Hiện nay, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ ra đời với nhiều ưu điểm vượt trội, có giá trị chẩn đoán bệnh cơ xương khớp cao hơn nhiều so với chụp X-quang truyền thống. Không chỉ phổ biến trên thế giới, chụp cộng hưởng từ xương khớp cũng đã được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.
21/10/2020 | Những sai lầm khi điều trị bệnh về cơ xương khớp ở người cao tuổi 19/10/2020 | Mách bạn cách phòng tránh các bệnh xương khớp hiệu quả 15/10/2020 | Chụp X-quang lưng hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý xương khớp
1. Chụp MRI xương khớp và ý nghĩa
Bệnh cơ xương khớp là một trong những nhóm bệnh lý thường gặp, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chẩn đoán chính xác có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh hiệu quả, không tái phát, cần dựa trên thông tin bệnh sử, khám lâm sàng, xét nghiệm cùng chẩn đoán hình ảnh.
Bệnh cơ xương khớp là một trong những nhóm bệnh lý thường gặp
Trước đây, chẩn đoán hình ảnh bệnh xương khớp thường thực hiện chụp X-quang, tuy nhiên hình ảnh chụp không rõ nét, thường bỏ sót tổn thương và lo ngại về nhiễm xạ tia X nên nhiều người bệnh e dè. Chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, sử dụng từ trường mạnh để tái tạo chính xác hình dạng, cấu trúc hệ cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ xương khớp.
Chụp cộng hưởng từ thể hiện tốt các phần của xương bao gồm: xương, bao khớp, đầu sụn, dây chằng, bao hoạt dịch, gân, cơ. Không chỉ đánh giá được tình trạng xương khớp, ảnh chụp cộng hưởng từ còn thể hiện rõ nét những bất thường phần mềm xung quanh xương khớp, giúp chẩn đoán bệnh chính xác, nhanh chóng và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Hiện nay, chụp cộng hưởng từ xương khớp được ứng dụng phổ biến trên thế giới và Việt Nam để chẩn đoán, lên kế hoạch phẫu thuật cơ xương khớp, nhất là những bệnh nhân bị tổn thương sau chấn thương. Thực tế, các bệnh lý cơ xương khớp chẩn đoán bằng chụp cộng hưởng từ được đánh giá chi tiết hơn, nâng cao hiệu quả điều trị.
Chụp cộng hưởng từ phát hiện được các tổn thương xương khớp nhỏ, dễ bị bỏ sót trên phim chụp X-quang
MRI chỉ ra không ít chấn thương nhỏ hoặc gãy xương không di lệch, trật khớp, đứt dây chằng, tổn thương đụng dập phù nề tủy xương không phát hiện được hoặc dễ bị bỏ sót bằng chẩn đoán hình ảnh thông thường (chụp X-quang và chụp CT).
Trong bệnh u xương, ung thư xương, chụp cộng hưởng từ cho biết thông tin cụ thể về kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn, di căn của khối u.
Chụp cộng hưởng từ khảo sát bất thường tại khớp chủ yếu chỉ định cho các khớp gối, khớp háng, khớp vai,… đều là các vị trí có cấu trúc phức tạp, nhiều thành phần, dễ bị bỏ sót khi chụp CT hay X-quang. Khớp háng thường bị thoái hóa, tổn thương gãy xương, chèn ép dây thần kinh hoặc hoại tử chỏm xương đùi. Khớp gối thường bị tổn thương xương và phần mềm bên trong như sụn chêm, gân cơ, dây chằng,… Tương tự, khớp vai thường vận động nhiều nên dễ bị tổn thương cơ, bao hoạt dịch, sụn viền,…
Với mức độ an toàn cao, không dùng bức xạ ion nên MRI phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân, kể cả bệnh nhân đang phẫu thuật, điều trị bệnh, trẻ em hay người lớn tuổi.
