Xét nghiệm Amylase là một xét nghiệm khá phổ biến và quan trọng trong các bệnh viêm tụy cấp, viêm tuyến nước bọt và một số các tình trạng sức khỏe khác. Vậy hoạt độ amylase sẽ hỗ trợ chẩn đoán bệnh như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem nhé.
07/01/2020 | Xét nghiệm Amylase giúp phát hiện và chẩn đoán bệnh lý tuyến tụy
1. Xét nghiệm Amylase là gì?
Amylase là một enzym có nguồn gốc từ tụy, các tuyến nước bọt và một phần nhỏ ở gan, vòi trứng, niêm mạc ruột non,... Amylase có vai trò chuyển hóa carbohydrate phức tạp thành các chất đơn giản và dễ hấp thu hơn. Amylase thường được tìm thấy trong máu, nước tiểu, các dịch cơ thể như dịch cổ trướng, dịch màng phổi, nước bọt,...
Xét nghiệm Amylase là xét nghiệm để đo hoạt độ enzyme amylase có trong mẫu máu, nước tiểu, các dịch,... Hàm lượng này của 2 isoenzyme chính: isoenzyme P có nguồn gốc từ tụy và isoenzyme S được tiết ra từ tuyến nước bọt, phổi,...
Hình 1: Amylase là một xét nghiệm có giá trị định hướng chẩn đoán
Trong trường hợp tuyến tụy, tuyến nước bọt bị tổn thương thì amylase sẽ được giải phóng ra nhiều. Khi đó việc đo hoạt độ amylase sẽ giúp đánh giá tình trạng bệnh lý của các cơ quan này.
2. Xét nghiệm Amylase có ý nghĩa như thế nào?
Giá trị bình thường của amylase trong máu là 0 - 100 U/L, trong nước tiểu là khoảng 42 - 320 U/L. Như đã nói amylase có nguồn gốc tiết ra từ tuyến tụy ngoại tiết, tuyến nước bọt. Do vậy khi hoạt độ amylase tăng cao hay giảm thấp cũng sẽ gợi ý đến các tình trạng bệnh lý liên quan.
Tăng hoạt độ amylase thường gặp trong các trường hợp:
Hình 2: Amylase thường tăng rất cao trong bệnh viêm tụy cấp
- Viêm tụy cấp tính hay mạn tính: Trong viêm tụy cấp, amylase huyết thanh thường bắt đầu tăng lên từ 3 - 6 giờ sau khi xảy ra tình trạng viêm, đạt giá trị đỉnh vào khoảng giờ thứ 24 và trở về giá trị bình thường sau đó 2 - 3 ngày. Amylase thường tăng song song đi kèm với lipase.
- Bệnh lý tắc nghẽn ống tụy và ung thư tuyến tụy.
- Các bệnh lý về tuyến nước bọt như : Quai bị, viêm tuyến nước bọt, tắc nghẽn ống dẫn nước bọt,...
- Trong các trường hợp rối loạn tắc nghẽn ruột, thủng ổ loét dạ dày tá tràng,... amylase trong các dịch cơ thể cũng sẽ tăng.
- Người bị ngộ độc rượu cấp tính.
- Các bệnh lý về đường mật như viêm túi mật, sỏi mật.
- Amylase cũng có thể tăng trong các trường hợp sử dụng thuốc như corticosteroid, dexamethasone, furosemid, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid,...
- Người nhiễm toan ceton do đái tháo đường, cường giáp, có thai, chửa ngoài tử cung vỡ,...
Giảm hoạt độ amylase thường gặp trong các trường hợp:
- Các bệnh lý về thận.
- Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật, nhiễm độc thai nghén xét nghiệm cũng sẽ thấy amylase giảm.
- Người bị viêm gan, bỏng nặng,...
- Các thuốc có thể làm giảm amylase như : fluoride, glucose, oxalat,...
Tuy nhiên trong thực tế, hàm lượng amylase tăng cao thường mang nhiều ý nghĩa bệnh lý quan trọng hơn. Đặc biệt là trong chẩn đoán viêm tụy cấp tính và viêm tuyến nước bọt.
