Rong kinh nguyệt là vấn đề chung dễ gặp ở nhiều phụ nữ nhưng có một thực tế hay xảy ra đó là hầu hết chị em lại chủ quan, xem thường hiện tượng này. Hãy nhớ rằng, một khi rong kinh kéo dài nó có thể là dấu hiệu cảnh báo rất nhiều bệnh lý phụ khoa nguy hiểm, cần được điều trị nhanh chóng và đúng cách thì mới đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
1. Nguyên nhân gây ra rong kinh nguyệt ở nữ giới
Các nguyên nhân gây rong kinh thường gặp ở nữ giới bao gồm:
1.1. Nguyên nhân cơ năng
Đây là trường hợp rong kinh xảy ra chủ yếu trong thời kỳ đầu và cuối của hoạt động sinh sản ở nữ. Nó chủ yếu là:
- Độ tuổi dậy thì
Hai năm đầu khi bắt đầu có kinh, do cơ thể nữ giới đang trong quá trình phát triển; các hoạt động của tử cung, buồng trứng cũng như nội tiết tố đang dần hoàn thiện. Điều này khiến cho kinh nguyệt dễ bị rối loạn và sinh ra rong kinh.
Bạn gái trong độ tuổi dậy thì, hệ sinh dục đang hoàn thiện và phát triển nên dễ bị rong kinh nguyệt
- Tuổi tiền mãn kinh
Bước sang giai đoạn này thì kinh nguyệt ở phụ nữ thưa dần nên sẽ xuất hiện tình trạng máu kinh ra nhiều hơn hoặc kéo dài kỳ kinh. Lý do là bởi niêm mạc tử cung quá sản dạng tuyến nang gấp 10 lần so với độ tuổi trước đó.
1.2. Nguyên nhân thực thể
Rong kinh xuất phát từ các nguyên nhân thực tể tức là tổn thương do các bệnh lý phụ khoa gây nên, điển hình như: viêm âm đạo, viêm nội mạc tử cung, đa nang buồng trứng, polyp tử cung, u xơ tử cung,...
+ U xơ tử cung: đây là khối u lành tính, sự xuất hiện của nó gây nên tình trạng rong kinh với biểu hiện là máu kinh ra nhiều hoặc kéo dài.
+ Polyp tử cung: khối u này dính vào thành trong và sa vào buồng tử cung. Nó được hình thành do sự phát triển quá mức của tế bào nội mạc tử cung. Hầu như nó không gây ra triệu chứng nào điển hình, một số trường hợp sẽ bị rong kinh nguyệt kéo dài.
+ Khối u ác tính: là các khối u ác gây nên tình trạng chảy máu bất thường ở đường sinh dục.
+ Viêm nhiễm đường sinh dục: cũng có thể dẫn đến rong kinh.
1.3. Nguyên nhân khác
- Dùng thuốc: sử dụng một số loại thuốc nội tiết, thuốc chống đông máu, thuốc kháng viêm có thể khiến kỳ kinh kéo dài hơn.
- Đặt vòng: khi đặt vòng để tránh thai, nữ giới có thể gặp tác dụng phụ đó là hiện tượng rong kinh.
- Rối loạn đông máu, gan, thận cũng có thể gây ra rong kinh nguyệt.
2. Những vấn đề tuyệt đối không được bỏ qua
2.1. Triệu chứng nhận biết rong kinh
Khi bị rong kinh, chị em phụ nữ có thể thấy xuất hiện một số triệu chứng như:
- Máu ra nhiều đến mức phải thay băng vệ sinh liên tục hơn so với bình thường.
- Máu kinh ra nhiều trên 7 ngày và kéo dài trong nhiều giờ liền.
- Giữa 2 kỳ kinh liên tiếp có hiện tượng ra máu bất thường.
2.2. Rong kinh nguyệt kéo dài có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm
Phụ nữ bị rong kinh kéo dài rất dễ bị thiếu máu nên cảm thấy khó thở, mệt mỏi, choáng, ngất đột ngột, rất khó tập trung vào công việc,... Một điều không thể bỏ qua nữa là do máu kinh ra nhiều và kéo dài nên chị em sẽ cảm thấy bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, tâm lý dễ cáu gắt, lo lắng, khó chịu, ngại sinh hoạt vợ chồng,... đời sống hôn nhân vì thế khó tránh khỏi bị tác động.
Rong kinh kéo dài có thể biến chứng nhiều bệnh lý phụ khoa nguy hiểm
Không những thế, máu kinh ra nhiều trong thời gian dài còn là cơ hội thuận lợi để vi khuẩn gây hại có điều kiện xâm nhập vùng kín gây viêm nhiễm sinh dục. Mặt khác, chúng còn lội ngược dòng tới vòi trứng, tử cung gây nên nhiều bệnh lý khác, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe sinh sản. Nguy hiểm hơn, rong kinh còn là triệu chứng của nhiều bệnh lý phụ khoa đe dọa trực tiếp tới sức khỏe nữ giới như: u xơ tử cung, đa nang buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung,...
2.3. Khi nào cần gặp bác sĩ chuyên khoa?
Khi các triệu chứng nêu trên kéo dài hoặc gặp một trong các biểu hiện sau, tốt nhất chị em phụ nữ nên đến gặp bác sĩ sản - phụ khoa:
- Bỗng nhiên chảy máu quá nhiều trong kỳ kinh.
- Đã mãn kinh nhưng vẫn có hiện tượng chảy máu âm đạo.
2.4. Những thông tin cần cung cấp cho bác sĩ là gì?
Khi quyết định đến gặp bác sĩ chuyên khoa bạn cần nhớ để cung cấp chính xác các thông tin sau:
- Chu kỳ kinh bình thường của bạn kéo dài bao lâu, có đều hay không, có bị đau bụng kinh không, lượng máu và màu sắc màu trong mỗi ngày hành kinh như thế nào.
- Các triệu chứng rong kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện khi nào, mức độ ra sao, ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của bạn.
Nữ giới bị rong kinh cần thăm khám, trao đổi với bác sĩ về những gì mình đang gặp phải
- Tiền sử bệnh lý sản phụ khoa: sinh thường hay mổ, kế hoạch sinh con trong tương lai, bệnh phụ khoa từng mắc và thuốc từng hoặc đang dùng để điều trị, có từng phẫu thuật vì bệnh lý phụ khoa nào không,...
- Có từng sử dụng các biện pháp tránh thai hay không.
Tình trạng rong kinh ở mỗi người không giống nhau, căn nguyên gây bệnh cũng có sự khác biệt. Vì thế, việc điều trị tuyệt đối không được tùy tiện, cần có sự thăm khám kỹ lưỡng, chỉ định điều trị từ bác sĩ và sự nghiêm túc tuân thủ chỉ định ấy. Muốn làm được điều này, chị em phụ nữ cần tìm được cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giỏi và giàu kinh nghiệm. Chỉ khi tìm được nguyên nhân gây bệnh và điều trị bằng phác đồ phù hợp thì bệnh mới sớm bị đẩy lùi, ngăn chặn được những biến chứng nguy hại cho sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn nữ hiểu rõ hơn về hiện tượng rong kinh nguyệt và biết nên làm gì để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Hiện Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có triển khai dịch vụ chụp tử cung vòi trứng, tìm nguyên nhân rong kinh, các bạn có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 để tìm hiểu về dịch vụ này, chia sẻ về tình trạng mình đang gặp phải, các chuyên viên y tế của chúng tôi luôn sẵn lòng tư vấn và cung cấp những thông tin hữu ích nhất.