Theo dõi, phát hiện, chẩn đoán những vấn đề bất thường tại cột sống một cách chính xác là lợi thế mà chụp cộng hưởng từ cột sống sở hữu. Phương pháp này ưu tiên thực hiện cho những ai, quy trình thực hiện thế nào, có tốt hay gây nguy hại gì không... tất cả sẽ có lời giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Chụp cộng hưởng từ cột sống là gì?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống là kỹ thuật chụp đưa cơ thể vào vùng từ trường mạnh để đồng hóa chiều chuyển động của các nguyên tử Hydro trong các phân tử nước của cơ thể. Từ đây 1 ăng ten thu phát sóng radio tần số thấp sẽ bắt được tín hiệu và truyền về trung tâm máy tính xử lý tín hiệu số sau đó truyền về máy tính điều khiển để tạo ra hình ảnh về cấu trúc cột sống.
Phương pháp chụp cộng từ cột sống chẩn đoán hình ảnh không sử dụng tia X. Đặc biệt, hình ảnh thu được sau khi chụp có độ chính xác cao và chi tiết. Mọi hình thái, cấu trúc hay tổn thương phần mềm đều có thể nhìn thấy qua MRI. Thêm vào đó, tổn thương ở dây chằng, mô mềm hay đĩa đệm và các dây thần kinh đều được máy thu lại một cách rõ nét. Do đó, đây được xem là kĩ thuật phục vụ rất tốt trong chẩn đoán các bệnh lý cột sống.
MRI cột sống là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất hiện nay
2. Chụp cộng hưởng từ cột sống chỉ định cho trường hợp nào?
Ngay khi có những dấu hiệu sau, bạn nên nghĩ đến việc gặp bác sĩ xương khớp để được tư vấn về phương pháp MRI cột sống:
- Thường xuyên tê và ngứa ran ở 4 chi;
- Đau nhức mỏi lưng kéo dài sau khi mang vác vật nặng hoặc không rõ nguyên nhân;
- Tiền sử với bệnh ung thư hoặc mất kiểm soát ruột, mất kiểm soát bàng quang.
Những dấu hiệu này cảnh báo vấn đề ở cột sống và thường dễ rơi vào các trường hợp được chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống đó là:
- Đánh giá rễ thần kinh hoặc bệnh lý chèn ép tủy sống do thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống;
- Đánh giá bất thường giải phẫu hoặc bệnh lý bẩm sinh có liên quan đến cột sống;
- Chẩn đoán bệnh lý bên trong ống sống;
- Chẩn đoán bệnh lý tủy sống: viêm tủy, u tủy, chất trắng tủy;
- Chẩn đoán một số vấn đề khác như: di căn xương sống giai đoạn sớm, u cột sống.
Phát hiện thoát vị đĩa đệm qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ cột sống
3. Những thông tin biết được qua chụp cộng hưởng từ cột sống
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cột sống sẽ cung cấp những thông tin sau:
- Mức độ thoái hóa đĩa đệm
Hình ảnh trên phim cộng hưởng từ có thể cho thấy nhân nhầy đĩa đệm bị thoái hóa mất nước hoặc có thể thấy hình ảnh đĩa đệm thoát vị khỏi vị trí bình thường.
- Mối liên quan giữa dây chằng dọc sau với nhân nhầy đĩa đệm
Thông qua ảnh chụp thấy được thoát vị dưới dây chằng hoặc thoát vị đã xuyên rách dây chằng dọc sau.
- Tình trạng đĩa đệm thoát vị
Nhìn thấy có mảnh rời đĩa đệm di trú tự do trong cột sống không, thoát vị còn hay không còn chứa nhân nhầy đĩa đệm.
- Vị trí và các tầng thoát vị
Nhận biết được thoát vị nhiều hay chỉ 1 đĩa đệm (đa tầng hay một tầng), thoát vị cách tầng hay nhiều đĩa đệm liền kề.
- Hướng đĩa đệm thoát vị
Nhận thấy đĩa đệm thoát vị hướng ra sau hay ra trước hay thoát vị vào phần xốp của thân đốt sống.
- Bị trượt đốt sống hay không
Phát hiện nang rễ thần kinh ở thắt lưng cùng, trượt đốt sống có hở eo hay trượt do thoái hóa.
- Vấn đề tủy sống
Hình ảnh trên phim cộng hưởng từ sẽ cho thấy có tổn thương ở tủy sống hay không, có bị phù hay bị chèn ép gì không.
Ngoài ra, thông qua hình ảnh chụp MRI cột sống cũng có thể nhận thấy được có hay không tình trạng hẹp ống sống theo chiều trước sau, cột sống có thoái hóa tạo thành gai xương thân đốt sống hay không...
4. Chụp cộng hưởng từ cột sống có gây nguy hại gì không?
Khá nhiều người lăn tăn khi chụp cộng hưởng từ cột sống vì sợ ảnh hưởng của tia xạ hoặc kĩ thuật xâm lấn như một số phương pháp khác. Điều này là hoàn toàn sai lầm vì MRI không chịu sự tác động của bất kỳ tia xạ nào, không tác động vào cơ thể nên tương đối an toàn. Những ưu điểm của phương pháp này có thể kể ra như:
- Không gây ảnh hưởng về mặt sinh học và không bị bức xạ;
- Không có tác dụng phụ cho sức khỏe;
- Thu được hình ảnh đa chiều: ngang, phẳng, nghiêng,... đều rõ và chi tiết;
- Kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn;
- Phân giải mô mềm cao.
Cộng hưởng từ không tốt cho các thiết bị bằng kim loại bên trong cơ thể. Vì thế những trường hợp sau không nên thực hiện phương pháp này: người có mang các thiết bị điện tử bên trong cơ thể, có sử dụng kẹp phẫu thuật bằng kim loại, cần có thiết bị hồi sức mang theo ví dụ như bình oxy, ống thở...
Cảnh báo vấn đề về cột sống
Máy chụp MRI cột sống hiện đại tại MEDLATEC
Thực tế cho thấy hiện nay bệnh thoái hóa cột sống đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó phổ biến nhất là do ngồi nhiều, ít tập thể dục... Mặt khác, rất nhiều người ngay cả khi cơ thể có những biểu hiện lạ vẫn chủ quan cho rằng đây chỉ là hiện tượng đau lưng bình thường, mãi đến khi khả năng vận động bị ảnh hưởng họ mới chụp MRI và phát hiện vấn đề về cột sống.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng" mà hãy chú ý ngay những biểu hiện bất thường về cột sống được chúng tôi chia sẻ phía trên. Khi thấy cơ thể có những biểu hiện như vậy, đừng tự tham khảo google hay kinh nghiệm của người khác chia sẻ, đừng tự phán đoán bệnh rồi tìm cách chữa trị bằng mọi nguồn. Tốt nhất những lúc này, bạn hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và được tư vấn có nên chụp MRI cột sống hay không. Nhiều khi chỉ bằng một hành động nhỏ là chụp cộng hưởng từ cột sống thôi mà bạn đã phát hiện sớm và chữa trị kịp thời những chấn thương tại đây, bảo vệ tốt cho sức khỏe của chính mình.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong số ít cơ sở y tế tư nhân tại Hà Nội được trang bị máy chụp cộng hưởng từ 1.5T của Mỹ với chất lượng hình ảnh vượt trội. Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện bất thường về cột sống, bạn có thể đến đây chụp cộng hưởng từ cột sống để được bác sĩ chuyên khoa nhiều năm kinh nghiệm với trình độ chuyên môn giỏi đánh giá, tư vấn hướng điều trị hiệu quả (nếu cần).