Không có triệu chứng bất thường về tiêu hóa, cũng chưa từng có rối loạn đại tiểu tiện, nhưng mới đây, sau khi khám sức khỏe định kỳ, bệnh nhân N.T.L (67 tuổi, Hà Nội) đã được bác sĩ của BVĐK MEDLATEC phát hiện khối u có kích thước rất nhỏ trong hồi tràng, từ đó đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời.
Từ dấu hiệu hồng cầu ẩn trong phân đến phát hiện ung thư hồi tràng
Bệnh nhân N.T.L 67 tuổi, thể trạng có thể được đánh giá là hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân không có triệu chứng nào về rối loạn tiêu hóa như rối loạn đại tiện, thay đổi thói quen đi tiêu, thay đổi kích thước phân, đau bụng kéo dài, sút cân hoặc tiêu chảy… Qua một đợt kiểm tra sức khỏe, kết quả xét nghiệm thấy có một ít máu ẩn trong phân (FOBT). Sau đó, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Đa Khoa MEDLATEC để tư vấn và khám chuyên sâu.
Về lý thuyết, hiện tượng máu ẩn trong phân cho thấy bệnh nhân đang bị chảy máu từ một nơi nào đó trong đường ruột, tuy nhiên chưa thể xác định được vị trí chính xác. Chảy máu có thể do nhiều bệnh lý, bao gồm: trĩ, viêm, loét, polyp… và có thể không dẫn tới ung thư. Tuy nhiên, đây là trường hợp xảy ra với người không có triệu chứng lâm sàng, đồng thời người bệnh đã lớn tuổi (> 50 tuổi) và cũng chưa bao giờ kiểm tra đại trực tràng, cho nên các bác sĩ BVĐK MEDLATEC đã tập trung phân tích dấu hiệu này. Theo đó, bệnh nhân đã được chỉ định nội soi đại tràng gây mê bằng cách đưa ống soi mềm qua hậu môn đi ngược lên manh tràng để quan sát toàn bộ niêm mạc đại trực tràng. Đây là một phương pháp chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa đơn giản, không đau, cho hình ảnh chính xác đến từng milimet và có kết quả ngay sau khi nội soi.
Ảnh 1 – Hình ảnh nội soi khối u trong hồi tràng.
Qua quá trình nội soi, các bác sĩ tại BVĐK MEDLATEC đã phát hiện được khối u với kích thước nhỏ chưa đến 10mm, chưa từng bị loét và chưa chảy máu trong hồi tràng (phần cuối của ruột non, nối ruột non với đại tràng). Khối u này chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chảy máu vi thể trong phân. Bằng các kỹ thuật súc rửa, nội soi và sinh thiết giải phẫu bệnh lý, kết quả là các bác sĩ đã chẩn đoán được ung thư biểu mô tuyến giai đoạn sớm cho khách hàng.
Ảnh 2 – Hình ảnh qua sinh thiết tế bào
Như vậy, với việc phân tích và định hướng nguyên nhân gây ra hiện tượng có máu ẩn trong phân, đồng thời nhanh chóng tiến hành các phương pháp chuyên sâu trong chẩn đoán cũng như phối hợp kịp thời với Bệnh viện Ung bướu Trung Ương (Bệnh viện K) để đánh giá mức độ xâm nhập của khối u và điều trị ngay khi khối u còn nhỏ đã đem lại hiệu quả cao trong điều trị mà kết quả là bệnh nhân là người hưởng lợi cuối cùng. Đây được cho là một nỗ lực rất lớn của tập thể y, bác sĩ BVĐK MEDLATEC trong việc nâng cao công tác khám và chẩn đoán lâm sàng cho người bệnh. Từ đó cho thấy tinh thần làm việc nghiêm túc, hết mình vì bệnh nhân của đội ngũ nhân viên y tế, quyết đi đến cùng căn nguyên của bệnh để đồng hành chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Khám sức khỏe định kỳ - cứu cánh hữu hiệu ngăn chặn những nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn
Để chủ động trong việc theo dõi sức khỏe của mình, khi phát hiện thấy có máu trong phân, người dân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Những thông tin mà bạn cung cấp, cộng với tư liệu khám lâm sàng và cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ tiên lượng và có hướng điều trị phù hợp. Tuy nhiên, trong những trường hợp dấu hiệu bệnh lý chưa biểu hiện rõ ràng thì lời khuyên dành cho người dân là nên duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng/lần.
Ngoài các thăm dò chức năng, một số xét nghiệm để tầm soát, hỗ trợ chẩn đoán giúp theo dõi và tiên lượng các loại ung thư liên quan đến các bệnh về đường tiêu hóa, có thể kể đến bao gồm: SCC, CA 72-4, Pepsinogen,, CEA, CA19-9, AFP …
Ảnh 3 – Xét nghiệm sàng lọc các marker ung thư – bước quan trọng trong tầm soát
Ung thư đại trực tràng, ung thư hồi tràng hay các bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa thường rất phổ biến, đặc biệt xuất hiện nhiều sau tuổi 40. Do đó, tầm soát để phát hiện ung thư giai đoạn sớm, khi mà cơ hội chữa trị còn cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng, giảm thiểu các chi phí điều trị và kéo dài thời gian sống cho người bệnh./.