Những trường hợp bị thiếu hụt chất dinh dưỡng khiến thể trạng bị ảnh hưởng nghiêm trọng như mệt mỏi, sụt cân, tâm trạng thay đổi,... chính là dấu hiệu của suy dinh dưỡng. Để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân, biểu hiện của suy dinh dưỡng là gì, mời bạn đọc cùng MEDLATEC theo dõi thông tin trong bài phân tích sau.
25/08/2022 | Thực đơn cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ba mẹ không nên bỏ qua 09/09/2021 | Phải làm sao để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi? 16/06/2020 | Đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng với xét nghiệm Prealbumin
1. Khái niệm suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng xảy ra khi một người không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể. Các dưỡng chất đó có thể là calo, protein, khoáng chất và các loại vitamin. Những người bị suy dinh dưỡng thường có thể chất thấp còi, nhẹ cân hơn so với người cùng giới, cùng tuổi khác dựa trên tiêu chuẩn trung bình.
Tình trạng suy dinh dưỡng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm điều kiện y tế, kinh tế và các vấn đề về môi trường. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì có khoảng 150 triệu trẻ em và 460 triệu người trưởng thành bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng có thể là do:
-
Mất an ninh lương thực, giá cả thực phẩm quá đắt đỏ: thường xuất hiện ở các quốc gia kém phát triển, điều kiện kinh tế khó khăn, nạn đói kéo dài, chiến tranh,... khiến người dân không được tiếp cận với nguồn lương thực một cách đầy đủ;
-
Khả năng hấp thu dưỡng chất kém, gặp phải các vấn đề về tiêu hóa: ví dụ như mắc các bệnh như bệnh Celiac, bệnh Crohn, hại khuẩn phát triển lấn át lợi khuẩn trong đường ruột, bị bệnh về dạ dày, tiêu hóa thức ăn kém, giun sán phát triển,... là những yếu tố góp phần dẫn đến suy dinh dưỡng;
-
Rối loạn sức khỏe tâm thần: bệnh thần kinh, trầm cảm,... cũng ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống của người bệnh;
-
Lạm dụng rượu, chất kích thích: việc hấp thụ calo, protein và các dưỡng chất khác sẽ bị cản trở bởi rượu khi cơ thể dung nạp quá nhiều loại đồ uống này;
-
Đối với trẻ em, suy dinh dưỡng có thể là do trẻ không được ăn đủ sữa mẹ, sức đề kháng yếu, dùng nhiều thuốc kháng sinh, mắc các bệnh lý đường ruột, hệ hô hấp, biếng ăn tâm lý lâu ngày,...
Khi một người thường xuyên bị thiếu hụt dưỡng chất quan trọng thì sẽ bị suy dinh dưỡng
2. Triệu chứng của suy dinh dưỡng là gì?
Bệnh nhân suy dinh dưỡng có thể nằm trong các thể suy dinh dưỡng như: thể phù (Kwashiorkor) là khi cơ thể bị thiếu nghiêm trọng chất protein gây tích nước, làm sưng bụng. Ngoài ra còn có thể teo đét (Marasmus), xuất phát từ tình trạng bệnh nhân bị thiếu hụt nghiêm trọng một lượng lớn calo khiến thể trạng bị gầy còm, teo mỡ, teo cơ bắp.
Nhìn chung, khi cơ thể có sự thay đổi do tác động của tình trạng suy dinh dưỡng sẽ khiến người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như sau:
-
Giảm cân, khối lượng cơ và mỡ cũng giảm theo;
-
Da, tóc khô;
-
Mắt trũng sâu, má hóp;
-
Mệt mỏi, kém vận động;
-
Dễ cáu gắt, tâm trạng thất thường, khó tập trung, lo âu, thậm chí là trầm cảm;
-
Vết thương lâu lành;
-
Lớp mỡ dưới da teo dần, cơ bắp trở nên lỏng lẻo;
-
Sức đề kháng suy giảm, nguy cơ cao dễ gặp phải các bệnh nhiễm trùng;
-
Chức năng tình dục và sinh sản kém.
