Người bị bệnh xuất huyết võng mạc cần phải được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng xấu đến thị lực. Khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh thì quá trình điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn đồng thời hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân của xuất huyết võng mạc và những phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất.
10/05/2021 | Những kiến thức không nên bỏ qua về bệnh xuất huyết võng mạc
1. Nguyên nhân của xuất huyết võng mạc là gì?
Võng mạc nằm sau mắt, đây là một lớp mô thần kinh mỏng. Khi đi vào mắt, ánh sáng sẽ xuyên qua các giác mạc và thủy tinh thể, rồi hội tụ ở võng mạc. Máu trong mạch máu thoát ra khỏi võng mạc được gọi là tình trạng xuất huyết võng mạc. Khi bị bệnh này thì người bệnh sẽ bị ảnh hưởng đến tầm nhìn và mức độ ảnh hưởng sẽ tùy vào vị trí và mức độ xuất huyết ở võng mạc.
Người bị bệnh xuất huyết võng mạc cần phải được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng xấu đến thị lực
Khi bị xuất huyết võng mạc, người bệnh thường có những biểu hiện như mắt đỏ, đau mắt, mắt nhìn mờ, cảm giác như có ruồi, mạng nhện hay sương mù trước mắt, có lúc cảm nhận ánh sáng lóe lên, hình ảnh của sự vật trước mắt bị bóp méo, đột ngột mất thị lực, một số trường hợp kèm theo đau nhức đầu,…
Theo các chuyên gia nhãn khoa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết võng mạc. Tuy nhiên, phần lớn những trường hợp bị bệnh là do đã mắc phải những bệnh có liên quan đến mạch máu của võng mạc, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, người bị cận thị nặng, những bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng, các trường hợp chấn thương mắt,…
Cận thị nặng làm tăng nguy cơ bị bệnh
Những trường hợp bị xuất huyết võng mạc thì khả năng phục hồi của võng mạc sẽ có nhiều hạn chế, đồng thời tầm nhìn của bệnh nhân sẽ kém hơn nhiều. Nếu như không tìm ra được nguyên nhân của xuất huyết võng mạc thì cơ hội điều trị bệnh hiệu quả sẽ rất thấp.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh thường là:
-
Bệnh nhân bị cận thị nặng như học sinh hoặc những nhân viên văn phòng,…
-
Bệnh nhân tiểu đường.
-
Bệnh nhân bị tăng huyết áp.
-
Người bị tắc tĩnh mạch võng mạc.
-
Trẻ sơ sinh có các mạch máu bất thường trong võng mạc.
2. Phương pháp điều trị bệnh xuất huyết võng mạc
Trước hết, các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám để chẩn đoán bệnh. Một số phương pháp thường được áp dụng là kiểm tra thị lực của mắt, soi đáy mắt, chụp mạch huỳnh quang,... Bằng những biện pháp này, các bác sĩ sẽ nhận biết được mức độ tổn thương, vị trí tổn thương của võng mạc để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh.
Bệnh tiểu đường cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh
Theo các bác sĩ, việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh và phòng ngừa xuất huyết tái phát. Ngược lại nếu chưa tìm được nguyên nhân gây xuất huyết thì việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn.
Hiện nay, những phương pháp điều trị bệnh thường được áp dụng là điều trị bằng laser, vi phẫu mạch máu hay tiêm thuốc nội nhãn.
Song song với những phương pháp này, người bệnh cũng cần phải lưu ý đến vấn đề dinh dưỡng. Việc bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết như các loại vitamin A, vitamin B, vitamin C hay vitamin E và omega 3 có tác dụng rất lớn giúp bảo vệ thủy tinh thể, võng mạc và mục đích cuối cùng là sớm cải thiện thị lực cho người bệnh.
3. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh xuất huyết võng mạc?
Để phòng ngừa các bệnh lý về mắt, đặc biệt là xuất huyết võng mạc, bạn cần lưu ý những điều sau:
Nếu nhận thấy bất kỳ sự thay đổi bất thường nào ở mắt, thì không nên chần chừ, hãy đi thăm khám càng sớm càng tốt. Đặc biệt là khi bạn cảm thấy đau nhức mắt, có tình trạng đỏ mắt, mỏi mắt, hay tầm nhìn bị hạn chế, cảm thấy có bóng tối hay như có ruồi, sương mù ở trước mắt,…
Nên có chế độ ăn uống đủ dưỡng chất để góp phần cải thiện triệu chứng bệnh
Học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng là những đối tượng cần chú ý nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe cho đôi mắt. Nên ngồi đúng tư thế khi học tập và làm việc. Cần đảm bảo môi trường học tập và làm việc được cung cấp đủ ánh sáng. Hãy bảo vệ để đôi mắt không bị cận thị và luôn khỏe mạnh. Trong trường hợp đã bị cận thì bạn càng phải chăm sóc cho đôi mắt của mình tốt hơn.
Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử. Trong cuộc sống hiện đại, những thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi,… là những vật dụng không còn quá xa lạ với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, việc lạm dụng các vật dụng này sẽ không tốt cho đôi mắt của bạn. Vì thế, hãy tìm cách sử dụng khoa học, hợp lý để bảo vệ sức khỏe cho mắt.
Các mẹ bầu nên theo dõi sức khỏe của thai nhi bằng việc đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Đối với những trường hợp có nguy cơ rối loạn về mắt thì cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh biến chứng võng mạc.
Với những bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân huyết áp cao nên được theo dõi sức khỏe thường xuyên để kiểm soát tình trạng bệnh và có hướng xử trí kịp thời khi cơ thể có dấu hiệu bất thường. Những trường hợp này nên giảm ăn mặn và tập luyện nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, có chứa những thực phẩm có lợi cho đôi mắt của bạn.
Khi đi ra ngoài nắng nên đeo kính râm để hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào mắt, đồng thời nên loại bỏ thói quen dụi mắt và luôn vệ sinh mắt sạch sẽ.
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân của xuất huyết võng mạc cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những địa chỉ uy tín về thăm khám, điều trị các bệnh lý ở mắt. Nếu bạn có thắc mắc hoặc cần được tư vấn có thể liên hệ tới đường dây nóng 1900 56 56 56 của bệnh viện, các chuyên gia nhãn khoa hàng đầu luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Chúc bạn luôn vui khỏe.