Nhiễm khuẩn đường mật là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại đường dẫn mật trong gan hoặc ngoài gan. Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi, trong đó trên 50% người trên 75 tuổi mắc bệnh sỏi mật. Phụ nữ mắc bệnh gấp 2,4 lần nam giới.
Sỏi và dị dạng đường mật gây nhiễm khuẩn
Các nhà chuyên môn cho biết, sỏi ở đường mật và dị dạng đường mật là nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm khuẩn đường mật. Các yếu tố thuận lợi gây tắc cơ giới đường mật, từ đó gây ứ mật, viêm nhiễm là sỏi mật, khối u của bóng Vater; dị dạng đường mật; sau giun chui ống mật: những người có tiền sử giun chui ống mật hoặc sỏi mật dễ mắc bệnh. Tác nhân gây bệnh chủ yếu gặp vi khuẩn coli, chiếm 70 - 80% các trường hợp; các loại vi khuẩn khác là trực khuẩn friedlander, thương hàn, liên cầu, tạp khuẩn...
Dấu hiệu điển hình
Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường mật thường có 3 triệu chứng điển hình là đau, sốt, vàng da với các tính chất như sau:
Đau ở hạ sườn phải: cơn đau dữ dội, lan lên ngực, lên vai phải, có khi vừa đau ở hạ sườn phải vừa đau ở vùng thượng vị. Hay gặp cơn đau xuất hiện ban đêm, kéo dài từ 1 - 5 giờ.
Sốt: bệnh nhân sốt nóng từ 39 - 40oC, có những cơn rét run vã mồ hôi.
Vàng da: vàng da toàn thân, niêm mạc mắt, miệng, lưỡi cũng vàng; nước tiểu đậm màu.
Đó là biểu hiện một ca bệnh điển hình. Nhưng trên thực tế vẫn có những bệnh nhân không thể hiện đầy đủ cả 3 triệu chứng này. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng khác là: mệt mỏi, ăn không tiêu, ngứa toàn thân; buồn nôn và nôn thật sự; có điểm đau ở túi mật, ấn vào đau chói gọi là dấu hiệu Murphy (+).
Xét nghiệm máu thấy tăng bạch cầu trung tính; tăng nhẹ các men transaminase, amylase, phosphatase kiềm. Siêu âm ổ bụng: giúp chẩn đoán sỏi mật. Chụp mật ngược dòng qua nội soi (ERCP): là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán nhiễm khuẩn đường mật. Phương pháp này vừa giúp chẩn đoán và điều trị bệnh sỏi đường mật, giun trong ống mật chủ.
Biến chứng có thể gặp
Các biến chứng thường gặp là: thấm mật phúc mạc với biểu hiện sốt cao, vàng da rõ, có phản ứng co cứng thành bụng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Biến chứng túi mật to doạ vỡ, hoại tử túi mật rất nguy hiểm cần phải mổ cấp cứu. Viêm mủ đường mật và áp-xe đường mật. Chảy máu đường mật. Sốc nhiễm khuẩn đường mật. Viêm tuỵ cấp: hay gặp do giun chui lên ống mật, ống tuỵ; sỏi gây chít hẹp vào cơ Oddi.
Chăm sóc và điều trị
Bệnh nhân nhiễm khuẩn đường mật cần có chế độ chăm sóc kết hợp điều trị bệnh để đạt hiệu quả tốt. Chế độ ăn: bệnh nhân cần ăn nhẹ, ăn các loại thức ăn dễ tiêu. Nên uống các loại nước có tính chất lợi mật như nước nhân trần, actiso…
Các thuốc có thể dùng để điều trị gồm: thuốc điều trị triệu chứng, giảm đau dùng các loại thuốc không steroid, paracetamol; chống co thắt dùng: giãn cơ trơn như papaverin; thuốc lợi mật; thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn: tốt nhất dùng theo kháng sinh đồ. Nếu chưa có kháng sinh đồ thì dùng các loại thuốc có hoạt phổ rộng.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong nhiễm khuẩn đường mật và các biến chứng. Mổ điều trị trong các trường hợp: viêm đường mật do sỏi và viêm đường mật có biến chứng. Trường hợp có sỏi đường mật đơn thuần, tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước sỏi, người ta có thể mổ lấy sỏi bằng phương pháp mổ nội soi. Nếu bệnh nhân có chống chỉ định nội soi hay mổ nội soi thất bại thì mổ hở, mở ống mật chủ lấy sỏi. Trường hợp bệnh nhân bị viêm đường mật có biến chứng: tuỳ thuộc vào tổn thương mà có cách xử trí phù hợp.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nhiễm khuẩn đường mật là một bệnh nặng, có nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy, chúng ta cần tích cực phòng bệnh. Có 4 cách phòng bệnh đơn giản mà hiệu quả như sau: một là cần hạn chế ăn những thực phẩm giàu cholesterol như lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật: tim, gan, óc, cật... Hai là tăng cường vận động cho đường mật để tăng tống sỏi ra. Các thức ăn làm tăng vận động đường mật là: sữa, thuốc bột MgSO4, rau xanh và hoa quả là những thứ có tác động làm tăng vận động đường mật rõ rệt. Ba là cần tăng vận động của cơ thể như tập thể dục, thể thao. Bởi vận động làm tăng hoạt động cơ, làm tăng nhu động mật, làm giảm sự ứ trệ, giúp tăng cường tiêu hoá và giảm hẳn nguy cơ sỏi mật, loại bỏ nguy cơ nhiễm khuẩn đường mật. Bốn là cần ăn uống điều độ 3 bữa một ngày để mật tham gia quá trình tiêu hóa, không có cơ hội lắng đọng tạo sỏi gây nhiễm khuẩn. Ngoài ra, mọi người cần thực hiện ăn chín uống sôi để phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa. Định kỳ tẩy giun để loại bỏ nguy cơ giun chui lên đường mật, nếu ở vùng nông thôn trồng màu, nên tẩy giun 6 tháng - 1 năm/lần.
Nguồn: suckhoedoisong.vn