Polyp đại tràng thường được phát hiện khi nội soi thăm khám đại tràng hoặc các cơ quan của hệ tiêu hóa khác, đa phần trường hợp là lành tính. Tuy nhiên, polyp đại tràng có thể biến đổi ác tính và phát triển thành ung thư đại tràng, trong trường hợp này cần cắt bỏ sớm. Vậy sau cắt, polyp đại tràng có mọc lại không và sự mọc lại có nguy hiểm không?
15/03/2021 | Đau đại tràng là đau ở đâu? Sự nguy hiểm của viêm đại tràng ra sao? 11/03/2021 | Nguyên nhân và phương pháp điều trị viêm loét đại tràng hiệu quả 28/01/2021 | 4 bước trong quy trình nội soi đại tràng và lưu ý khi tiến hành
1. Khi nào cần chỉ định cắt polyp đại tràng?
Polyp đại tràng là sự tăng trưởng bất thường của tế bào ở lớp lót bên trong đại tràng, hình thành các khối hoặc u nổi lên ngoài niêm mạc đại tràng. Nhiều người lo lắng khi thấy hình ảnh polyp đại tràng, tuy nhiên đa phần chúng là lành tính. Để xác định polyp đại tràng lành tính hay có nguy cơ phát triển thành ung thư, bác sĩ thường thực hiện nội soi lấy mô để phân tích.
Polyp đại tràng là kết quả của sự tăng trưởng tế bào đại tràng bất thường
Polyp đại tràng lành tính được chẩn đoán hoặc không gây ra triệu chứng gì, kích thước polyp nhỏ thì không nhất thiết phải chỉ định cắt bỏ. Song một số trường hợp, polyp đại tràng có kích thước lớn hoặc nằm ở vị trí đặc biệt có thể gây ra một vài triệu chứng như:
-
Chảy máu trực tràng, xuất hiện máu trong phân.
-
Gây ra tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài.
-
Khối polyp đại tràng gây tình trạng buồn nôn và nôn.
Cắt bỏ là cách tốt nhất để điều trị polyp đại tràng, thường áp dụng cho các trường hợp kích thước polyp lớn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tiêu hóa hoặc sinh thiết bất thường có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Phẫu thuật nội soi hiện được áp dụng phổ biến để cắt bỏ polyp đại tràng do ít xâm lấn, hiệu quả cao, thực hiện đơn giản nhanh chóng.
Polyp đại tràng đa phần là lành tính
2. Cắt polyp đại tràng có mọc lại không?
Sau cắt polyp đại tràng, nếu thực hiện kỹ thuật tốt thì chúng hiếm khi mọc trở lại, song thực tế có tới 30% bệnh nhân sau phẫu thuật có khối polyp đại tràng phát triển. Vị trí mọc polyp đại tràng mới có thể trùng hoặc không trùng khớp với vị trí mọc cũ.
Vậy polyp đại tràng có mọc lại không? Câu trả lời là có. Tình trạng mọc lại polyp đại tràng chủ yếu do 2 vấn đề:
Bỏ sót polyp đại tràng khi cắt bỏ
Ở mỗi bệnh nhân, kích thước và hình dạng của polyp là khác nhau, thực tế vô cùng đa dạng. Vì thế nội soi cắt bỏ polyp dễ gặp tình trạng bỏ sót một phần polyp, nhất là các polyp có kích thước nhỏ dưới 5mm.
Theo thời gian, những polyp đại tràng bị bỏ sót này sẽ tiếp tục phát triển, nên khi thăm khám lại sẽ thấy mọc polyp trở lại. Những polyp đại tràng này hoàn toàn có thể biến chứng thành ung thư và cũng cần cắt bỏ nếu cần thiết.
Polyp đại tràng tiếp tục tăng sinh sau khi cắt
Theo kích thước, polyp đại tràng được chia thành nhiều loại gồm: polyp nhỏ (kích thước dưới 5mm), polyp trung bình (kích thước dưới 10mm) và kích thước lớn (từ 1 cm trở lên). Hơn nữa, polyp đại tràng lớn có thể có hình dạng răng cưa, hình dạng đặc biệt phải cắt bỏ từng phần. Vì thế, nội soi cắt bỏ rất dễ xảy ra tình trạng không loại bỏ hết polyp, khiến chúng tiếp tục tăng sinh, phát triển và tiến triển thành ung thư.
