Trong cuộc sống hiện đại nhộn nhịp như ngày nay, tỷ lệ người mắc bệnh gout đang ngày một gia tăng, đặc biệt là ở nam giới. Biểu hiện đặc trưng của bệnh đó là sưng đau và viêm nhiễm các khớp tay, chân. Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh đó là do sự lắng đọng của các tinh thể urat, tăng hàm lượng acid uric trong máu. Vậy chúng ta có thể phát hiện các tinh thể này như thế nào? Hãy cùng giải đáp về nó nhé.
30/03/2020 | Nồng độ acid uric trong máu bao nhiêu là bị Gout? 03/02/2020 | Xét nghiệm acid uric giúp theo dõi và chẩn đoán bệnh Gout 20/01/2016 | Thuốc mới trị tăng acid uric máu 25/03/2015 | Tăng axit uric máu, khi nào cần điều trị?
1. Khái quát về bệnh Gout?
bệnh Gout (có tên khác là bệnh thống phong) là tình trạng rối loạn các tác nhân chuyển hóa purin, khiến hàm lượng acid uric trong máu tăng cao đột ngột. Acid uric cao không thể đào thải hết ra bên ngoài dẫn đến lắng đọng tại các khớp xương gây sưng đau và viêm khớp.
Bệnh thường gặp nhiều ở đối tượng nam giới trên 40 tuổi bởi chế độ ăn uống giàu đạm, sử dụng rượu, bia, cafe và lối sống không khoa học.
Giai đoạn đầu bệnh gout thường gây ra các triệu chứng sưng nóng đỏ đau, viêm nhiễm ở các khớp ngón chân, bàn chân, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối,... Những cơn đau dữ dội xuất hiện ngày một nhiều, kéo dài, đặc biệt vào ban đêm khiến người bệnh khó chịu, căng thẳng.
Hình 1: Các khớp tay, chân sưng đau dữ dội.
Sự vận động của người bị gout kém, đau khi hoạt động mạnh. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời bệnh nhân có khả năng bị mất vận động, xuất hiện nhiều biến chứng và có nguy cơ tử vong.
Khoảng 20 - 30% những người có nồng độ acid uric trong máu tăng cao sau nhiều năm sẽ dẫn đến bệnh gout. Bệnh gout được khởi phát khi có sự lắng đọng acid uric thành các tinh thể urat tại các khớp tay, chân. Do đó để chẩn đoán chính xác bệnh gout, ngoài các xét nghiệm acid uric máu, acid uric niệu 24 giờ, chức năng thận, bệnh nhân cần phải tiến hành một xét nghiệm vô cùng quan trọng khác đó là xét nghiệm dịch khớp tìm tinh thể urat.
2. Nguyên nhân hình thành tinh thể urat
Theo nghiên cứu, nồng độ acid uric tăng cao chính là nguyên nhân trực tiếp hình thành nên các tinh thể urat. Trên hình ảnh nội soi có thể thấy các tinh thể urat giống như các hạt muối trắng bám trên khắp bề mặt sụn khớp, màng khớp, gân,... Hàm lượng quá nhiều dẫn đến tổn thương vào sâu trong các khớp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan như tim, thận, mạch máu, xương khớp, vùng da và niêm mạc.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác được ghi nhận có ảnh hưởng trực tiếp và thúc đẩy quá trình lắng đọng nhanh các tinh thể muối urat như :
Nhiệt độ và môi trường acid
Nhiệt độ lạnh và môi trường acid là yếu tố tạo điều kiện cho quá trình kết tủa các tinh thể muối urat diễn ra nhanh hơn. Độ pH làm tăng nồng độ canxi, giảm độ hòa tan của muối và đẩy nhanh sự kết tủa tinh thể muối.
Tác động cơ học
Những chấn thương, vận động mạnh sẽ khiến cho quá trình kết tủa tinh thể muối urat tại các khớp được tăng cường. Do đó ở bệnh nhân bị gout, các biểu hiện đau nhức xương khớp sẽ ngày càng nhiều và dữ dội hơn.
Nồng độ acid uric trong nước tiểu cao hoặc nước tiểu có tính acid sẽ dẫn đến hình thành sỏi thận. Sỏi khiến cho chức năng đào thải acid uric của thận bị giảm, từ đó tăng nồng độ trong máu và dễ dàng kết tủa tạo thành các tinh thể muối urat.
