Viêm não Nhật Bản B là một căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Kể từ khi được phát hiện, nó đã làm khoảng 68.000 người mắc bệnh với tỷ lệ tử vong lên đến 30%, khoảng một nửa số trường hợp đã phải chịu nhiều di chứng nặng nề về sau.
04/11/2021 | Viêm não Nhật Bản tiêm khi nào để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất? 11/05/2021 | Nhận biết triệu chứng qua từng giai đoạn của viêm não Nhật Bản 05/05/2020 | Bạn biết gì về virus JEV gây bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ?
1. Thông tin thêm về viêm não Nhật Bản B
Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương cấp do virus thuộc chủng Flavivirus, họ Togaviridae type B gây ra. Các loài động vật như lợn, chim, gia cầm,… mang mầm bệnh chủ yếu, muỗi Culex nếu hút máu động vật mắc bệnh sau đó đốt người sẽ truyền nhiễm căn bệnh này cho người. Đến thời điểm hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh theo đường truyền người sang người.
Bệnh Viêm não Nhật Bản có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng trẻ em là đối tượng chủ yếu mắc bệnh (khoảng 2 - 8 tuổi)
Viêm não Nhật Bản B tiến triển qua 04 giai đoạn như sau:
Thời kỳ ủ bệnh (nung bệnh)
Giai đoạn này kéo dài trong khoảng từ 4 - 14 ngày với một hoặc nhiều triệu chứng không rõ ràng như mệt mỏi, đau đầu, chán ăn,… hoặc không hề có triệu chứng tùy thuộc vào mỗi thể trạng bệnh nhân.
Thời kỳ khởi phát
Các triệu chứng xuất hiện và bộc phát mạnh sốt cao đột ngột (39 - 40 độ C), nôn mửa, đau đầu nặng, đi ngoài phân lỏng. Đi kèm với các dấu hiệu thần kinh nghiêm trọng, có thể đã xuất hiện ngay khi vừa phát bệnh 1 - 2 ngày như tăng phản xạ gân xương, rối loạn ý thức hoặc thậm chí hôn mê.
Thời kỳ toàn phát
Bệnh tiến triển nặng hơn với những hội chứng như sau:
-
Hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc: bệnh nhân sốt cao (39 - 40 độ C) kèm theo biểu hiện môi khô, lưỡi bẩn.
-
Hội chứng não - màng não: người bệnh không tỉnh táo, li bì, hôn mê, có thể xuất hiện biểu hiện nói sảng, co giật. Dấu cứng cổ (+), Kernig (+).
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp một số hội chứng khác với mức độ tiến triển có thể thay đổi hằng ngày như sau:
-
Hội chứng tháp: liệt ½ người hoặc liệt một chi, phản xạ gân xương tăng hoặc giảm, dấu Babinsky (+).
-
Hội chứng ngoại tháp: run rẩy, cứng cơ, dấu múa vờn, dấu bánh xe răng cưa.
-
Liệt dây thần kinh sọ não.
-
Rối loạn thần kinh thực vật: tăng tiết đờm giải, sốt cao, vã mồ hôi, da khi tái khi đỏ, rối loạn hô hấp, mạch nhanh yếu.
Giai đoạn lui bệnh
Nếu bệnh nhân không gặp tình trạng bội nhiễm, thông thường đến tuần thứ 2 kể từ khi mắc bệnh, cơn sốt sẽ lui dần và thân nhiệt trở về trạng thái bình thường cùng với những triệu chứng khác. Người bệnh dần lấy lại ý thức, phản xạ gân xương giảm, gáy mềm,…
Tuy nhiên, đây cũng là lúc xuất hiện những biến chứng và di chứng muộn, thường gặp nhất là viêm phế quản, viêm thận - bể thận, viêm bàng quang, nhiễm trùng do loét, rối loạn giao cảm, hội chứng Parkinson, động kinh,…
Tiên lượng của người mắc Viêm não Nhật Bản B rất xấu, vì vậy việc nâng cao kiến thức về bệnh và cách chăm sóc rất quan trọng
2. Bệnh nhân Viêm não Nhật Bản B cần được chăm sóc thế nào?
Cho đến hiện tại, căn bệnh này vẫn chưa có loại thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu bệnh nhân sẽ được chăm sóc theo hướng làm thuyên giảm các triệu chứng và biến chứng như: chống phù nề não, an thần cắt cơn giật, hạ nhiệt, hồi sức hô hấp và tim mạch, chống bội nhiễm,… theo chỉ định của bác sĩ.
