Tuyến yên là một tuyến nội tiết nhỏ nằm ở đáy não, có vai trò sản sinh nhiều hormone tham gia vào các chức năng quan trọng của cơ thể như: tăng trưởng, sinh sản, huyết áp. Sự hình thành khối u tuyến yên bất thường có thể gây chèn ép các phần não xung quanh và gây mất cân bằng nội tiết tố cơ thể. Đa phần u tuyến yên là lành tính, song vẫn cần theo dõi và xem xét điều trị nếu cần thiết.
24/05/2021 | Chẩn đoán ung thư tuyến yên bằng những phương pháp nào? 06/05/2021 | Cẩm nang thông tin y khoa về ung thư tuyến yên 02/02/2021 | Tuyến yên nằm ở đâu và đảm nhận chức năng gì đối với cơ thể?
1. U tuyến yên là bệnh gì?
U tuyến yên là sự hình thành khối u do các tế bào tuyến yên phát triển bất thường, gây ảnh hưởng đến chức năng sản xuất và điều hòa cân bằng các hormone trong cơ thể. U tuyến yên có thể gây tăng sản sinh hoặc giảm sản sinh các hormone tham gia vào quá trình hoạt động của cơ thể, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Tuyến yên là một tuyến nội tiết rất nhỏ nằm trong não
Hầu hết u tuyến yên là lành tính, chỉ tăng về kích thước mà không xâm lấn lây lan đến các khu vực hay cơ quan khác. Thực tế cứ khoảng 10 người trưởng thành thì 1 người bị u tuyến yên, song u nhỏ và lành tính sẽ không gây ảnh hưởng gì, vì thế cũng không gây xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Những bệnh nhân này cũng không cần thiết phải điều trị, song vẫn phải theo dõi để phòng ngừa biến chứng.
2. Ảnh hưởng của u tuyến yên tới sức khỏe
Tuyến yên có vai trò chính là sản xuất hormone nội tiết tố, tham gia vào nhiều quá trình sống của cơ thể. Vì thế, u tuyến yên sẽ ảnh hưởng đến chức năng này, gây ra các vấn đề sau:
2.1. U tuyến yên gây rối loạn nội tiết
Hoạt động của các cơ quan trong cơ thể có bình thường hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò của hormone. U tuyến yên khiến hoạt động sản xuất hormone của cơ quan này bị rối loạn, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe như:
Tăng tiết prolactin
Đây là nội tiết tố có vai trò quan trọng trong chức năng sinh sản của phụ nữ, sự tăng tiết prolactin trong bệnh u tuyến yên có thể gây các tình trạng sau: rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh, mất kinh nguyệt, vô sinh, tiết sữa ở vú dù không mang thai hoặc không có kinh,…
U tuyến yên gây tăng sản sinh prolactin, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở phụ nữ
Thực tế rất nhiều phụ nữ vô sinh, hiếm muộn điều trị nhiều năm nhưng không tìm ra nguyên nhân do u tuyến yên, khiến họ mất đi cơ hội làm mẹ. Với nam giới, sự tăng tiết prolactin gây ảnh hưởng nhẹ hơn, thường làm giảm ham muốn tình dục, mất hoặc giảm cương cứng, tình trạng bất lực,…
Tăng tiết Growth Hormone
Đây là hormone tăng trưởng quan trọng mà tuyến yên sản xuất cho cơ thể. Khi mắc bệnh u tuyến yên, hormone này được sản xuất nhiều hơn gây ra nhiều rối loạn phát triển như: trán dô, mặt to, đầu chi to, cằm rộng, bàn chân và ngón chân to, da thô, môi dày,… Tất cả những đặc điểm tăng trưởng bất thường này khiến khuôn mặt và cơ thể người bệnh rất đặc biệt.
Thông thường chỉ cần quan sát khuôn mặt có thể chẩn đoán bất thường này do tăng tiết hormone tăng trưởng.
Tăng tiết ACTH
Đây là nhóm hormone mà tuyến yên sản xuất bao gồm Adeno, Cortisol và Trophic hormone, tất cả gây ra hội chứng Cushing. Người mắc hội chứng này thường xuất hiện các tình trạng sau: tăng cân, cơ nhão, bụng to, tay chân nhỏ, xuất hiện vết rạn da ở đùi, tay, bụng,…
Giảm tiết các hormone khác
Tình trạng suy tuyến yên xảy ra khi u tuyến yên phát triển lớn, chèn ép lên các tế bào tuyến yên lành tính, gây ra các tình trạng như: vô sinh, bất lực, rụng lông, da khô, mệt mỏi, chậm phát triển, chậm dậy thì, ăn không ngon miệng,…
U tuyến yên có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác
Nguy hiểm hơn nếu u tuyến yên chảy máu, triệu chứng suy tuyến yên cấp tính xuất hiện nhanh, gây đau đầu dữ dội, nhìn mờ,… Bệnh nhân cần được cấp cứu sớm tránh chảy máu nguy hiểm đến các khu vực thần kinh khác.
2.2. U tuyến yên gây rối loạn thị giác
Vị trí tuyến yên nằm ở ngay hố yên, phía dưới gần với khu vực thị giác, cụ thể là 2 dây thần kinh thị giác bắt chéo. Vì thế nếu kích thước u tuyến yên lớn, chúng có thể gây chèn ép những dây thần kinh thị giác này, gây ra các rối loạn trong chức năng nhìn như:
Ngoài ra, u tuyến yên cũng có thể xâm lấn sang bên, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như: nhìn đôi, lác mắt, tê bì mặt, chèn ép dây thần kinh III, IV, V,…
2.3. U tuyến yên gây tăng áp lực nội sọ
Kích thước tuyến yên tăng lên bất thường do u không chỉ chèn ép các mạch máu, khu vực xung quanh mà còn gây tăng chung áp lực nội sọ. Triệu chứng xảy ra rất điển hình bao gồm: giảm ý thức, tăng huyết áp, buồn nôn, đau đầu, thở nông, thậm chí hôn mê sâu,…
Nếu không được phát hiện và xử lý, tăng áp lực nội sọ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: hôn mê kéo dài, tổn thương não vĩnh viễn,… thậm chí khiến bệnh nhân tử vong.
Tăng áp lực nội sọ do u tuyến yên có thể gây hôn mê kéo dài
3. Làm gì để phòng ngừa u tuyến yên?
U tuyến yên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, việc hạn chế yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được bệnh, đó là các biện pháp chăm sóc sức khỏe, thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý,…
-
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Đủ hàm lượng các nhóm chất quan trọng, ưu tiên ăn nhiều rau củ quả tươi để bổ sung Vitamin và chất chống oxy hóa.
-
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối, thức ăn nhanh hoặc thức ăn chế biến nhiều dầu mỡ.
-
Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá,…
-
Ngủ đủ giấc.
-
Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế stress ảnh hưởng đến tinh thần và chức năng não bộ.
-
Thực hiện chế độ luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
-
Khám sức khỏe định kỳ, không chủ quan với những dấu hiệu bất thường của bệnh.
Lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa hiệu quả các vấn đề sức khỏe
Nếu bạn xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy sớm đến bệnh viện để kiểm tra. Dựa trên kích thước, vị trí và ảnh hưởng của khối u mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.