Trong quá trình mang thai mẹ bầu cần theo sát lịch trình khám thai định kỳ để đảm bảo con vẫn đang lớn lên khỏe mạnh. Tuy nhiên có một số chị em khi đi siêu âm thai về bị đau bụng, xuất hiện các triệu chứng bất thường và khá bối rối không biết nên xử lý như thế nào. Dấu hiệu này đôi khi tự hết nhưng cũng có khi là một biểu hiện nguy hiểm, cần phải gặp bác sĩ để giải quyết.
15/02/2020 | Các mốc siêu âm thai nhi quan trọng mẹ bầu cần lưu ý 18/01/2020 | Những điều mẹ bầu cần biết trước khi đi siêu âm thai 08/01/2020 | Siêu âm thai Hà Nội ở đâu uy tín, không phải chờ lâu?
1. Các mốc Siêu âm thai cần lưu ý
Để theo dõi sự phát triển của thai nhi một cách toàn diện và khoa học nhất, các mẹ nên tuân thủ theo sự chỉ dẫn cũng như lịch hẹn khám thai của bác sĩ, nhất là các dấu mốc quan trọng trong siêu âm thai:
-
Tuần thai thứ 5 đến tuần thai thứ 8: Xác định có thai hay không và tìm dấu hiệu của tim thai.
-
Tuần thai thứ 11 đến tuần thai thứ 14: Đo độ mờ da gáy để tầm soát Hội chứng Down.
-
Tuần thai thứ 20 đến tuần thai thứ 22: Tìm các dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, thành bụng không đóng kín, bất thường ống thần kinh,…
-
Tuần thai thứ 30 đến tuần thai 32: Kiểm tra về tim mạch, não, rốn thai, dây rốn, nước ối.
-
Tuần thai thứ 36 đến tuần thai 40: Siêu âm hàng tuần để theo dõi trước khi sinh.
2. Quá trình siêu âm diễn ra như thế nào?
Việc siêu âm thai diễn ra khá nhanh gọn và không phải đòi hỏi những quy trình phức tạp. Tùy vào tuần thai mà thời gian siêu âm có thể khoảng 15 - 20 phút hoặc kéo dài hơn. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn tiểu hoặc không tùy thuộc tuổi thai.
Quy trình siêu âm thai có thể trải qua các bước cơ bản sau:
-
Bước 1: Sản phụ nằm lên giường, kéo áo lên cao bộ lộ toàn bộ bụng.
-
Bước 2: Bác sĩ bôi gel lên bụng mẹ bầu làm giảm nhiễu sóng siêu âm.
-
Bước 3: Bác sĩ đặt đầu dò lên phần bụng đã bôi gel để tiến hành siêu âm, quan sát hình ảnh thai nhi trong bụng mẹ, đo đạc các chỉ số cần thiết.
-
Bước 4: Trả kết quả và tư vấn.
Hiện tại có nhiều loại siêu âm thai được áp dụng như siêu âm 2D, 3D, 4D, siêu âm Doppler màu, siêu âm đầu dò,… Tùy thuộc vào tuổi thai mà bác sĩ sẽ chỉ định loại hình siêu âm phù hợp để quan sát bé được tốt nhất.
Nhìn chung sóng siêu âm không gây ảnh hưởng đến mẹ và bé nên siêu âm là khá an toàn. Tuy nhiên, các mẹ hãy chỉ siêu âm theo chỉ định của bác sĩ, tránh siêu âm quá nhiều lần.
3. Nguyên nhân khiến đi siêu âm thai về bị đau bụng
Một số mẹ bầu than rằng khi đi siêu âm thai về bị đau bụng. Điều này có thể gặp phải ở một số trường hợp sau:
-
Do trước khi đi siêu âm mẹ bầu đã ăn thức ăn gì đó khiến lúc siêu âm kích thích vào dạ dày làm cho mẹ bầu đau dạ dày. Hoặc mẹ bầu ăn thức ăn lạ gây rối loạn đường tiêu hóa.
-
Do các bệnh lý của đường tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích,... gây đau bụng trùng hợp vào thời điểm siêu âm khiến mẹ bầu lầm tưởng đau bụng là do siêu âm thai.
Các bệnh lý đường tiêu hoá cũng có thể là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau bụng nhưng bị lầm tưởng là do siêu âm
-
Do trong những lần khám thai đầu, bác sĩ sử dụng phương pháp siêu âm đầu dò có thể gây tác động vào cổ tửng cung hoặc bàng quang khiến mẹ bầu khó chịu, gây tăng phản xạ của bàng quang hoặc đường tiêu hóa dẫn đến việc đi siêu âm thai về bị đau bụng.
-
Do sự di chuyển của thai sau trong hoặc sau khi siêu âm cũng có thể là nguyên nhân của việc đi siêu âm thai về bị đau bụng.
-
Do sự phát triển của thai gây căng giãn tử cung và dây chằng nên đôi khi mẹ bầu cũng có thể cảm nhận thấy vài cơn đau bất kỳ, nếu những cơn đau này xuất hiện trùng vào thời điểm siêu âm thì các mẹ cũng không nên quá lo lắng.
