Sắt là một thành phần quan trọng đối với cơ thể con người, lượng sắt trong cơ thể được hấp thu chủ yếu qua thức ăn cung cấp hằng ngày. Trong máu, sắt tồn tại dưới dạng các ion để tham gia hoạt động và một phần được dự trữ dưới dạng Ferritin. Xét nghiệm Ferritin góp phần đánh giá chuyển hóa sắt trong cơ thể.
03/02/2020 | Khi nào cần thực hiện xét nghiệm ferritin để đánh giá sức khỏe? 14/12/2019 | Ý nghĩa xét nghiệm Ferritin trong kiểm tra định lượng sắt trong máu 14/11/2019 | Ý nghĩa xét nghiệm Ferritin - con đường tắt thăm dò sắt trong máu
1. Xét nghiệm Ferritin là gì?
Ferritin là một protein chính giúp dự trữ sắt trong cơ thể, vì vậy định lượng nồng độ Ferritin cung cấp một chỉ dẫn về tổng kho sắt dự trữ có thể được cơ thể đưa ra sử dụng. Xét nghiệm cung cấp một thông tin có giá trị về tình trạng sắt dự trữ hoàn toàn độc lập với sắt huyết thanh. Nồng độ ferritin giảm xuống trước khi xảy ra triệu chứng thiếu máu. Ferritin giảm là đặc trưng của thiếu sắt.
Hình 1: Xét nghiệm Ferritin đánh giá lượng sắt dự trữ trong cơ thể
2. Lợi ích của xét nghiệm Ferritin máu
Xét nghiệm Ferritin có vai trò quan trọng góp phần đánh giá chuyển hóa sắt trong cơ thể.
- Xét nghiệm có vai trò chẩn đoán phân biệt các loại thiếu máu, sẽ có kết quả cao hơn khi được phối hợp cùng xét nghiệm định lượng nồng độ hemoglobin, xác định nồng độ sắt và khả năng gắn sắt toàn phần.
Ví dụ như trong thiếu máu thiếu sắt: ferritin giảm trước khi sắt huyết thanh giảm ở giai đoạn 1; trong giai đoạn 2, sắt huyết thanh giảm xuống và khả năng gắn sắt toàn phần (TIBC) tăng lên; chỉ tới giai đoạn 3 thì nồng độ hemoglobin mới giảm.
- Xét nghiệm có giá trị để sàng lọc các đối tượng được coi là có nguy cơ cao bị thiếu hụt sắt (phụ nữ trẻ tuổi, người ăn chay, người béo phì, trẻ đẻ non,…) do xét nghiệm này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để chẩn đoán tình trạng thiếu sắt ở các bệnh nhân thiếu máu. Trong thiếu sắt Ferritin giảm bắt đầu trở về bình thường muộn nhất sau khi điều trị bổ sung sắt cho bệnh nhân.
Khi giá trị Ferritin máu nhỏ hơn 15 ng/mL cho phép đánh giá tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
Hình 2: Thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng đến sức khỏe con người
- Xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị của các bệnh nhân bị nhiễm thiết huyết tố (hemochromatoses). Đây là một bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường với biểu hiện đặc trưng là tích tụ sắt trong gan, tim, tụy làm gan to, tim to đôi khi có thể tăng sắc tố da.
Ở các bệnh nhân nhiễm thiết huyết tố, giá trị nồng độ ferritin tăng rất cao thường trên 1000 ng/mL, có trường hợp có thể lên tới 10000 ng/mL.
3. Kết quả xét nghiệm Ferritin máu bình thường là bao nhiêu?
Xét nghiệm sử dụng mẫu huyết tương hoặc huyết thanh được tách từ máu tĩnh mạch của bệnh nhân. Các bạn nên nhịn ăn từ 8 - 12 tiếng trước khi lấy máu xét nghiệm.
- Khoảng giá trị tham chiếu: xét nghiệm có khoảng giá trị tham chiếu khác nhau giữa nam và nữ.
+ Nam giới: 30 - 400 ng/mL.
+ Nữ giới: 15 - 150 ng/mL.
- Một số nguyên nhân gây tăng nồng độ Ferritin máu là:
+ Viêm gan cấp.
+ Nhồi máu cơ tim.
+ Thiếu máu không thiếu sắt.
+ Các trường hợp rối loạn phân bố và sử dụng sắt: tổn thương tế bào gan, viêm, khối u,… đều làm nồng độ ferritin tăng.
