuẩn là tình trạng thường gặp ở nhiều mẹ bỉm có con nhỏ. Để tránh sữa biến chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, mẹ nên biết cách sử dụng và bảo quản loại thực phẩm này.
12/01/2022 | Dinh dưỡng cho trẻ cai sữa mẹ chuẩn để bé phát triển toàn diện 12/12/2021 | Sữa mẹ để nhiệt độ thường được bao lâu? Cách bảo quản như thế nào? 10/12/2021 | Chuyên gia giải đáp: Trẻ bao nhiêu tháng tuổi có thể uống sữa tươi?
1. Nhận biết bảo quản sữa bột sai cách
Sữa bột là sản phẩm cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Mặc dù được sản xuất với quy trình khép kín, đạt chuẩn chất lượng nhưng sữa bột cũng dễ bị hư hỏng nếu không bảo quản đúng cách.
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như: có mùi lạ, màu sắc thay đổi hoặc vón cục,… thì chứng tỏ sữa đã bị hư hỏng. Do đó, mẹ không nên tiếp tục cho trẻ sử dụng loại sữa này. Bởi vì sữa biến chất nhiễm khuẩn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến trẻ bị tiêu chảy thậm chí là ngộ độc.
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như: có mùi lạ, màu sắc thay đổi hoặc vón cục,… thì chứng tỏ sữa đã bị hư hỏng
Tại sao sữa bột bị hư hỏng:
Sữa bột nhanh bị hư hỏng là do trong quá trình sử dụng các mẹ thường mắc phải lỗi sau:
-
Trước khi pha sữa, nhiều người thường không rửa tay và muỗng dùng để múc sữa sạch sẽ.
-
Sau khi pha sữa cho bé xong, mẹ quên đậy nắp hộp kín để không khí bên ngoài chui vào gây ẩm mốc.
-
Bảo quản sữa bột sai cách, để trong tủ lạnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
-
Pha sữa không đúng công thức, quá loãng, quá đặc hoặc tự ý thêm các thực phẩm khác vào.
Trước khi pha sữa nhiều người không rửa tay và muỗng dùng để múc sữa sạch sẽ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập
2. Bảo quản sữa bột đúng cách
Bảo quản sữa bột không đúng sẽ làm mất giá trị dinh dưỡng và khiến sức khỏe của bé bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy mỗi sản phẩm sữa đều có giá thành cao, khi hư hỏng mẹ phải loại bỏ toàn bộ gây lãng phí. Để tránh gặp phải tình trạng này, các mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và cách bảo quản sữa của nhà sản xuất in trên bao bì.
Sữa bột đã mở nắp:
Đối với sữa bột đã mở nắp, mẹ bỉm nên bảo quản đúng cách để sử dụng được lâu, tránh hư hỏng:
-
Đậy kín nắp hộp sau sử dụng: Bởi vì khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài sữa dễ bị vi khuẩn, bụi bẩn, côn trùng xâm nhập vào và làm biến đổi chất. Do đó, mẹ nên hạn chế mở nắp hộp nhiều lần khi không cần thiết.
-
Để sữa ở nơi khô ráo, thoáng mát: Nhiệt độ thích hợp để bảo quản sữa là nhiệt độ phòng dưới 250C. Sữa cần tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào để bảo vệ nguyên vẹn các thành phần dinh dưỡng. Đồng thời, mẹ cũng không nên để sữa gần với nơi có nguồn nhiệt cao như: lò vi sóng, bếp điện,...
-
Không nên để sữa trong tủ lạnh: Vì đây là nơi ẩm ướt sữa bột có đặc tính hút ẩm. Nên khi bảo quản sữa bột trong thời gian dài sẽ dễ gây vón cục và lên mốc.
-
Chia nhỏ lượng sữa nếu mua hộp lớn: Với hộp sữa có khối lượng lớn, mẹ nên san bớt sang một hộp hoặc hũ thủy tinh nhỏ khác, vừa đủ dùng cho một tuần. Để tránh tình trạng mở nắp nhiều lần khiến sữa bột hút ẩm từ môi trường ngoài, từ đó làm giảm chất lượng sữa.
Sau khi mở nắp, sữa bột chỉ sử dụng trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên nhiều mẹ vẫn cho con dùng sữa đã mở nắp trong thời gian dài. Họ cho rằng sữa chưa lên mốc, men thì không có vấn đề gì, trẻ vẫn dùng được.
Điều này hoàn toàn sai lầm, vì trong không khí có nhiều vi khuẩn và bụi bẩn làm biến đổi thành phần dinh dưỡng của sữa. Đặc biệt là khi sữa bị ẩm, một số loài nấm mốc có thể phát triển bên trong mà mắt thường không nhìn thấy được. Chúng gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ, nguy hiểm hơn là ngộ độc.
Vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia thì sữa bột chỉ nên sử dụng trong vòng 30 ngày kể từ khi mở nắp. Nếu để lâu hơn thì các mẹ nên loại bỏ sữa và không dùng nữa.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia thì sữa bột chỉ nên sử dụng trong vòng 30 ngày kể từ khi mở nắp
Sữa bột đã pha:
Vậy, bảo quản sữa bột đã pha như thế nào là đúng cách? Sữa bột sau khi pha và chưa uống hết thì mẹ không nên bỏ bên ngoài quá lâu. Bởi vì các loài vi khuẩn, nhất là Cronon có thể xâm nhập vào trong sữa khiến trẻ bị viêm màng não, nhiễm trùng máu.
Trường hợp đã pha nhưng trẻ không chịu uống thì mẹ nên đậy kín nắp bình, có thể để ở nhiệt độ phòng tối đa là 2 giờ. Sau đó cho sữa vào ngăn mát tủ lạnh và để ở đó không quá 24 giờ. Nhiệt độ thấp sẽ làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn, do đó mẹ có thể bảo quản sữa bột đã pha lâu hơn. Nếu vượt quá thời gian thì mẹ không nên cho trẻ uống sữa này nữa.
Sữa cần được làm ấm trước khi cho trẻ sử dụng, bằng cách ngâm bình vào chậu nước nóng hoặc máy hâm sữa. Đồng thời, mẹ cũng nên kiểm tra lại nhiệt độ sau khi hâm để tránh sữa quá nóng làm bỏng miệng bé hoặc chưa đủ ấm.
Lưu ý: Mẹ chỉ nên bảo quản sữa sau khi pha trẻ chưa uống, chưa tiếp xúc với vật dụng nào. Lượng sữa bú thừa sau một giờ thì mẹ không nên cho trẻ uống tiếp. Vì trong sữa hiện đã có nước bọt của trẻ và không còn sạch.
Sữa bảo quản trong tủ lạnh cần được làm ấm trước khi cho trẻ sử dụng, bằng cách ngâm bình vào chậu nước nóng hoặc máy hâm sữa
Mặc dù là sản phẩm cung cấp dinh dưỡng quan trọng nhưng nếu bảo quản sai cách sữa bột sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ, các mẹ bỉm đã biết cách bảo quản sữa bột sao cho đúng.
Khi con yêu của bạn có những dấu hiệu bất thường như: tiêu chảy, đau bụng kéo dài,… bạn nên tìm gặp bác sĩ Chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được kiểm tra, làm các xét nghiệm cần thiết nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.
Để trở thành mẹ bỉm sữa thông thái, bạn có thể cập nhật các kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ bằng cách truy cập và tham khảo các bài viết trên website: Medlatec.vn, hoặc gọi đến hotline: 1900 56 56 56 để được các chuyên gia tư vấn, giải đáp thắc mắc.