-
Do chuẩn bị chuyển dạ: Ở những tuần cuối của thai kỳ, thỉnh thoảng thai phụ có thể xuất hiện những cơn co tử cung hoặc sự đạp hay vận động của thai nhi để điều chỉnh ngôi thai. Những lúc này mẹ bầu có thể cảm nhận rất rõ tình trạng đau bụng. Việc siêu âm cũng có thể gây kích thích cơ học lên cơ tử cung khiến tử cung tăng co bóp.
-
Một nguyên nhân nữa khiến cho mẹ bầu đi siêu âm thai về bị đau bụng là do kỹ thuật siêu âm thô bạo của bác sĩ, tác dụng lực quá mạnh hoặc không đúng kỹ thuật sẽ khiến tử cung và thai nhi bị kích thích nhiều khiến bạn bị đau bụng. Vì vậy hãy lựa chọn cơ sở khám thai uy tín và bác sĩ có chuyên môn tay nghề cao, giàu kinh nghiệm để kiểm tra siêu âm nhé.
Hầu hết triệu chứng đau bụng khi đi siêu âm về thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, có những nguyên nhân nguy hiểm khác gây đau bụng khi mang thai mà mẹ bầu cần phải chú ý:
-
Chửa ngoài tử cung: Đây là hiện tượng phôi thai không làm tổ đúng vị trí trong buồng tử cung mà bám tại các vị trí khác như vòi trứng, sừng tử cung, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng,… Đây là một tình trạng nguy hiểm cần phải xử lý ngay bởi nếu để phôi phát triển lớn lên có thể gây vỡ khối chửa khiến tràn máu ổ bụng - là một cấp cứu nguy hiểm trong sản khoa.
Cần quan sát các bệnh lý nền của thai phụ và các biến chứng nguy hiểm khác
-
Sảy thai: Đây là một điều đáng tiếc có thể xảy ra nếu mẹ bầu gặp phải những sang chấn cơ học, tâm lý hoặc các yếu tố liên quan đến sinh hóa, hormone, di truyền,… trong quá trình mang thai. Khi sảy thai có thể có các triệu chứng như đau bụng dưới, ra máu âm đạo, mất đột ngột các dấu hiệu mang thai,… Nếu bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu trên thì cần phải đi khám bác sĩ ngay.
-
Đẻ non: Tình trạng này xảy ra khi thai bị đẩy ra khỏi tử cung của mẹ sớm, từ tuần thai thứ 22 đến trước tuần thai thứ 37 của thai kỳ (WHO). Đây là một vấn đề có thể gây ra những rủi ro nhất định cho cả mẹ và con như mẹ có thể gặp những tai biến sản khoa trong sinh, con có thể có những dị tật hoặc sự phát triển không đầy đủ, di chứng thần kinh, khuyết tật tim mạch hoặc các cơ quan khác sau này.
4. Cần làm gì khi đi siêu âm thai về bị đau bụng?
Việc đầu tiên khi cảm nhận thấy đau bụng sau khi siêu âm là phải báo lại cho bác sĩ biết về tình trạng của mình. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn quay lại để tái khám và nhập viện theo dõi nếu cần.
Kịp thời báo cho bác sĩ khi có dấu hiệu đau bụng
Tùy từng nguyên nhân mà sẽ có cách xử lý khác nhau, nếu do các nguyên nhân tiêu hóa hoặc ổ bụng không liên quan đến thai sản thì bác sĩ sẽ hội chẩn cùng chuyên khoa tiêu hóa để đưa ra phương án giải quyết.
Nếu nguyên nhân đau bụng do các vấn đề của thai kỳ, bác sĩ có thể chỉ định thêm những thăm dò hoặc xét nghiệm cần thiết để đánh giá thêm và xử trí.
Nếu bạn đau bụng do các nguyên nhân nguy hiểm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé thì bác sĩ có thể xử trí cấp cứu hoặc đình chỉ thai nghén.
Vì vậy, nếu đi siêu âm thai về bị đau bụng, bạn đừng chủ quan mà hãy tham vấn ý kiến chuyên môn của bác sĩ ngay nhé.
Để có những tư vấn chuyên môn và thăm khám tốt nhất, mẹ bầu hãy tìm đến những cơ sở y tế uy tín, chất lượng. Bệnh viện MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn khi cần. Với bề dày kinh nghiệm hơn 24 năm, Bệnh viện MEDLATEC tự hào có đội ngũ bác sĩ chuyên gia giỏi cùng hệ thống máy móc hiện đại sẽ đảm bảo mang đến cho bạn những dịch vụ tốt nhất.
Đặc biệt, bệnh viện có thực hiện khám BHYT tại BVĐK MEDLATEC - 42 Nghĩa Dũng và PKĐK MEDLATEC - 99 Trích Sài - Tây Hồ, áp dụng bảo lãnh viện phí với gần 40 đơn vị bảo hiểm bảo lãnh nên có thể hỗ trợ tối đa cho các bạn. Hãy gọi điện cho chúng tôi qua số tổng đài 1900565656 để được tư vấn cụ thể và đặt lịch khám thai định kỳ nhé.