Viêm tụy cấp thể nhẹ thường xảy ra từ 5-7 ngày và thường tự khỏi, không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu bị viêm tụy dạng xuất huyết, thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.
Ngay trong đêm 15/6 vừa qua, anh Nguyễn Trung Dân, 55 tuổi ở đường Dương Quảng Hàm, P.5, quận Gò Vấp, Tp.HCM nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, nôn và sốt cao, bụng phình to khó chịu. Kết quả các xét nghiệm cho thấy, men tụy của anh cao gấp 40 lần người bình thường nên các bác sĩ chẩn đoán viêm tụy cấp hoại tử.
BS. Nguyễn Bạch Đằng, Học viện Quân y 103 Hà Nội cho biết: Viêm tụy cấp là một bệnh lý nguy hiểm, dạng cấp tính. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, chủ yếu ở độ tuổi 30-60. Bệnh thường biểu hiện ra bên ngoài như đau âm ỉ ở vùng thượng vị, cơn đau có thể thoáng qua hoặc có lúc dữ dội kéo dài. Những cơn đau do viêm tụy cấp khá nguy hiểm, bởi nó tác động lên những cơ quan duy trì chức năng sống như gan, thận nên khả năng gây tử vong khá cao nếu chúng ta không xử lý kịp thời.
Đọc bệnh cùng chuyên gia
Nguyên nhân gây viêm tuỵ cấp thường do sỏi mật, hoặc uống quá nhiều rượu. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như: Sau phẫu thuật, chấn thương, nhiễm khuẩn ở vùng bụng và do dùng thuốc lâu ngày (những thuốc như thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, thuốc ngừa thai).
Viêm tuỵ cấp thường khởi đầu bằng đau ở vùng bụng thượng vị, có thể lan ra sau lưng và những vị trí khác. Cơn đau có thể xảy ra đột ngột, sau đó tăng dần sau khi ăn. Một số bệnh nhân viêm tuỵ cấp cảm thấy cơ thể rất mệt mỏi, bụng chướng và tức, buồn nôn, sốt, mạch đập nhanh. Trong các trường hợp nặng, có thể bị mất nước và tụt huyết áp, suy tim, suy hô hấp, suy thận.
Biến chứng khôn lường
Viêm tụy cấp có thể gây các biến chứng nặng nề trên các cơ quan khác như gan, thận, tim mạch cụ thể:
Ở phổi: Viêm tụy cấp gây tràn dịch màng phổi nhất là đáy phổi trái, xẹp phổi hoặc viêm đáy phổi. Biến chứng nặng nhất về hô hấp là hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn. Ngoài ra, nếu bị viêm tụy cấp xuất huyết hoại tử, người bệnh cũng dễ bị hội chứng đông máu động mạch.
Ở hệ tiêu hóa: Viêm tụy cấp sẽ gây rối loạn tiêu hoá, thường biểu hiện qua loét dạ dày, tá tràng, tiêu chảy, buồn nôn.
Ở hệ tim mạch: Viêm tụy cấp sẽ làm giảm huyết áp, trụy tim, mạch đập nhanh.
Ở thận: Viêm tụy cấp sẽ làm suy thận, giảm thể tích tuần hoàn máu, kèm theo urê trong huyết cao dẫn tới tử vong.
Cấp cứu cơn viêm tụy cấp tại nhà
Cũng theo khuyến cáo của BS. Nguyễn Bạch Đằng thì trước một bệnh nhân bị viêm tụy cấp, chúng ta phải xử lý vô cùng khẩn trương và cấp bách. Nên thực hiện theo những hướng dẫn dưới đây:
- Khi bệnh nhân nôn, hãy để cho bệnh nhân nôn sạch. Không nên giữ ngực, giữ cổ để chống lại. Bởi nôn trong trường hợp này có tác dụng làm giảm tải bớt áp lực dạ dày, giúp bệnh nhân giảm đau. Ngoài ra, nó còn làm giảm lượng thức ăn trong dạ dày, tá tràng, giảm sự kích thích sản sinh thêm men tụy trong cơn đau.- Đặt bệnh nhân nằm ở trên giường theo tư thế đầu ngang, không đặt trong tư thế đầu cao hơn thân người vì trong trường hợp huyết áp tụt thấp, não sẽ không đủ máu có thể dẫn đến hôn mê.
- Tuyệt đối không cho người bệnh ăn bất cứ thứ gì hay uống bất cứ thứ gì. Kể cả đó là nước đường, nước sữa hay uống thuốc. Chỉ cần một chút thức ăn, một ngụm sữa sẽ làm cho bệnh tình ngay tức khắc trầm trọng hơn. Nên nhớ, thức ăn chính là tác nhân kích thích tụy tiết ra enzym mạnh. Trong tình huống này, men tụy đang quá cao, thì việc ăn sẽ giống như “đổ thêm dầu vào lửa”. Nhịn ăn, nhịn uống là biện pháp tốt nhất trong trường hợp lên cơn viêm tụy cấp đột ngột.
- Không xoa bụng, đè tay lên bụng hay đặt bất cứ vật gì trên bụng bệnh nhân để tránh kích thích vào tụy gây xuất huyết tụy, nguy cơ tử vong sẽ cao hơn. Hãy để cho người bệnh tự tìm thấy tư thế giảm đau để giảm thiểu tác động tiêu cực tới hệ tim mạch. Việc tác động lên thành bụng dù nhẹ cũng đủ để gây ra kích thích tại vùng tổn thương.
- Cuối cùng, đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
Chú ý: Sau khi qua cơn nguy hiểm, người bệnh viêm tuyến tụy cấp tính nên có chế độ ăn chia thành nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa một ít, ăn thức ăn mềm, hạn chế ăn mỡ.
Một số bài thuốc chữa viêm tụy cấp
Bài 1: Đậu xanh 150g, ý dĩ 50g, thêm nước vừa đủ, nấu canh uống nhạt, mỗi giờ 50ml dùng mỗ ngày, có công dụng giải nhiệt, giải độc thông ẩm sẽ giảm được cơn viêm tụy tái phát.
Bài 2: Mướp già 1.500g, rửa sạch giã lấy nước uống, mỗi giờ 50ml, cả ngày đêm, dùng cho người viêm tuyến tụy phát cơn cấp tính.
Bài 3: Khoai môn 250g, rửa sạch, giã sống lấy nước, dùng nước sôi ngâm nóng, mỗi lần uống 50ml, số lần dựa theo tình trạng bệnh mà xác định. Hoặc khoai môn thêm nước đun nhạt, uống cũng được, dùng cho người bệnh viêm tuyến tụy cấp hoặc mạn tính. Uống mỗi ngày bệnh sẽ thuyên giảm đáng kể.
Bài 4: Dầu vừng 500g, đun nóng trong nồi (không để bốc khói), uống mỗi lần 10 ml. Nếu có thể cùng ăn với tụy lợn thì hiệu quả chữa trị càng tốt, dùng cho người viêm tụy cấp tính và mạn tính có tác dụng giải độc tiêu mủ.
Bài 5: Tụy lợn 500g, rửa sạch, thêm muối vừa đủ, hành, gừng, gia vị và chút nước, cho hấp cách thủy, chia bữa, lượng ít, nhiều bữa, dùng cho người viêm tuyến tụy, có công dụng làm mát và sạch bẩn ở tụy.
Nguồn: khoe360.tienphong.vn