Xoắn buồng trứng là một biến chứng cấp tính nguy hiểm, đa số trường hợp phát hiện bệnh muộn do triệu chứng mờ nhạt, dễ nhầm lẫn. Hầu hết xoắn buồng trứng không thể tự phục hồi, cần can thiệp phẫu thuật để đưa buồng trứng trở về vị trí ban đầu. Vậy có những phương pháp giúp điều trị xoắn buồng trứng nào?
14/04/2021 | 5 phương pháp giúp chẩn đoán xoắn buồng trứng chính xác nhất 31/03/2021 | Làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng xoắn buồng trứng? 23/02/2021 | Xoắn buồng trứng - biến chứng nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ thời kỳ thai sản
1. Xoắn buồng trứng và dấu hiệu bệnh dễ nhận biết nhất
Xoắn buồng trứng xảy ra khi một buồng trứng xoắn xung quanh dây chằng giữ nó tại chỗ. Tình trạng xoắn này gây cản trở hoặc nặng hơn sẽ cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp máu cho buồng trứng. Xoắn buồng trứng có thể xảy ra ở nhiều vị trí, trong đó phổ biến nhất vẫn là xoắn phần phụ bao gồm vòi trứng và buồng trứng (chiếm khoảng 65% các trường hợp).
Xoắn buồng trứng là biến chứng phần phụ khá hiếm gặp
Bất cứ phụ nữ độ tuổi nào cũng có thể bị xoắn buồng trứng, nhưng phổ biến nhất vẫn là phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Triệu chứng bệnh không đặc hiệu nên thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, dẫn tới phát hiện và điều trị chậm trễ.
Cụ thể, bệnh nhân bị xoắn buồng trứng sẽ có các dấu hiệu sau:
1.1. Đau bụng
Đau bụng do xoắn buồng trứng có thể đột ngột và dữ dội hoặc âm ỉ, xen kẽ lúc đau lúc không do tình trạng xoắn và tháo xoắn xảy ra luân phiên nhau. Đa phần bệnh nhân bị đau ở vùng bụng dưới, có thể lan đến vùng háng hoặc dưới sườn, cùng bên buồng trứng bị xoắn và không đỡ khi dùng thuốc giảm đau thông thường.
Đau bụng do xoắn buồng trứng rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý tiêu hóa hoặc phần phụ như: Viêm ruột thừa, viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, nang hoàng thể, đau quặn thận,…
Xoắn buồng trứng có thể gây ra triệu chứng buồn nôn
1.2. Buồn nôn, nôn mửa
Buồn nôn, nôn mửa là triệu chứng khá thường gặp ở bệnh nhân bị xoắn buồng trứng, kết hợp với đau bụng nên thường chẩn đoán lâm sàng nhầm sang bệnh lý tiêu hóa.
1.3. Sốt.
Khi xoắn buồng trứng làm tổn thương động mạch, tĩnh mạch khu vực xung quanh có thể dẫn tới tình trạng phù lan tỏa, tăng áp lực trong buồng trứng, thiếu máu, nhồi máu hoặc nhiễm trùng. Khi viêm, nhiễm trùng xảy ra, sốt là triệu chứng toàn thân thường gặp phải.
2. Phương pháp điều trị xoắn buồng trứng hiệu quả nhất
Khi phát hiện xoắn buồng trứng, dù tình trạng bệnh nặng hay nhẹ thì can thiệp phẫu thuật là cần thiết và phải thực hiện càng sớm càng tốt. Tình trạng xoắn buồng trứng càng kéo dài, máu nuôi đến buồng trứng dần giảm đến mất hoàn toàn sẽ gây hoại tử buồng trứng. Nặng hơn, xoắn buồng trứng có thể khiến bệnh nhân tử vong do biến chứng cấp tính của bệnh.
Tuy nhiên, để chỉ định phẫu thuật điều trị xoắn buồng trứng như thế nào, cần dựa trên chẩn đoán xác định tình trạng xoắn nhiều hay ít, buồng trứng bị ảnh hưởng như thế nào, có u nang buồng trứng bất thường hay không,… Các trường hợp có hoại tử hoặc u nang, bác sĩ có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ buồng trứng.
Xoắn buồng trứng cần phẫu thuật để tháo xoắn
Hiện nay, phương pháp giúp điều trị xoắn buồng trứng gồm có mổ mở truyền thống và mổ nội soi.
