Phương pháp xạ trị ung thư không còn là kỹ thuật mới mẻ. Xạ trị ung thư thường được áp dụng để thu nhỏ kích thước khối u, ngăn chặn sự lan rộng của tế bào ung thư sang các tổ chức cơ quan khác. Vậy xạ trị ung thư gồm những hình thức nào? Loại ung thư nào cần áp dụng phương pháp này? Tất cả sẽ được giải thích cặn kẽ trong bài viết dưới đây.
01/07/2022 | Xạ trị ung thư phổi sống được bao lâu? Ngoài xạ trị còn có phương pháp nào? 05/11/2020 | Làm sao để bệnh nhân ung thư sống khỏe sau xạ trị? 05/11/2020 | Giúp bạn tìm hiểu về các tác dụng phụ của xạ trị
1. Tổng quan về xạ trị ung thư
Như chúng ta đã biết thì phương pháp xạ trị sẽ giúp điều trị bệnh ung thư, hạn chế sự phát triển và ngăn cản tế bào ung thư quay trở lại. Ngoài ra trong một số trường hợp xạ trị cũng được chỉ định để giảm nhẹ các biểu hiện do ung thư gây nên như chèn ép, đau đớn hoặc chảy máu.
Có thể chia xạ trị thành các loại như sau:
-
Xạ trị bên trong: hay còn gọi là xạ trị áp sát, thực hiện bằng cách sử dụng tia phóng xạ tới gần sát khối u (ví dụ như xạ trị ung thư cổ tử cung, ung thư da) hoặc tia X xuyên qua mô đến tận lõi của khối u (ví dụ như xạ trị ung thư tiền liệt tuyến, ung thư cổ tử cung). Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được cách ly tại khu vực riêng và cần nhiều thời gian điều trị tại viện tránh lây nhiễm phóng xạ cho người khác;
-
Xạ trị chùm tia bên ngoài: phương pháp này hiện được áp dụng khá rộng rãi và phổ biến. Nguồn phát tia phóng xạ sẽ đặt bên ngoài cơ thể người bệnh và phóng tia xạ tới khối u. Chúng có tác dụng trên một vùng lớn của cơ thể, có khả năng điều trị tại nhiều vị trí khác nhau như khối u và cả các hạch bạch huyết lân cận. Xạ trị proton là biện pháp xạ trị ngoài tiên tiến, bằng cách dùng chùm tia proton năng lượng cao triệt tiêu các tế bào ung thư, phương pháp này giúp giảm thiểu nguy cơ làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh;
-
Xạ trị toàn thân: khác với phương pháp trên, xạ trị toàn thân được thực hiện theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch các loại thuốc phóng xạ. Những bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp, ung thư xương là đối tượng phù hợp với biện pháp này. Đặc biệt nếu dùng liều thấp thì bệnh nhân không cần lưu viện để điều trị, tuy nhiên nếu ở liều cao thì cần phải ở lại bệnh viện và cách ly với người khác.
Có 3 hình thức xạ trị ung thư khác nhau được chỉ định cho từng trường hợp cụ thể
Với cơ chế phá hủy cấu trúc ADN của tế bào ung thư, xạ trị sẽ khiến khối u ngừng phân chia, ngừng phát triển và tự đào thải. Phương pháp này không thể khiến các tế bào ung thư biến mất ngay lập tức, vì vậy người bệnh cần phải kiên trì điều trị trong nhiều ngày, thậm chí là vài tuần để xạ trị có đủ thời gian giải quyết khối u. Sau khi hoàn thành đợt xạ trị, tế bào ung thư vẫn tiếp tục chết đi trong thời gian sau đó.
Để lựa chọn hình thức xạ trị phù hợp cần dựa trên những yếu tố sau:
-
Loại ung thư mà bệnh nhân đang mắc;
-
Kích thước và vị trí của khối u;
-
Khoảng cách giữa khối u và các cơ quan gần nó;
-
Tuổi tác và tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh án của bệnh nhân;
-
Các biện pháp chữa trị ung thư khác đang được áp dụng song song.
2. Xạ trị kết hợp là gì?
Trên thực tế việc chữa ung thư cần có sự phối hợp giữa nhiều phương pháp khác nhau nhằm tối ưu hiệu quả điều trị, đảm bảo khối u đã được loại bỏ hoàn toàn, ngăn cản sự tái phát trong tương lai hoặc hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh. Đây được gọi là hình thức điều trị đa mô thức.
Vẫn có những trường hợp bị ung thư chỉ cần ứng dụng một biện pháp đơn độc (thường là ở giai đoạn sớm), việc điều trị thường sẽ ít tốn kém và đơn giản hơn. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân cần có sự kết hợp của nhiều mô thức khác nhau vì thời điểm phát hiện ung thư thường ở các giai đoạn sau, khi khối u ác tính đã có dấu hiệu xâm lấn và lan rộng. Do đó quá trình điều trị sẽ tốn kém thời gian, chi phí và khó khăn hơn rất nhiều.
Xạ trị có thể được áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với những phương pháp điều trị khác
Xạ trị sẽ được kết hợp cùng phẫu thuật vào những thời điểm như sau:
-
Trước phẫu thuật: xạ trị giúp thu nhỏ kích thước khối u để quá trình phẫu thuật diễn ra dễ dàng hơn;
-
Trong phẫu thuật: lúc này xạ trị sẽ được chiếu thẳng vào mô bệnh mà không cần phải xuyên tia xạ qua da, bảo tồn được các tế bào khỏe mạnh khỏi tác dụng phụ của bức xạ;
-
Sau phẫu thuật: xạ trị được dùng để “dọn dẹp" tàn dư còn sót lại của ung thư - những tế bào ung thư vi thể khó quan sát được khi phẫu thuật.
3. Các lưu ý quan trọng khác
Bên cạnh những thông tin về hình thức xạ trị, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số điều sau:
-
Giới hạn liều bức xạ: mỗi khu vực, bộ phận trên cơ thể có giới hạn về định lượng phóng xạ khác nhau. Bệnh nhân cần tuân thủ theo khuyến cáo của bác sĩ và nên dừng liệu trình lại khi đã đạt mức giới hạn đó, không nên điều trị thêm;
-
Tác dụng không mong muốn khi xạ trị: bên cạnh giúp giết chết các tế bào ung thư, tia xạ còn gây ảnh hưởng tới những khu vực lân cận và phụ thuộc vào từng vị trí sẽ gây nên những triệu chứng khó chịu khác nhau cho người bệnh;
-
Chế độ ăn trong quá trình xạ trị: sự tác động của tia xạ có thể khiến bệnh nhân chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, lở loét miệng hay thậm chí là viêm thực quản. Tuy nhiên người bệnh cần phải vận dụng rất nhiều năng lượng để cơ thể phục hồi trong khi xạ trị, do đó bệnh nhân cần chú trọng thực đơn dinh dưỡng trong thời gian này, nhất là phải bổ sung đủ lượng protein và calo giúp duy trì sức khỏe và cân nặng;
-
Chi phí xạ trị: thường khá cao, điều này còn phụ thuộc vào kỹ thuật xạ trị, máy móc được sử dụng là gì, mức độ nghiêm trọng của bệnh và cơ sở điều trị là ở đâu,...;
Trước khi xạ trị bệnh nhân cần được tư vấn về các lưu ý cần thiết
Trên đây là những thông tin liên quan đến phương pháp xạ trị ung thư. Trước khi lựa chọn biện pháp phù hợp với bản thân mình, bạn nên cân nhắc mọi yếu tố liên quan và tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa.