Tiền sản giật sau sinh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm không kém gì so với tiền sản giật xuất hiện trong thời kỳ mang thai. Điều đáng nói là không phải sản phụ nào cũng biết được hội chứng này để nhận biết và điều trị ngay nên dễ phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm.
29/01/2021 | Tiền sản giật thai kỳ - Biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai kỳ 10/09/2020 | Tiền sản giật - Những điều mẹ bầu cần biết 29/07/2020 | Các xét nghiệm tiền sản giật bao gồm những gì và những ai nên thực hiện?
1. Ai có nguy cơ cao với tiền sản giật sau sinh?
1.1. Tiền sản giật sau sinh là như thế nào?
Tiền sản giật sau sinh là xảy ra trong 48 - 72 giờ sau khi thai nhi chào đời, là tình trạng hiếm gặp, đặc trưng bởi huyết áp cao đột ngột và dư thừa protein trong nước tiểu. Một số trường hợp có thể đến 1 tháng sau sinh mới khởi phát tiền sản giật, gọi là tiền sản giật muộn.
Tiền sản giật sau sinh thường khởi phát sau khi em bé chào đời 48 - 72 giờ
Các chuyên gia y tế cho biết, tiền sản giật có thể bắt đầu trong thai kỳ nhưng một số sản phụ không có triệu chứng nào cho đến thời điểm em bé chào đời. Có khoảng 600 phụ nữ/ năm bị ảnh hưởng bởi tiền sản giật sau sinh nhưng khá khó thống kê vì với một số người đã bị tiền sản giật sau sinh từ những lần sinh trước và số khác thì lại chỉ bị sau khi sinh xong.
1.2. Đối tượng nguy cơ cao với tiền sản giật sau sinh
Việc xác định được một sản phụ có thể bị tiền sản giật sau sinh là rất khó. Một số yếu tố sau được nhiều chuyên gia y tế cho rằng sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này:
- Huyết áp cao trong thai kỳ hoặc sau 20 tuần bị tăng huyết áp bất thường.
- Đã có tiền sử tiền sản giật trong lần mang thai trước đó.
- Đã từng được chẩn đoán tiền sản giật sau sinh trong các thai kỳ trước đó.
- Sản phụ có tăng cân quá nhiều trong thai kỳ.
2. Tiền sản giật sau sinh có nguy hiểm không?
Tiền sản giật sau sinh là hội chứng cần được phát hiện sớm bởi nó có thể trở thành nguyên nhân của hàng loạt biến chứng đe dọa đến tính mạng của thai nhi và thai phụ:
- Sản giật sau sinh
Là sự xuất hiện của các cơn co giật kết hợp cùng triệu chứng tiền sản giật sau sinh. Nó khiến cho thai phụ đứng trước nguy cơ bị tổn thương hàng loạt cơ quan như: thận, gan, mắt, não.
- Phù phổi
Phổi của sản phụ ngập tràn chất lỏng dư thừa đe dọa đến tính mạng.
- Đột quỵ
Đây là tình trạng tai biến mạch máu não xuất phát từ việc nguồn cung cấp máu đến não bị suy giảm trầm trọng hoặc bị gián đoạn khiến cho mô não bị mất chất dinh dưỡng và oxy.
- Thuyên tắc huyết khối
Tình trạng này là một cấp cứu y tế cần thực hiện ngay vì mạch máu bị tắc nghẽn do có cục máu đông từ nơi khác đến.
- Hội chứng HELLP
Hội chứng này gồm tăng men gan, huyết tán và tiểu cầu thấp khiến cho các tế bào hồng cầu bị phá hủy, đe dọa trực tiếp đến sự sống của sản phụ.
