Với môi trường âm đạo cân bằng, nấm candida sẽ không gây hại cho sức khỏe vùng kín của chị em. Tuy nhiên, bất cứ lý do gì dẫn đến thay đổi nồng độ pH trong môi trường âm đạo cũng có thể khiến cho loại nấm này nhân lên nhanh chóng và gây ra tình trạng viêm âm đạo.
24/06/2022 | Gợi ý cách chữa viêm phụ khoa tại nhà dành cho chị em phụ nữ 03/01/2022 | Nữ giới bị viêm âm đạo dùng thuốc gì là tốt nhất? 29/12/2021 | Siêu âm đầu dò âm đạo - những điều cần biết 14/11/2020 | Top 7 dấu hiệu viêm phụ khoa mà bạn nên biết
1. Những trường hợp nào dễ bị viêm âm đạo do nấm?
Bệnh viêm âm đạo do nấm có thể xảy ra ở mọi đối tượng phụ nữ. Tuy nhiên, những đối tượng sau sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Phụ nữ sử dụng thuốc kháng sinh: Ngoài việc tiêu diệt những vi khuẩn gây hại, các loại thuốc kháng sinh còn có thể tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi trong âm đạo. Điều này dẫn đến mất cân bằng môi trường vùng kín và từ đó tạo điều kiện cho nấm phát triển và gây viêm nhiễm.
Viêm âm đạo có thể do nhiều nguyên nhân gây ra
- Trường hợp tăng nồng độ estrogen: Khi có nồng độ estrogen tăng cao, chị em sẽ có nguy cơ cao bị viêm nhiễm âm đạo. Nồng độ estrogen tăng thường gặp ở phụ nữ có thai, những đối tượng đang điều trị bằng liệu pháp thay thế nội tiết tố, trường hợp sử dụng thuốc tránh thai estrogen liều cao,…
- Người bị suy giảm miễn dịch: Một số nguyên nhân như các trường hợp dùng thuốc corticosteroid, người nhiễm HIV thường phải đối mặt với tình trạng suy giảm hệ miễn dịch và đồng thời có nguy cơ bị viêm nhiễm âm đạo do nấm cao hơn những đối tượng khác.
- Phụ nữ bị tiểu đường: Khi lượng glucose trong máu người bệnh tăng cao sẽ khiến cho dịch tiết âm đạo cũng có nguy cơ chứa nhiều glucose hơn. Chính lượng glucose dư thừa này sẽ khiến cho những tế bào nấm men có điều kiện sinh sôi, phát triển và từ đó gây bệnh nấm âm đạo.
Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường cũng chính là một trong những nguyên nhân làm suy giảm hệ miễn dịch và khiến cho bệnh nhân có nguy cơ cao mắc phải nhiều căn bệnh khác.
- Những trường hợp điều trị ung thư: Đối với những trường hợp bị ung thư và đang trong quá trình điều trị bằng phương pháp hóa trị hay xạ trị có thể làm giảm bớt số lượng bạch cầu. Trong khi đó, những tế bào bạch cầu lại là những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát nấm men trong vùng âm đạo. Chính vì thế, những bệnh nhân đang điều trị ung thư thường có nguy cơ cao bị viêm nhiễm âm đạo.
Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị ung thư cũng có thể khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể bị mất cân bằng và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
2. Những triệu chứng của bệnh viêm âm đạo do nấm
Viêm âm đạo có thể gây ra những triệu chứng khá rõ ràng, khiến phụ nữ mất tự tin và gặp phải nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến của bệnh:
Ngứa rát là một biểu hiện của bệnh viêm nhiễm âm đạo
- Ngứa rát: Đây là biểu hiện phổ biến nhất. Khi bị viêm nhiễm âm đạo do nấm, người bệnh không chỉ bị ngứa trong âm đạo mà còn bị ngứa xung quanh âm đạo. Đôi khi xuất hiện những cơn ngứa dữ dội. Khi sắp đến ngày “đèn đỏ”, những cơn ngứa thường có xu hướng nghiêm trọng hơn. Kèm theo đó, bệnh nhân còn có cảm giác nóng ran ở vùng âm hộ và âm đạo.
- Đau khi quan hệ tình dục: Sau khi quan hệ tình dục, bệnh nhân có cảm giác ngứa nhiều hơn và kèm theo đó là đau, sưng tấy hay nổi mẩn đỏ ở vùng âm hộ.
- Dịch tiết âm đạo bất thường: Thay vì có màu trắng trong, màu sắc dịch âm đạo của các trường hợp viêm âm đạo sẽ có màu trắng đục hay màu xanh, có bọt, hay dính thành từng mảng, kèm theo đó là mùi hôi và tanh rất khó chịu.
- Ngoài ra các trường hợp bị viêm âm đạo còn gặp phải triệu chứng đau khi đi tiểu, tiểu khó, tiểu buốt.
Nếu thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng như trên, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Không nên ủ bệnh lâu ngày để tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cũng nên tuân thủ theo đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra, tái khám theo đúng lịch hẹn để được theo dõi và kiểm tra tình trạng bệnh. Tuyệt đối không được bỏ thuốc giữa chừng, cần điều trị dứt điểm để tránh nguy cơ tái nhiễm. Nếu tái nhiễm bệnh, những lần điều trị tiếp theo sẽ rất khó khăn.
Hơn nữa, những trường hợp bị viêm âm đạo rất dễ lây bệnh cho bạn tình. Chính vì thế, khi điều trị, cần phải điều trị cho cả hai vợ chồng. Khi đang điều trị, bệnh nhân cũng không nên quan hệ tình dục để tránh khiến cho âm đạo bị kích ứng và rút ngắn thời gian điều trị. Tốt nhất hãy kiêng quan hệ tình dục đến khi bệnh khỏi hẳn.
3. Phải làm sao để phòng ngừa viêm âm đạo?
Để phòng ngừa bệnh viêm âm đạo, chị em cần lưu ý những điều sau:
- Đảm bảo vệ sinh vùng kín đúng cách và sạch sẽ, không nên thụt rửa âm đạo để tránh làm mất cân bằng môi trường âm đạo. Khi lau vùng kín, chị em nên lau từ trước ra sau để tránh cho vi khuẩn từ hậu môn có điều kiện thuận lợi để xâm nhập vùng âm đạo và làm mất cân bằng môi trường âm đạo.
Cần vệ sinh vùng kín sạch và đúng cách
- Luôn giữ cho vùng âm đạo được thoáng và khô ráo bằng cách thường xuyên thay quần lót, lựa chọn những loại quần lót có chất liệu cotton có khả năng thấm hút tốt. Đặc biệt, không nên mặc quần lót quá chật hoặc các bộ đồ quá bó sát.
- Không nên tắm nước quá nóng và ngâm mình trong bồn nước nóng.
- Chị em không nên lạm dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ. Không nên lựa chọn những sản phẩm có mùi thơm và có tính sát khuẩn mạnh.
Nên đi khám ngay nếu vùng kín có biểu hiện bất thường
- Bên cạnh đó, chị em cần giữ cân nặng ở mức vừa phải và quan hệ tình dục lành mạnh để phòng ngừa viêm âm đạo và nhiều căn bệnh khác.
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm âm đạo. Nếu bạn còn thắc mắc về căn bệnh này hoặc có nhu cầu đặt lịch khám với các chuyên gia đầu ngành, hãy liên hệ đến Tổng đài 1900 56 56 56 để được các tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn cho bạn.