Dinh dưỡng
Sức đề kháng là yếu tố quan trọng nhất để bệnh nhân có thể vượt qua được căn bệnh này. Vì vậy, việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn để giúp chống lại các tác hại của virus gây nên. Nếu bệnh nhân hôn mê thường sẽ được chỉ định nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, còn với những trường hợp khác cần lưu ý một vài điều như sau:
-
Với độ tuổi sơ sinh chưa được ăn dặm: bé sẽ cần được bú mẹ thật nhiều để được cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết. Không nên cố ép bé ăn các loại thực phẩm khác.
-
Với độ tuổi lớn hơn: bệnh nhân chỉ nên ăn những món dạng lỏng, nhẹ và dễ tiêu nhưng vẫn phải đảm bảo những nhóm chất cần thiết. Nên cho bệnh nhân ăn ít và chia thành nhiều bữa để cơ thể dễ hấp thu hơn. Các món ăn cũng cần được chế biến thanh đạm, không sử dụng quá nhiều gia vị và phải được lựa chọn kỹ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nên cho bệnh nhân dùng các món ăn dạng lỏng nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng như súp, cháo, sinh tố,...
Vệ sinh
Người bệnh lúc này hầu như sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người nhà và chắc chắn không thể đảm bảo vệ sinh cá nhân. Đồng thời cũng có nguy cơ mắc các bệnh lý viêm nhiễm (loét ép, viêm đường tiết niệu, viêm phổi,…). Chính vì vậy, người nhà cần phải vệ sinh thật sạch cho người bệnh một cách thật nhẹ nhàng, đặc biệt là ngay khi bị bẩn (lúc bệnh nhân nôn ói, đi ngoài,…). Thay áo quần và ga trải giường, vỏ gối,… mỗi ngày và giặt sạch với xà phòng.
Theo dõi thể trạng
Hãy lưu ý đến tình trạng thân nhiệt, hô hấp, ý thức,… của bệnh nhân thật chặt chẽ, đồng thời báo ngay cho nhân viên y tế khi nhận ra những biểu hiện khác thường: sốt cao, hơi thở nhanh yếu, lay không tỉnh, tay chân lạnh, da tím tái,…
Thuốc
Ghi nhớ kỹ những lời hướng dẫn của bác sĩ để sử dụng thuốc cho bệnh nhân và hỏi lại ngay khi có vấn đề thắc mắc. Không nên tự ý cho bệnh nhân sử dụng thuốc ngoài đơn, thuốc dân gian,… để tránh làm ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.
Hạ nhiệt vật lý
Ngoài việc sử dụng thuốc, bạn có thể giúp bệnh nhân hạ nhiệt bằng cách lau mát bằng nước ấm thật nhiều tại vùng trán và các nếp gấp tự nhiên trên cơ thể (nách, khuỷu tay/chân, bẹn,…). Xin nhấn mạnh là lau mát chứ không phải là chườm nước đá. Khi thân nhiệt tăng cao đột ngột, nếu chườm đá sẽ khiến cho mạch máu vùng ngoại biên co lại đột ngột và gây phản tác dụng.
Việc chăm sóc và theo dõi tình trạng bệnh nhân cần phải kết hợp chặt chẽ với nhân viên y tế để xử trí kịp thời, phòng ngừa sự tiến triển nặng
Để tham khảo về mọi thông tin liên quan về bệnh viêm não Nhật Bản B nói riêng và các vấn đề sức khỏe khác nói chung, hãy liên hệ ngay với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua số điện thoại 1900.56.56.56 để được giải đáp chi tiết và nhận được sự hỗ trợ y tế cần thiết.