-
Đối với trường hợp bị suy dinh dưỡng nặng, bệnh nhân còn có các triệu chứng như: da khô không có sự đàn hồi, lớp mỡ dưới da teo tóp gần như biến mất, khuôn mặt hốc hác, tóc rụng rất nhiều, dễ bị suy gan, suy tim, suy hô hấp. Nếu bệnh nhân nhịn đói trong nhiều ngày liên tiếp thì nguy cơ tử vong là rất cao.
Việc thiếu hụt vi chất gây suy dinh dưỡng còn khiến bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau, cụ thể là:
-
Thiếu vitamin A: gây bệnh quáng gà, khô mắt, thị lực giảm và dễ bị nhiễm trùng;
-
Thiếu kẽm: còi cọc, chán ăn, rụng tóc, vết thương chậm lành, có thể bị tiêu chảy;
-
Thiếu sắt: gây thiếu máu, ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, rối loạn thân nhiệt và làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý ở dạ dày;
-
Thiếu iot: làm giảm khả năng sản xuất hormone tuyến giáp, tác động trực tiếp đến việc phát triển và tăng trưởng thể chất của cơ thể.
Nếu tình trạng suy dinh dưỡng vẫn cứ tiếp tục mà không có biện pháp cải thiện thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Biếng ăn vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của suy dinh dưỡng
3. Những phương pháp giúp điều trị suy dinh dưỡng
Mục tiêu điều trị suy dinh dưỡng cần tập trung giải quyết nguyên nhân và điều trị triệu chứng. Để bệnh nhân phục hồi sức khỏe và được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án với kế hoạch điều trị phù hợp nhất, bao gồm:
-
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: người bị suy dinh dưỡng cần được cung cấp đủ nhu cầu năng lượng hàng ngày với đa dạng các loại khoáng chất và vitamin, lipid, protein, glucid. Nếu việc ăn uống thông thường gặp khó khăn thì có thể bổ sung theo đường thuốc uống hay thực phẩm chức năng;
-
Đối với những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng, việc ăn nhai qua đường miệng khó thực hiện thì có thể áp dụng cách dùng ống sonde dạ dày, hoặc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch;
-
Đánh giá và theo dõi tiến triển bệnh: bệnh nhân cần được theo dõi các chỉ số cơ thể và thường xuyên cập nhật tiến triển để đánh giá xem việc điều trị có mang lại hiệu quả khả quan hay không. Qua đó sẽ giúp xác định được phương thức ăn uống phù hợp, lựa chọn thời điểm thích hợp để chuyển đổi từ hình thức ăn uống nhân tạo sang hình thức ăn uống bình thường, giúp thúc đẩy quá trình phục hồi sức khỏe của người bệnh và giảm gánh nặng chăm sóc đặc biệt.
4. Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng?
Để phòng ngừa nguy cơ bị suy dinh dưỡng đối với cả trẻ em lẫn người lớn, nên thực hiện những cách như sau:
-
Thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chính là sữa mẹ. Trẻ nên được ăn sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời cho đến năm 2 tuổi. Nếu mẹ không có đủ sữa thì có thể cho trẻ ăn dặm thêm sữa công thức để đảm bảo trẻ luôn có đủ dưỡng chất thiết yếu;
-
Trẻ em cũng như người lớn cần được thay đổi đa dạng các món ăn phong phú, kích thích sự thèm ăn giúp bữa ăn trở nên ngon miệng hơn;
-
Thường xuyên hoạt động thể chất, vận động cơ thể để tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy quá trình trao đổi chất;
-
Tích cực điều trị các bệnh về đường tiêu hóa cũng như những bệnh lý khác là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng;
-
Sử dụng kháng sinh cần theo chỉ định, không nên lạm dụng.
Không nên giảm cân quá mức vì điều này dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng
Như vậy, mong rằng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ khái niệm suy dinh dưỡng là gì cũng như những nguyên nhân và biểu hiện của suy dinh dưỡng. Nếu bạn đang có nhu cầu được thăm khám dinh dưỡng, hãy liên hệ ngay qua tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hướng dẫn đặt lịch khám cùng các chuyên gia Khoa Dinh dưỡng của MEDLATEC ngay hôm nay.