Trong bệnh lý viêm tụy cấp, thường bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, mức độ tăng nhanh và không thuyên giảm. Khi đó xét nghiệm hoạt độ amylase và lipase sẽ tăng cao đột biến gấp khoảng 3 lần giá trị bình thường. Điều này rất có giá trị trong việc gợi ý bác sĩ chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị nhanh chóng kịp thời.
3. Xét nghiệm Amylase lấy mẫu bệnh phẩm như thế nào?
Xét nghiệm đo nồng độ amylase thường được thực hiện trên mẫu bệnh phẩm là huyết thanh hoặc huyết tương, bệnh nhân thường được khuyên nên nhịn ăn trước khi tiến hành xét nghiệm. Nên lấy máu vào buổi sáng 2 ml máu chống đông heparin hoặc EDTA.
Quy trình lấy máu thường sẽ phụ thuộc vào tay nghề của điều dưỡng, có thể sẽ thấy vết bầm nhỏ tại vị trí đâm kim. Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng bởi vết bầm này sẽ mất dần sau vài ngày. Hoặc có thể chườm gạc ấm để làm nhanh giảm thâm tím.
Hình 3: Mẫu bệnh phẩm thường là máu hoặc nước tiểu
Ngoài ra xét nghiệm hoạt độ amylase còn có thể được thực hiện với mẫu bệnh phẩm nước tiểu 24h. Quy trình như sau:
- Bạn bắt đầu lấy nước tiểu vào buổi sáng sớm, nên ghi lại thời gian bắt đầu lấy.
- Lấy nước tiểu trong vòng 24h vào một cái bô sạch, có nắp đậy. Tránh để lẫn các tạp chất khác.
- Nước tiểu được bảo quản lạnh và nhanh chóng chuyển về phòng xét nghiệm.
4. Xét nghiệm amylase thường được thực hiện trong trường hợp như thế nào?
Trong các trường hợp sau đây bác sĩ sẽ thường yêu cầu bạn làm xét nghiệm hoạt độ amylase:
- Chẩn đoán phân biệt tình trạng đau bụng do viêm tụy cấp với đau bụng do các nguyên nhân khác.
- Đánh giá hiệu quả điều trị viêm tụy cấp.
- Kiểm tra tình trạng viêm, sưng tuyến nước bọt, Quai bị.
- Đo hoạt độ amylase trong trường hợp nghi ngờ tràn dịch do nguyên nhân tụy.
5. MEDLATEC - nơi thực hiện xét nghiệm Amylase chính xác, nhanh chóng
Hình 4: Thực hiện xét nghiệm Amylase chính xác, tin cậy tại MEDLATEC
Xét nghiệm đo hàm lượng amylase không phải là một xét nghiệm quá khó, thông thường hầu hết các cơ sở y tế đều có thể làm được xét nghiệm này. Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, xét nghiệm amylase và tất cả các xét nghiệm khác đều được thực hiện theo một quy trình chuẩn, đảm bảo chất lượng. Trang thiết bị hiện đại có thể thực hiện hàng nghìn xét nghiệm trong một thời gian ngắn mà vẫn đảm bảo kết quả chính xác.
Bên cạnh đó là đội ngũ các y bác sĩ, chuyên gia hàng đầu từng công tác tại các bệnh viện lớn trong và ngoài nước. Luôn tư vấn, thăm khám nhiệt tình và hỗ trợ mang lại cho khách hàng một sức khỏe tốt và sự an tâm tuyệt đối. Dịch vụ lấy mẫu tận nhà nhanh chóng, tiện lợi sẽ giải quyết những nỗi lo xa xôi, công việc bận rộn và trở ngại thời tiết khó khăn. Chi phí vô cùng nhỏ chỉ với 10.000 đồng/ lần.
Chỉ cần bạn nhấc máy gọi đến tổng đài 1900 565656 của chúng tôi, quý khách sẽ được các tổng đài viên tư vấn miễn phí để lựa chọn dịch vụ phù hợp nhất với mình. Đặc biệt bạn hoàn toàn có thể đặt lịch khám, tra cứu kết quả, hỏi đáp trao đổi với các chuyên gia, cập nhật các thông tin mới nhất thông qua app iCNM, một ứng dụng y tế hiện đại 4.0 đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Giúp quý khách hàng tiện lợi và nhanh chóng hơn khi sử dụng các dịch vụ của chúng tôi.