+ Các bệnh: thalassemia, cường giáp, leucemie, đa hồng cầu tiên phát.
+ Ferritin tăng giả tạo gặp trong trường hợp: thức ăn chứa hàm lượng sắt cao như hải sản, nội tạng động vật, thịt đỏ, socola,… bệnh nhân sau khi truyền máu hay dùng chất phóng xạ để chụp hình; huyết thanh có nồng độ lipid cao.
Hình 3: Phụ nữ mang thai cần chú ý bổ sung sắt cho cơ thể
- Nguyên nhân làm giảm nồng độ ferritin máu là:
+ Phẫu thuật đường tiêu hóa.
+ Lọc máu.
+ Suy dinh dưỡng.
+ Mất máu do kinh nguyệt ở phụ nữ.
+ Phụ nữ có thai.
4. Xét nghiệm Ferritin được thực hiện khi nào?
Xét nghiệm được thực hiện khi bạn có biểu hiện của thiếu máu, thường chỉ định kết hợp với các xét nghiệm khác để bác sĩ đánh giá tình trạng sắt nhằm theo dõi điều trị bệnh.
- Bạn nên thực hiện xét nghiệm khi có các biểu hiện bất thường dưới đây:
-
Đau đầu hoa mắt, chóng mặt.
-
Người mệt mỏi, khó thở, ù tai.
-
Đau ngực, tim đập nhanh.
-
Đau bụng, đau mỏi các khớp.
- Các xét nghiệm thường được kết hợp với xét nghiệm Ferritin để đánh giá bilan sắt trong cơ thể là:
-
Xét nghiệm sắt huyết thanh và transferrin huyết thanh.
-
Độ bão hòa transferrin: là tỷ lệ % transferrin đã được gắn với sắt.
-
Xét nghiệm UIBC (lượng sắt chưa bão hòa huyết thanh, còn có khả năng gắn tiếp lên transferrin) và TIBC (khả năng gắn sắt toàn phần, là tổng lượng sắt có thể gắn tối đa lên transferrin).
-
Transferrin receptor hòa tan: phản ánh nhu cầu sử dụng sắt của tế bào ở mức trung bình.
5. Các biện pháp giúp cân bằng lượng sắt trong cơ thể
Thiếu hay thừa sắt trong cơ thể đều gây nên những tác hại đối với sức khỏe. Để duy trì ổn định lượng sắt trong cơ thể các bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Nếu cơ thể thừa sắt, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn về các biện pháp thải bỏ lượng sắt thừa như tưới rửa ruột, lấy máu tĩnh mạch hay phương pháp chelation nhằm mục đích thải sắt trong máu và loại bỏ lượng sắt dư thừa trong cơ thể.
- Có chế độ ăn uống hợp lý để cân bằng lượng sắt trong cơ thể. Bữa ăn nên có đầy đủ protein và rau xanh giúp bổ sung vitamin. Đa dạng hóa bữa ăn: thay đổi món ăn trong các bữa ăn để cung cấp đầy đủ chất cho cơ thể.
- Những người ăn chay nên bổ sung các loại rau xanh, trái cây giàu sắt như: khoai tây, rau cải chíp, chuối, nho,…
- Phụ nữ có thai nên bổ sung viên sắt đều đặn trong quá trình mang thai kết hợp cùng chế độ ăn khoa học. Nên nuôi con bằng sữa mẹ vì trong sữa mẹ chứa sắt dễ hấp thu.
Hình 4: Đa dạng hóa bữa ăn để cân bằng lượng đủ sắt cho cơ thể
Bài viết trên đã giúp các bạn hiểu hơn về vai trò của xét nghiệm sắt đối với cơ thể. Để biết được tình trạng sắt và các bất thường của cơ thể bạn nên đi xét nghiệm kiểm tra.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã và đang thực hiện các xét nghiệm về đánh giá rối loạn chuyển hóa sắt trong cơ thể. Bệnh viện có sở hữu hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại bậc nhất, chi phí khám chữa bệnh hợp lý, kết quả xét nghiệm tin cậy chính xác. Bạn sẽ hoàn toàn yên tâm khi tới khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Bạn đọc gọi điện đặt lịch khám hay còn những thắc mắc cần giải đáp có thể liên hệ miễn phí theo số 1900565656 để đăng ký khám và được hỗ trợ, giải đáp chi tiết hơn.