Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Chính vì vậy mà các xét nghiệm chẩn đoán nhồi máu cơ tim lại càng đóng vai trò quan trọng. Một trong những xét nghiệm không thể thiếu đó là xét nghiệm Troponin.
06/02/2020 | Xét nghiệm troponin T giúp chẩn đoán các bệnh lý tim mạch 03/08/2019 | Xét nghiệm Troponin T - công cụ đánh giá bệnh nhồi máu cơ tim
1. Tìm hiểu xét nghiệm Troponin là gì?
Troponin là một phức hợp protein quan trọng có vai trò điều hòa sự hoạt động co cơ tim. Troponin được chia thành 3 loại đó là troponin C, troponin I và troponin T. Trong đó troponin T được coi là một dấu ấn quan trọng và đặc hiệu cho các tổn thương cơ tim. Vì vậy bài viết này chủ yếu sẽ đề cập đến xét nghiệm troponin T.
Hình 1: Xét nghiệm đo hàm lượng troponin T.
Khi cơ tim xuất hiện các tổn thương và bị hoại tử, troponin T sẽ được giải phóng vào máu và duy trì cao trong nhiều ngày liên tiếp. Lúc này việc xét nghiệm đo hàm lượng troponin T trong máu cùng với các triệu chứng lâm sàng và một số các kỹ thuật khác sẽ giúp chẩn đoán nhanh chóng nhồi máu cơ tim.
Nếu kết quả troponin T tăng chứng tỏ tế bào tim đang gặp vấn đề bất thường cấp tính. Ngược lại nếu kết quả bình thường cần phải kiểm tra lại sau khoảng 4 - 6 giờ và tiến hành đo 2 lần, nếu giá trị vẫn bình thường chứng tỏ bệnh nhân ít có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim .
Ngoài ra, chỉ số troponin T cũng được ứng dụng trong trường hợp bệnh nhân bị suy thận mạn tính.
2. Xét nghiệm Troponin T được thực hiện trong trường hợp nào?
Hiện nay, các xét nghiệm Troponin T đặc hiệu trong bệnh lý tim mạch thường được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Chẩn đoán các tình trạng bệnh lý liên quan đến mạch vành, đặc biệt là nhồi máu cơ tim.
- Theo dõi tình trạng tiến triển của bệnh đồng thời đánh giá mức độ nặng nhẹ hoặc lâu dài của bệnh lý mạch vành.
- Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ mắc bệnh tim như đau ngực, khó thở, nhịp tim tăng nhanh, rối loạn, cơ thể thường xuyên chóng mặt, mệt mỏi.
- Tiên lượng về tình trạng của các bệnh lý hội chứng mạch vành cấp.
Hình 2: Bệnh nhân có dấu hiệu đau ngực, nhịp tim nhanh.
Troponin T thường tăng cao đột ngột trong khoảng 3 - 4 giờ đầu tiên sau khi bị nhồi máu cơ tim và tăng kéo dài trong khoảng 2 tuần, do đó xét nghiệm troponin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh. Từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng.
3. Giá trị của xét nghiệm troponin có ý nghĩa như thế nào?
Hiện nay xét nghiệm troponin siêu nhạy với nhiều ưu điểm được các bác sĩ khuyến cáo nên sử dụng thay thế cho phương pháp đo troponin cũ. Ưu điểm của kỹ thuật mới này đó là độ nhạy cao, phát hiện dễ dàng đối với các trường hợp nhồi máu cơ tim.Thời gian chỉ với khoảng 3 giờ đồng hồ đã có thể chẩn đoán và loại trừ nhồi máu cơ tim cấp.
Xét nghiệm này hiện nay được đo bằng phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang ECLIA siêu nhạy giúp phát hiện tất cả những tổn thương cơ tim từ nhẹ đến nặng bao gồm loạn nhịp tim, tắc nghẽn phổi, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp,...
Giá trị bình thường của troponin nhỏ hơn 14 ng/L, tuy nhiên giá trị này có thể thay đổi tùy theo từng phòng xét nghiệm. Sự thay đổi tăng hoặc giảm nồng độ troponin sẽ là dấu hiệu phản ánh những tổn thương cơ tim của bạn.
Hình 3: Nồng độ troponin T sẽ phản ánh những tổn thương cơ tim.
Giá trị troponin T sẽ bắt đầu tăng hơn 14 ng/L khi cơ tim bị tổn thương, sau khi cơn đau tim xảy ra thì nồng độ troponin tăng cao đạt đỉnh. Một số trường hợp mà chỉ số này tăng cao như:
- Các rối loạn nhịp tim nhanh.
- Tăng áp lực động mạch phổi.
- Cục máu đông, chất béo hoặc các tế bào khối u gây tắc nghẽn động mạch phổi.
- Bệnh suy tim sung huyết, viêm cơ tim, suy yếu cơ tim, viêm màng ngoài tim.
- Co thắt động mạch vành.
- Những chấn thương xảy ra gây tổn thương cơ tim.
- Vận động gắng sức, luyện tập cường độ cao, kéo dài.
- Bên cạnh đó một số thủ thuật y tế cũng có thể làm tăng troponin như phẫu thuật tim mở, sốc điện tim, khử rung tim, đặt stent,...
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ các bệnh lý mạch vành, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện ngay lập tức xét nghiệm đo hàm lượng troponin T như sau:
- Nếu kết quả xét nghiệm <14 ng/L hoặc tăng 14 - 53 ng/L ở lần đầu tiên, cần phải thực hiện lại lần thứ hai sau 3 - 6 giờ. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp nếu kết quả tăng cao 50% so với ban đầu. Ngược lại nếu kết quả vẫn như cũ chứng tỏ không có nhồi máu cơ tim.
- Nếu kết quả xét nghiệm > 53 ng/L ở lần đầu tiên, vẫn cần phải thực hiện xét nghiệm lần hai sau 3 - 6 giờ. Nếu kết quả tăng hơn 30% so với ban đầu sẽ được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim cấp.
- Ở người cao tuổi, nồng độ troponin T khoảng 86.8 ng/L được coi là giá trị có ý nghĩa để khẳng định nhồi máu cơ tim cấp.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ dựa thêm vào kết quả của một số kỹ thuật khác để chẩn đoán như điện tâm đồ, siêu âm tim, triệu chứng lâm sàng,...
4. Hướng dẫn cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim hữu ích
Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm và có thể gây tử vong nhanh chóng, đột ngột, không kịp kiểm soát. Ngoài việc theo dõi những dấu hiệu bất thường, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa bệnh như sau:
- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, tránh vui chơi và lao động quá mức dẫn đến kiệt sức, không thức khuya.
- Bổ sung năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng, hạn chế đồ ăn nhanh, đóng gói sẵn, đồ dầu mỡ, chiên xào,...
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao hợp lý, vừa với sức khỏe.
- Theo dõi cân nặng đều đặn và duy trì chỉ số BMI dưới 23 kg/m2.
- Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
Hình 4: Người cao tuổi nên rèn luyện thể dục thường xuyên, khoa học để ngăn ngừa bệnh.
Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đang triển khai các xét nghiệm tim mạch rất hiệu quả và chính xác. Bạn đọc có nhu cầu hãy đến để thực hiện xét nghiệm cũng như các dịch vụ y tế khác.
MEDLATEC có đầy đủ các các xét nghiệm, kỹ thuật để phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tim mạch. Nếu có bất cứ dấu hiệu gì nghi ngờ rối loạn tim mạch cần phải kiểm tra ngay lập tức để đảm bảo một trái tim khỏe mạnh và cuộc sống an toàn.