Gan là cơ quan giữ vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vì thế, nếu như gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng con người. Vậy, triệu chứng bệnh gan là gì? Dưới đây là top 10 dấu hiệu điển hình chứng tỏ gan của bạn đang cần được thăm khám sớm.
31/10/2020 | Ung thư gan - Tổng quan những thông tin cần biết 31/10/2020 | Tổng hợp các phương pháp chữa bệnh ung thư gan 14/09/2020 | Bệnh gan nhiễm mỡ điều trị và phòng ngừa hiệu quả như thế nào?
1. Cơ thể mệt mỏi
Khi mắc bệnh, khả năng lọc và chuyển hóa các chất độc ở gan sẽ bị suy yếu. Vì vậy, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi. Tình trạng này gần giống với mệt mỏi thông thường, nên người bệnh dễ bị nhầm lẫn và hay chủ quan.
Để khắc phục tình trạng mệt mỏi, người bệnh nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, giảm áp lực từ công việc và sống tích cực. Nếu vẫn không thuyên giảm, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân.
Gan bị suy yếu khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi
2. Chán ăn, khó tiêu
Trong quá trình tiêu hóa, gan có chức năng tiết dịch mật hỗ trợ ruột tiêu hóa thức ăn. Để cung cấp dinh dưỡng đi nuôi cơ thể, phần thức ăn đã tiêu hóa sẽ được cơ quan này chuyển hóa thêm lần nữa.
Do đó khi gan bị bệnh, các hoạt động tiêu hóa sẽ suy giảm dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Người bệnh chán ăn, ăn không ngon. Nhiều trường hợp khác còn xuất hiện tình trạng buồn nôn hoặc tiêu chảy kéo dài.
Tuy nhiên, tình trạng khó tiêu còn có thể do thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ. Người bị bệnh dạ dày cũng có biểu hiện buồn nôn. Vì vậy, để xác định đúng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, việc đầu tiên mà người bệnh nên làm là nhanh chóng tìm gặp bác sĩ.
3. Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ, ngủ nhiều vào ban ngày, hay thức dậy vào lúc nửa đêm và khó ngủ lại được là triệu chứng bệnh gan. Các nhà khoa học cho rằng, mất ngủ cũng là dấu hiệu ban đầu của bệnh (Theo nghiên cứu được đăng tải tại thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ năm 2016). Không chỉ vậy, nếu chất lượng giấc ngủ không được cải thiện, trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và công việc.
Rối loạn giấc ngủ, ngủ nhiều vào ban ngày, hay thức dậy vào lúc nửa đêm và khó ngủ lại được là triệu chứng bệnh gan
4. Vàng da, vàng mắt
Khi khả năng chuyển hóa và đào thải Bilirubin của gan bị giảm sút, Bilirubin tự do dư thừa trong máu tăng cao dẫn đến hiện tượng vàng da. Đây chính là triệu chứng bệnh gan dễ nhận biết nhất. Cùng lúc này lòng trắng mắt cũng bắt đầu xuất hiện màu vàng. Do đó, người bệnh nên đến cơ sở y tế để tiến hành các xét nghiệm về chỉ số men gan, sắc tố mật, nhằm phát hiện bệnh sớm.
Vàng da, vàng mắt thường xuất hiện khi bệnh gan tiến triển nặng
Ngoài ra, nước tiểu sẫm màu cũng là một trong những triệu chứng bệnh gan:
5. Nước tiểu sẫm màu
Việc không uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày hoặc đang sử dụng thuốc, sẽ dẫn đến tình trạng nước tiểu sẫm màu hơn so với bình thường. Nhưng khi thấy nước tiểu trở nên đậm màu, phân chuyển sang màu trắng bạc không rõ nguyên nhân thì có thể đây là triệu chứng bệnh gan. Lúc này, bạn nên nhanh chóng tìm gặp bác sĩ để có cách chữa trị kịp thời, tránh tình trạng kéo dài khiến gan bị suy yếu nặng.
6. Cơ thể phù nề, chướng bụng
Gan không còn khả năng thải độc, sẹo gan vượt quá mức kiểm soát dẫn đến tình trạng chân bị phù, khi ấn vào để lại vết lõm sâu. Đồng thời, do bị tích nước nên bụng bắt đầu to hơn bình thường. Đây chính là những triệu chứng bệnh gan xuất hiện ở giai đoạn cuối. Đồng thời, mạch máu vỡ ra làm xuất hiện các vết bầm tím. Sức khỏe người bệnh ngày càng yếu dần và dễ rơi vào tình trạng hôn mê. Để kéo dài sự sống, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của người bệnh như: ghép gan, chọc dịch cổ trướng,…
7. Ngứa da
Khả năng đào thải của gan bị giảm sút khiến chất độc tích tụ trong cơ thể, gây ngứa tại các vùng da khác nhau. Ngứa da là một trong những triệu chứng bệnh gan, đồng thời còn kèm theo nổi mề đay hoặc nổi đỏ lan rộng. Tại gang bàn tay và bàn chân thường bị ngứa nhiều nhất.
Ngứa da là một trong những triệu chứng bệnh gan, đồng thời còn kèm theo nổi mề đay hoặc nổi đỏ lan rộng
Trường hợp này khác với một số trường hợp ngứa da do côn trùng cắn, viêm da,… Mặc dù người bệnh có sử dụng các thuốc chống dị ứng nhưng tình trạng ngứa ngáy vẫn không thuyên giảm. Vì vậy, người bệnh tiến hành các xét nghiệm về các chỉ số men gan, hàm lượng Bilirubin, sắc tố mật,…
8. Mất trí nhớ
Chức năng thải độc của gan bị suy yếu, chất độc tích tụ tấn công vào hệ thần kinh làm thay đổi hành vi và trạng thái. Lúc này, người bệnh thường dễ xúc động, tâm trạng thất thường, mất trí nhớ, ngất lịm, thậm chí có thể bị hôn mê sâu. Vì vậy, để tránh những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp xử lý kịp thời.
9. Đau hạ sườn phải
Khả năng tiết mật giảm, hoạt động tiêu hóa thức ăn bị hạn chế, do đó gan phải làm việc nhiều hơn để hỗ trợ tiêu hóa. Nếu người bệnh ăn các thức ăn cứng hoặc dầu mỡ sẽ khiến cơ quan này hoạt động quá sức, từ đó dẫn đến các cơn đau âm ỉ tại hạ sườn phải. Khi bệnh trở nên nặng, cơn đau sẽ xuất hiện càng nhiều và dữ dội hơn trước. Lúc này, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám, không nên tình trạng này kéo dài.
Khi gan bị suy yếu, nếu ăn thức ăn cứng hoặc dầu mỡ sẽ khiến cơ quan này hoạt động quá sức, dẫn đến các cơn đau âm ỉ tại hạ sườn phải
10. Chỉ số men gan cao
Thông qua xét nghiệm máu có thể biết được chỉ số men gan. Chỉ số này giúp phát hiện mức độ tổn thương ở gan. Do đó, hiện tượng men gan cao là dấu hiệu cảnh báo bệnh gan. Vì vậy, những người thường xuyên sử dụng rượu bia, các chất kích thích hoặc lạm dụng thuốc thì nên đi xét nghiệm men gan, nhằm phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến cơ quan này.
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng bệnh gan sẽ gần giống với những bệnh lý thông thường nên nhiều người thường chủ quan. Vì vậy, khi cơ thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mà bài viết vừa chia sẻ, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời. Đồng thời, một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu bia kết hợp với tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn bảo vệ lá gan của mình trước tác nhân gây bệnh.