Hội chứng HELLP phá hủy hồng cầu - biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật sau sinh
3. Phát hiện và xử trí với tiền sản giật sau sinh như thế nào?
3.1. Chú ý triệu chứng lâm sàng
Hầu hết sản phụ khó có thể tự nhận diện được tiền sản giật sau sinh. Có những người không hề khởi phát bất cứ triệu chứng tiền sản giật nào trong suốt thai kỳ. Mặt khác, thời điểm sau sinh, cơ thể người phụ nữ còn chưa hồi phục được trạng thái bình thường lại thêm việc tập trung vào chăm sóc trẻ nên dễ bỏ qua các dấu hiệu gợi ý bệnh.
Triệu chứng tiền sản giật sau sinh tương đối giống tiền sản giật:
- Chỉ số huyết áp tăng vượt ngưỡng bình thường (> 140/90 mmHg).
- Tăng chỉ số protein niệu: > 0.5 g/L với trường hợp lấy mẫu nước tiểu ngẫu nhiên hoặc >0.3 g/L với trường hợp lấy mẫu nước tiểu 24h.
- Bị đau đầu thành từng cơn dữ dội.
- Thị lực thay đổi: tạm thời bị mất thị lực, mắt mờ, nhạy cảm trước ánh sáng.
- Bị đau bụng trên, chủ yếu là ở phía dưới của xương sườn bên phải.
- Lượng nước tiểu giảm.
Đây là những triệu chứng gợi ý tiền sản giật sau sinh, nếu sản phụ gặp phải cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra ngay.
3.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Sản phụ thăm khám tiền sản giật sau sinh tại cơ sở y tế sẽ cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng sau:
- Xét nghiệm máu
Mục đích của xét nghiệm nhằm kiểm tra chức năng gan, thận, tình trạng giảm tiểu cầu có hay không, chức năng đông máu có bình thường không.
- Xét nghiệm nước tiểu
Cũng như tiền sản giật thai kỳ, sản phụ cần làm xét nghiệm này để đánh giá nồng độ protein niệu. Nếu Protein niệu ≥ 300mg/24 giờ hay protein niệu ≥ 0.3 (mg/dL) nước tiểu ngẫu nhiên thì sản phụ có nguy cơ bị tiền sản giật sau sinh.
Xét nghiệm protein niệu giúp chẩn đoán tiền sản giật sau sinh
3.3. Điều trị tiền sản giật sau sinh
Với những trường hợp đã có đầy đủ căn cứ kết luận tiền sản giật sau sinh, tùy vào mức độ mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Thông thường, sản phụ sẽ được chỉ định dùng thuốc chống co giật trong 24 giờ.
Sau khi sản phụ đã được dùng thuốc, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lại chỉ số huyết áp, các triệu chứng mắc phải và lượng protein niệu. Nếu huyết áp của sản phụ vẫn cao hơn bình thường thì có thể bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hạ huyết áp.
Tiền sản giật sau sinh hiện vẫn chưa có biện pháp nào để dự phòng nên cách tốt nhất là thai phụ nên chú ý theo dõi cơ thể mình, kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường được cảnh báo ở trên và đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán đúng.
Ngoài ra, sau sinh, sản phụ cũng cần theo dõi huyết áp thường xuyên, nhất là các trường hợp có nguy cơ cao.
Thời gian đầu sau sinh là giai đoạn cơ thể sản phụ có nhiều thay đổi, sức khỏe còn yếu, chưa kể đến việc chăm sóc con nhỏ. Vì thế, sản phụ cần có người thân ở bên cạnh để phụ giúp, chăm sóc sức khỏe. Tiền sản giật sau sinh là hội chứng không thể xem thường nên chỉ cần phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, sản phụ nên thăm khám ngay để có biện pháp khắc phục tốt nhất.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, chẩn đoán tiền sản giật sau sinh có thể liên hệ trực tiếp hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây, quý khách sẽ được hướng dẫn cụ thể về các kiểm tra giúp xác định đúng tình trạng sức khỏe của mình; được tư vấn hướng điều trị hiệu quả cho những trường hợp cần thiết.