FSH là nội tiết tố giúp điều hòa và kích thích sự phát triển chức năng của các tuyến sinh dục. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân làm thay đổi nồng độ FSH ở cả nam và nữ giới.
I. Tổng quan
1. Định nghĩa
FSH (Follicle Stimulating Hormone - nội tiết tố kích thích nang trứng), cùng với LH (nội tiết tố tạo hoàng thể), thuộc nội tiết tố sinh dục. FSH và LH có tác dụng điều hòa, kích thích sự phát triển chức năng của các tuyến sinh dục (buồng trứng và tinh hoàn) một cách đồng bộ.
2. Sự thay đổi nồng độ FSH
a. Ở phụ nữ
Nội tiết tố sinh dục hoạt động theo trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
Hình ảnh: Thay đổi của các Hormon trong chu kỳ kinh nguyệt
Trong giai đoạn tạo nang buồng trứng (follicular phase) của chu kì kinh nguyệt, FSH khởi động sự sản xuất estradiol của các nang Graaf, sau đó hai hormone này cùng hoạt động song song giúp nang buồng trứng phát triển thêm nữa.
Tăng đột ngột nồng độ FSH và LH vào giữa chu kì sẽ gây ra tình trạng rụng trứng.
Trong giai đoạn tạo hoàng thể (luteal phase), FSH kích thích sự sản xuất progesteron và hormone này cùng với estradiol, tạo thuận lợi cho đáp ứng của buồng trứng với LH. Khi xảy ra tình trạng mãn kinh, buồng trứng ngừng hoạt động chức năng, nồng độ FSH sẽ tăng lên.
Do những thay đổi trong chức năng buồng trứng và giảm tiết estrogen, nồng độ FSH tăng cao vào thời kỳ mãn kinh.
b. Ở nam giới
FSH kích thích tinh hoàn sản xuất các tinh trùng trưởng thành và nó cũng thúc đẩy quá trình sản xuất các protein gắn với androgen (androgen binding proteins).
II. Các nguyên nhân thay đổi nồng độ FSH
1. Tăng nồng độ FSH
- Chứng to đầu chi
- Vô kinh nguyên phát
- Tình trạng không có một hay cả hai tinh hoàn (anorchism).
- Suy tuyến sinh dục (gonadal failure).
- Cường năng tuyến yên.
- Suy chức năng sinh dục (hypogonadism).
- Khối u vùng dưới đồi.
- Sau cắt tử cung.
- Hội chứng Klinefelter.
- Mãn kinh.
- Đang có kinh.
- Sau cắt bỏ tinh hoàn (orehiectomy).
- Suy chức năng buồng trứng.
- Khối u tuyến yên.
- Dậy thì sớm.
- Hội chứng Stein-leventhal (hay hội chứng buồng trứng đa nang).
- Suy chức năng tinh hoàn.
- Hội chứng Turner.
2. Giảm nồng độ FSH
- Tăng sản tuyến thượng thận (adrenal hyperplassa).
- Vô kinh thứ phát
- Tình trạng chán ăn do tinh thần (anorexia nervosa).
- Chậm dậy thì.
- Giảm hormone hướng sinh dục (hypogonadotroplnism).
- Sau phẫu thuật cắt tuyến yên (hypophysectomy).
- Rối loạn chức năng vùng dưới đồi.
- Ung thư thượng thận, buồng trứng, tinh hoàn.
- Trẻ trước tuổi dậy thì.
- Vô tinh trùng ở nam giới
III. Chỉ định
Định lượng FSH để đánh giá chức năng của trục dưới đồi – tuyến sinh dục ở cả nam và nữ, cùng với LH sử dụng để chẩn đoán:
- Các rối loạn của tuyến sinh dục, tuyến yên, vùng dưới đồi.
- Tình trạng giảm chức năng của tuyến sinh dục, vô sinh, các rối loạn kinh nguyệt, dậy thì sớm và mãn kinh.
- Các bệnh bẩm sinh với bất thường nhiễm sắc thể, buồng trứng đa nang (PCOS- Polycystic ovary syndrome).
Xét nghiệm nội tiết FSH được chỉ định ở cả nam và nữ giới
Hormone kích thích nang trứng thường được định lượng vào đầu giai đoạn nang trứng của chu kỳ kinh nguyệt, thường là vào ngày 2-3 của chu kỳ kinh. Tại thời điểm này, mức độ estradiol (E2) và progesterone đang ở điểm thấp nhất của chu kỳ kinh nguyệt. FSH trong thời gian này thường được gọi là cấp độ FSH cơ bản, để phân biệt với các mức tăng gần thời điểm rụng trứng.
IV. Phương pháp phân tích
Xét nghiệm theo phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang: sử dụng hai kháng thể đơn dòng đặc hiệu khác nhau kháng trực tiếp FSH người.
Xét nghiệm FSH theo phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang
Giá trị tham chiếu:
Xét nghiệm
|
Đơn vị
|
Giai đoạn
|
Giá trị
|
FSH
|
mU/mL
|
Thể nang
|
3.5 – 12.5
|
Đỉnh rụng trứng
|
4.7 – 21.5
|
GĐ Hoàng Thể
|
1.7 – 7.7
|
Mãn kinh
|
25.8 – 134.8
|
Nam giới
|
1.5 – 12.4
|
V. Mẫu bệnh phẩm bảo quản
- Huyết thanh, huyết tương chống đông heparin, EDTA.
- Mẫu huyết thanh, huyết tương ổn định:
+ 14 ngày ở nhiệt độ 2-8°C.
+ 6 tháng ở nhiệt độ -20°C hoặc thấp hơn.
+ Trong vòng 24h sau lấy bệnh phẩm cần được phân tích xét nghiệm. Nếu xét nghiệm sau thời gian trên, cần tách huyết tương, huyết thanh khỏi khối tế bào.
VI. Các yếu tổ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Mẫu bệnh phẩm có tình trạng vỡ hồng cầu, đục, bilirubin máu tăng cao hay có chất đồng vị phóng xạ để chụp xạ hình trong vòng 1 tuần trước khi lấy máu xét nghiệm có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
Ở bệnh nhân dùng liều cao biotin (>5mg/ngày), không nên lấy mẫu cho đến ít nhất 8 giờ sau khi dùng liều biotin cuối.
Các thuốc có thể làm giảm nồng độ FSH: Chlorpromazin, estrogen, thuốc ngừa thai uống, progesteron, testosteron.
Tài liệu tham khảo
1. Johnson MR, Carter G, Grint C, et al. Relationship between ovarian steroids, gonadotropin and relaxin during the menstrual cycle. Acta Endocrinol 1983;129/2:121-125.
2. Beastall GH, Ferguson KM, O'Reilly DSJ, et al. Assays for follicle stimulating hormone and luteinizing hormone: Guidelines for the provision of a clinical biochemistry service. Ann Clin Biochem 1987;24:246-262.
3. Runnebaum B, Rabe T. Gynäkologische Endokrinologie und Fortpflanzungsmedizin Springer Verlag 1994. Band 1:17,253-255, Band 2:15254,360,348. ISBN 3-540-57345-3, ISBN 3-540-57347-X.
4. Schmidt-Mathiesen H. Gynäkologie und Geburtshilfe. Schattauer Verlag 1992.
5. Scott MG, Ladenson JH, Green ED, et al. Hormonal evaluation of female infertility and reproductive disorders. Clin Chem 1989;35:620-630.
6. DG Klinische Chemie Mitteilungen 1995;26(5):21
Mọi chi tiết, Quý vị vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Địa chỉ: 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình | 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội
Tổng đài: 1900 56 56 56
Website: www.medlatec.vn