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt
Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng góp phần ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các tinh thể muối urat. Những thực phẩm giàu đạm, nhiều dầu mỡ, gia vị mặn, rượu, bia, và thuốc lá sẽ gây tăng hàm lượng acid uric trong máu. Quá trình kết tủa tạo thành các tinh thể muối urat sẽ ngày càng được đẩy nhanh.
Hình 2: Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến người bị Gout.
Bên cạnh đó, các thói quen sinh hoạt như thức khuya, lười rèn luyện thể dục thể thao, căng thẳng, stress, nhậu nhẹt nhiều cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc mắc bệnh gout, đặc biệt là ở nam giới độ tuổi trung niên.
3. Xét nghiệm dịch khớp tìm tinh thể urat trong chẩn đoán bệnh Gout
Một trong những xét nghiệm giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh Gout hiện nay đó chính là xét nghiệm dịch khớp nhằm phát hiện các tinh thể urat. Xét nghiệm này sẽ giúp đánh giá sự tổn thương của các khớp, từ đó xác định mức độ viêm và có biện pháp xử lý kịp thời.
Xét nghiệm dịch khớp tìm tinh thể urat thường được yêu cầu thực hiện đối với những bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh gout hoặc người đã mắc bệnh gout lâu năm đang trong quá trình điều trị.
Quy trình lấy bệnh phẩm dịch khớp
Bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút dịch khớp để tiến hành phân tích xét nghiệm. Đây là một kỹ thuật đơn giản và không gây ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường khác của cơ thể.
Người bệnh cần được thông báo rõ ràng và được kiểm tra các thông số cơ bản trước khi tiến hành chọc hút. Điều dưỡng chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết, hướng dẫn bệnh nhân nằm đúng tư thế. Sau đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành các thao tác để chọc hút lấy dịch khớp ra ngoài theo đúng quy định.
Mẫu dịch sau đó được vận chuyển nhanh chóng về phòng xét nghiệm để tiến hành phân tích.
Quy trình xét nghiệm dịch khớp tìm tinh thể urat
Nhân viên xét nghiệm sau khi nhận mẫu cần phải kiểm tra về chất lượng dịch khớp xem có đạt yêu cầu hay không. Bình thường dịch khớp trong suốt, không màu. Trong trường hợp viêm dịch có màu vàng chanh, đục, có thể xuất hiện mủ hoặc máu.
Tiến hành ly tâm mẫu dịch, sau đó dùng pipet hút phần dịch lắng cặn phía dưới ống nghiệm nhỏ lên lam kính đã được ghi rõ thông tin. Đậy lamen lên bệnh phẩm và quan sát dưới kính hiển vi ở vật kính x10 và x40. Chúng ta sẽ quan sát được tinh thể urat là những tinh thể hình kim nhọn, ánh sáng.
Hình 3: Các tinh thể muối urat gây bệnh gout.
Ngoài ra, cần kết hợp với các xét nghiệm dịch khớp tế bào, xét nghiệm acid uric máu, chụp X - quang, siêu âm và các biểu hiện lâm sàng để có cơ sở chẩn đoán chính xác nhất.
4. Hướng dẫn cách phòng tránh bệnh Gout hiệu quả
Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh bệnh Gout bằng cách xây dựng một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học. Hạn chế những thực phẩm giàu đạm như nội tạng động vật, cá hồi, thịt chó, hải sản, đồ ngọt, đồ nhiều tinh bột,... Tăng cường bổ sung các loại trái cây, rau quả, các loại hạt đậu nành, ngũ cốc, yến mạch, trứng, sữa, dầu thực vật.
Bên cạnh đó cần hoạt động theo lối sống khoa học, tích cực. Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế những rượu, bia và đồ uống có cồn, duy trì cân nặng ổn định, tránh tụ tập nhậu nhẹt, thức khuya.
Hình 4: Hạn chế rượu, bia, thuốc lá.
Bệnh gout là một bệnh phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Nam giới độ tuổi trung niên có tỷ lệ mắc cao và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Do đó nếu như bạn có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ bị gout thì cần phải đi kiểm tra ngay lập tức.
Một địa chỉ xét nghiệm bệnh Gout tin cậy mách cho bạn đọc đó chính là bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Hệ thống trung tâm xét nghiệm tiên tiến hàng đầu cùng đội ngũ các y bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ đảm bảo kết quả chính xác. Bạn đọc sẽ được chăm sóc sức khỏe bởi những dịch vụ y tế thông minh, hiện đại và hiệu quả nhất.
Đừng để bệnh Gout ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, hãy kiểm tra sớm để có biện pháp điều trị kịp thời.