2.1. Mổ nội soi tháo xoắn buồng trứng
Mổ nội soi tháo xoắn buồng trứng là phương pháp phẫu thuật ưu tiên hiện nay vì nhiều ưu điểm vượt trội. Các trường hợp có thể mổ nội soi gồm: vị trí xoắn dễ can thiệp, không có u nang cản trở, không yêu cầu cắt hoặc can thiệp quá phức tạp.
Những ưu điểm của mổ nội soi này bao gồm:
-
Tính thẩm mỹ cao, mổ nội soi chỉ rạch đường nhỏ ở bụng để luồn ống nội soi và dụng cụ thao tác nên không để lại sẹo lớn, mau lành hơn.
-
Kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn, ít gây đau đớn cho bệnh nhân.
-
Thời gian phục hồi nhanh, bệnh nhân sau mổ nội soi thường chỉ cần theo dõi nằm viện từ 1 - 2 ngày, sau đó có thể phục hồi tại nhà.
-
Ít gây biến chứng sau mổ, ít ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh.
2.2. Mổ mở tháo xoắn buồng trứng
Các trường hợp không thể mổ nội soi do tháo xoắn phức tạp, có khối u cản trở, vị trí nằm sâu thì phẫu thuật mở là tối ưu hơn. Phương pháp giúp điều trị xoắn buồng trứng này cần thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm, ngoài ra bệnh nhân cần có điều kiện thể chất và sức khỏe đáp ứng được.
Mổ mở tháo xoắn buồng trứng ẩn chứa nhiều rủi ro sức khỏe
Nếu buồng trứng không bị hoại tử, tháo xoắn buồng trứng thực hiện nhanh vẫn bảo tồn được khả năng sinh sản của bệnh nhân. Nếu xuất hiện hoại tử hoặc viêm phúc mạc, phẫu thuật điều trị sẽ phức tạp và kéo dài hơn. So với mổ nội soi, mổ mở ẩn chứa nhiều rủi ro như chảy máu trong, nhiễm trùng, tổn thương cơ quan xung quanh,…
Do đó, cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín cùng bác sĩ có chuyên môn giỏi thể thực hiện tháo xoắn và điều trị xoắn buồng trứng, nhất là các trường hợp khó.
Sau phẫu thuật điều trị xoắn buồng trứng, bệnh nhân sẽ được kê thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, cần lưu ý nghỉ ngơi theo hướng dẫn để tổn thương được phục hồi tốt hơn. Nếu bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát hoặc từng điều trị và tái phát, cần sử dụng thêm thuốc nội tiết điều trị kéo dài.
3. Một số vấn đề khác liên quan đến bệnh xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng không phải là bệnh lý phần phụ phổ biến, vì thế hiểu biết các thông tin về bệnh còn hạn chế. Dưới đây MEDLATEC sẽ giải đáp một số thắc mắc về bệnh đến bạn đọc.
3.1. Tuổi càng cao nguy cơ xoắn buồng trứng càng giảm
Thực tế xoắn buồng trứng chủ yếu gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, khi hormone nội tiết tố được tiết ra nhiều nhất và hoạt động của buồng trứng cũng mạnh mẽ nhất. Do đó ở giai đoạn mãn kinh, buồng trứng được thu nhỏ kích thích, ít nguy cơ xoắn, lật hơn.
Tuy nguy cơ thấp hơn nhưng phụ nữ lớn tuổi vẫn có thể bị xoắn buồng trứng, không nên chủ quan khi có dấu hiệu bệnh.
Xoắn buồng trứng thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản
3.2. Dùng thuốc tránh thai có thể giảm nguy cơ xoắn buồng trứng
Thuốc tránh thai có rất nhiều lợi ích cho phụ nữ, trong đó có tác động đến nội tiết tố và có khả năng ngăn ngừa u nang buồng trứng, giảm nguy cơ mắc bệnh xoắn buồng trứng.
3.3. Điều trị vô sinh làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng
Ở phụ nữ sử dụng thuốc nội tiết tố điều trị vô sinh, buồng trứng thường được kích thích phát triển lớn hơn. Điều này cũng làm tăng nguy cơ lật, xoắn trứng, nhất là ở phụ nữ vận động mạnh quá mức trong thời gian dài.
Phương pháp giúp điều trị xoắn buồng trứng hiện nay chủ yếu là phẫu thuật, bên cạnh đó là sử dụng thuốc giảm đau và hỗ trợ điều trị. Nếu còn thắc mắc khác về bệnh, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn.