1. Khái niệm
- Pepsinogen là tiền chất của pepsin trong dịch vị được bài tiết bởi các tế bào chính chứa các hạt zymogen. Pepsinogen là dạng không hoạt động, nhưng ngay khi tiếp xúc với HCl, đặt biệt là khi chúng tiếp xúc pepsin đã được tạo ra từ trước công thêm HCl, chúng sẽ có được hoạt hoá để trở thành pepssin.
- Phân tử Pepsinogen có trọng lượng 42500 dal bị tách ra để tạo thành pepsin có TLPT là 35000 dal.
2. Phân vùng bài tiết dịch vị
Các tuyến bài tiết dịch vị được cấu tạo bởi ba loại tế bào, mỗi loại có chức năng riêng.
- Tế bào chính (tế bào thân tuyến) bài tiết men tiêu hóa.
- Tế bào phụ (tế bào cổ tuyến) bài tiết chất nhầy và bicacbonat.
- Tế bào bìa (tế bào viền) bài tiết HCl và yếu tố nội.
Do tỷ lệ phân bố của các loại tế bào ở các vùng khác nhau của dạ dày không đều nhau, nên thành phần dịch vị ở từng vùng cũng không giống nhau. Căn cứ vào đó người ta chia dạ dày ra làm ba vùng (hình 1):
- Vùng I - Vùng hang - môn vị. Các tuyến của vùng này nhiều tế bào phụ, nên tiết ra nhiều chất nhầy, có ít pepsin, còn HCl thì hầu như không có.
- Vùng II - vùng thân vị và đáy vị. ở vùng này không có tế bào phụ, mà chỉ có tế bào chính và tế bào bìa, cho nên dịch tiết không có chất nhầy, chỉ có HCl và pepsin, đặc biệt là vùng bờ cong bé.
- Vùng III-vùng tâm vị, chỉ có tế bào phụ, nên dịch tiết chỉ có chất nhầy và bicacbonat mà không có HCl và pepsin.
Ngoài ra, toàn bộ tế bào niêm mạc bề mặt dạ dày tiết ra chất nhầy hoà tan và không hoà tan.
3. Các nguyên nhân gây ung thư dạ dày
- Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân của đa số các loại ung thư dạ dày, còn các bệnh viêm dạ dày teo màng lót do tự miễn, chuyển sản ruột (intestinal metaplasia) và nguyên nhân di truyền là các yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh. Chế độ ăn uống không được coi là nguyên nhân gây bệnh.
Cụ thể hơn, H. pylori là yếu tố nguy cơ chính ở 65–80% ca ung thư dạ dày, nhưng chỉ có ở 2% số người bị nhiễm vi khuẩn này. Khoảng 10% các ca có liên quan đến yếu tố di truyền.
- Có sự tương quan cao giữa tỉ lệ tử vong do Ung thư dạ dày và tỉ lệ viêm dạ dày teo.
(Kabuto et al., J epidemiology, 3,35,1993).
Từ những năm 1990, các thử nghiệm cho pepsinogen huyết thanh như một dấu hiệu cho viêm dạ dày teo mãn tính đã được sử dụng vào chương trình tầm soát ung thư dạ dày. Việc bổ sung các xét nghiệm huyết thanh cho chương trình tầm soát ung thư đã được chứng minh để cải thiện việc phát hiện tỷ lệ ung thư và thử nghiệm pepsinogen là hữu ích trong việc phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn đầu phát sinh từ teo niêm mạc dạ dày.
4. Giá trị bình thường của pepsinogen I và II.
- Pepsinogen I > 70 ng/ml
- Tỷ lệ Pepsinogen I/II >3.
a. Ứng dụng lâm sàng
- Tầm soát K dạ dày.
- Bệnh nhân viêm loét dạ dày mãn tính.
- Bệnh nhân nhiễm HP (+).
- Bệnh nhân có triệu chứng của dạ dày như:
+ Khó tiêu hoặc chứng ợ chua;
+ Mất ngon miệng, đặc biệt là đối với món thịt;
+ Đau bụng hay cảm thấy khó chịu ở bụng trên;
+ Buồn nôn và nôn mửa;
+ Tiêu chảy hay táo bón;
+ Đầy bụng sau khi ăn;
+ Giảm cân;
+ Yếu và mệt mỏi;
+ Xuất huyết (nôn ra máu hoặc có máu trong phân) màu đen. Có thể dẫn đến thiếu máu.
+ Khó nuốt; có thể là dấu hiệu của u ở vùng tâm vị hoặc sự lan tỏa của u dạ dày lên thực quản.
5. Cách lấy mẫu bệnh phẩm
Xét nghiệm được thực hiện trên hệ thống máy Achitech của Abott.
- Lấy 2ml máu vào ống đỏ (Bệnh phẩm huyết thanh).
- Thời gian trả kết quả sau 2h.
Tài liệu tham khảo
1. PGS. Trịnh Bỉnh Dy, PGS. TS. PhạmThị Minh Đức. 1998. Sinh lý học. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội, trang 332-333.
2. Sasazuki S, Inoue M, Iwasaki M, et al. Effect of Helicobacter pylori infection combined with CagA and pepsinogen status on gastric cancer development among Japanese men and women: a nested case-control study. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev. 2006;15:1341-1347.
3. Watabe H, Mitsushima T, Yamaji Y, et al. Predicting the development of gastric cancer from combining Helicobacter pylori antibodies and serum pepsinogen status: a prospective endoscopic cohort study. Gut. 2005;54:764-768.
4. Watanabe Y, Kurata JH, Mizuno S, et al. Helicobacter pylori infection and gastric cancer. A nested case-control study in a rural area of Japan. Dig Dis Sci. 1997;42:1383-1387.
5. Kabuto et al., J epidemiology, 3,35,1993.