Chụp cộng hưởng từ rất an toàn không gây nhiễm xạ
2. Chụp cộng hưởng từ xương khớp và các vấn đề cần lưu ý
So với chụp X-quang hay chụp CT, chụp cộng hưởng từ an toàn hơn rất nhiều, song vẫn có tỉ lệ rất nhỏ xảy ra dị ứng thuốc đối quang, người bệnh không thể giữ yên tư thế. Để quá trình chụp cộng hưởng từ xương khớp diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, hãy chuẩn bị đầy đủ và lưu ý những vấn đề sau:
2.1. Trước khi chụp cộng hưởng từ
Người bệnh chụp cộng hưởng từ xương khớp tại bệnh viện công cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, còn bệnh viện tư và phòng khám thì không cần. Tuy nhiên khi đi chụp cần mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm cùng các kết quả khám, chẩn đoán trước nếu có, cung cấp thông tin bệnh lý và tiền sử bệnh lý để bác sĩ tham khảo, đưa ra quyết định chụp thích hợp.
Mặc dù chưa có nghiên cứu thuyết phục chỉ ra tác hại của chụp cộng hưởng từ với phụ nữ mang thai song nếu thai nhi nhỏ hơn 3 tháng tuổi, bạn nên cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ. Khác với chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ xương khớp bệnh nhân không cần nhịn ăn.
Các vật dụng kim loại bên người cần được tháo bỏ, thiết bị điện từ như chìa khóa, điện thoại, thẻ ATM cũng cần để ngoài phòng chụp vì có thể ảnh hưởng đến kết quả. Nếu bạn sử dụng thiết bị điện tử cấy ghép trong cơ thể như: van tim nhân tạo, chỏm xương nhân tạo, răng giả, nẹp xương,… thì cần thông báo với bác sĩ.
Từ trường mạnh trong máy chụp MRI có thể ảnh hưởng đến thiết bị y tế trong cơ thể
Khi chụp cộng hưởng từ, bạn được đưa vào lồng máy kín nên với những người mắc chứng sợ không gian hẹp, trẻ em, người mắc bệnh thần kinh sẽ được bác sĩ gây mê hoặc dùng thuốc an thần.
2.2. Lưu ý trong khi chụp cộng hưởng từ
Máy chụp cộng hưởng từ có thể gây khá nhiều tiếng ồn khó chịu, tuy nhiên hãy cố gắng chịu đựng và có thể dùng tai nghe nhạc để thư giãn. Người bệnh nên giữ nguyên tư thế chụp được hướng dẫn, nằm im để hình ảnh rõ nét, không bị mờ đè.
Các trường hợp chụp cộng hưởng từ cần tiêm thuốc đối quang, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ nếu gặp phải bất cứ vấn đề sức khỏe như: chóng mặt, khó thở, buồn nôn, nôn ói,…
2.3. Lưu ý sau khi chụp cộng hưởng từ
Bệnh nhân chụp cộng hưởng từ thông thường có thể ra về ngay và thực hiện công việc hàng ngày, nhưng bệnh nhân dùng thuốc đối quang cần theo dõi tại phòng chờ ít nhất 15 phút để phòng ngừa dị ứng.
Bệnh nhân là phụ nữ đang cho con bú nếu tiêm thuốc đối quang cần ngừng cho trẻ bú mẹ sau đó 24 giờ.
Bệnh nhân nên chọn chụp cộng hưởng từ ở phòng chụp uy tín
Có thể thấy, chụp cộng hưởng từ xương khớp là phương pháp chẩn đoán hình ảnh toàn diện, cho phép phát hiện, đánh giá các chấn thương xương khớp, kể cả các tổn thương nhỏ ở vị trí bị che khuất. Vì thế, kỹ thuật này được đánh giá rất cao trong khám và điều trị bệnh xương khớp.
Bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ nên tìm đến phòng chụp uy tín, thiết bị tốt, hiện đại để có kết quả chính xác, góp phần điều trị bệnh hiệu quả nhất.