Sau cắt bỏ polyp đại tràng có thể mọc lại
Như vậy, để kiểm soát tốt hơn tình trạng polyp đại tràng mọc lại sau cắt, bệnh nhân được khuyến cáo nên tái khám thường xuyên sau phẫu thuật. Thời gian tái khám định kỳ khoảng 6 tháng - 1 năm một lần nên được kéo dài 3 - 5 năm sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng được chỉ định uống một số thuốc để ngăn ngừa polyp đại tràng phát triển mới hoặc phát triển trên mẫu mô chưa cắt bỏ hết.
3. Làm gì để ngăn ngừa polyp đại tràng tái phát?
Để ngăn ngừa polyp đại tràng hình thành và tái phát ở bệnh nhân đã từng cắt bỏ, thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh đóng vai trò quyết định. Dưới đây là những lưu ý bạn cần thực hiện:
3.1. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Các bữa ăn hàng ngày của bạn cần đầy đủ dinh dưỡng và đa dạng từ các nguồn thực phẩm tốt như rau, trái cây, thịt nạc, ngũ cốc,…
3.2. Tăng cường bổ sung Canxi và Vitamin D
Đây là hai dinh dưỡng quan trọng giúp ngăn ngừa hình thành polyp đại tràng nói chung và polyp đường tiêu hóa nói riêng. Các thực phẩm giàu Canxi và Vitamin D bao gồm: cá, gan, trứng, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bông cải xanh,…
3.3. Hạn chế thực phẩm xấu
Thực phẩm chứa hàm lượng chất béo cao, đặc biệt là các loại thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ là những loại mà bệnh nhân sau phẫu thuật polyp đại tràng nên hạn chế. Hơn nữa, chất béo xấu cũng không tốt cho sức khỏe nói chung, làm tăng nguy cơ mỡ máu, bệnh tim mạch, béo phì,… nên hầu như mọi chế độ ăn đều khuyến cáo nên tiếp nạp hạn chế.
Thực phẩm xấu không tốt cho sức khỏe và tăng nguy cơ polyp đại tràng mọc lại
3.4. Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá khiến cơ thể phải tiếp nhận nhiều hóa chất độc hại, chúng không chỉ gây tổn hại cho phổi và hệ hô hấp mà sức khỏe của hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng.
3.5. Tập thể dục thường xuyên
Biện pháp này giúp nâng cao sức khỏe toàn thân, là một trong những bước quan trọng để cơ thể có sức đề kháng tốt hơn, giảm nguy cơ bệnh tật hơn. Ngoài ra, sự phát triển bất thường của polyp đại tràng cũng được kiểm soát tốt hơn.
Như vậy, polyp đại tràng đa phần là lành tính, song ở những nhóm người nguy cơ cao tiến triển thành ung thư thì phẫu thuật cắt bỏ là cần thiết. Cụ thể, những nhóm bệnh nhân bị polyp đại tràng nên phẫu thuật sớm ngăn ngừa ung thư bao gồm:
-
Người có tiền sử gia đình từng mắc ung thư đại trực tràng hoặc ung thư đường tiêu hóa khác.
-
Bệnh nhân bị viêm ruột, có thể là viêm loét ruột hoặc bệnh Crohn.
-
Người có polyp đại tràng mắc hội chứng Lynch.
-
Nghi ngờ đa polyp đại tràng tuyến có tính gia đình.
Phẫu thuật cắt bỏ là cần thiết nếu người bệnh polyp đại tràng có nguy cơ tiến triển ung thư cao
Polyp đại tràng có mọc lại hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Để kiểm soát tình trạng tái phát này cũng như ngăn ngừa polyp đại tràng tiến triển thành ung thư, tầm soát kiểm tra định kỳ sau phẫu thuật là cần thiết. Hãy trao đổi thêm với bác sĩ điều trị của bạn để được tư vấn về nguy cơ tái phát cũng như mức độ nguy hiểm khi tái phát.