Siêu âm thai là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất quan trọng giúp theo dõi quá trình phát triển cũng như phát hiện những bất thường bẩm sinh của thai nhi. Hiện vẫn chưa có bằng chứng về tác hại của siêu âm đối với thai nhi nhưng hãy chỉ nên đi siêu âm thai theo lịch hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Để tìm hiểu về kỹ thuật này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các mẹ những thông tin cần biết khi đi siêu âm thai.
28/06/2020 | Trước khi đi siêu âm thai có được ăn sáng không và cần lưu ý điều gì? 26/06/2020 | Mẹ bầu cần chuẩn bị gì khi đi siêu âm thai lần đầu? 18/01/2020 | Những điều mẹ bầu cần biết trước khi đi siêu âm thai
1. Siêu âm thai là gì?
Siêu âm thai là một kỹ thuật y khoa giúp các bác sĩ quan sát hình ảnh của thai nhi cũng như các thành phần khác liên quan như tử cung, bánh rau, nước ối,… qua việc mô phỏng chúng bằng sử dụng sóng siêu âm. Từ đó sẽ đánh giá được các chỉ số cần thiết nhằm phục vụ quá trình theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Đi siêu âm thai định kỳ giúp theo dõi quá trình phát triển của thai nhi
Thông qua siêu âm, chúng ta có thể theo dõi sự phát triển thai nhi qua các thời kỳ và sớm phát hiện được những bất thường trong thai kỳ để có những biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời.
2. Các mốc siêu âm cơ bản trong thai kỳ
Theo khuyến cáo của Hiệp hội thai kỳ Hoa Kỳ, việc siêu âm thai phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ và của bé. Sẽ có sự khác nhau giữa số lần và thời điểm đi siêu âm thai ở những sản phụ khác nhau.
Thông thường, có các mốc siêu âm thai cơ bản mà các mẹ có thể tham khảo như sau:
- Tuần thứ 5 - 8 của thai kỳ: Đây là lần siêu âm thai cơ bản và vô cùng quan trọng. Sau khi đã làm các xét nghiệm thử thai thì bạn cần thực hiện siêu âm để khẳng định chính xác xem mình có đang mang thai hay không cũng như kiểm tra xem phôi thai đã làm tổ đúng vị trí trong buồng tử cung hay chưa. Ngoài ra ở tuần thai này chúng ta cũng có thể xác định và nghe được tim thai. Ở lần đi siêu âm thai đầu tiên này, các mẹ sẽ có một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời với niềm hạnh phúc cũng như sự hồi hộp khi nghe được từng nhịp đập của trái tim thiên thần bé bỏng của mình.
Các mẹ hãy nhớ lắng nghe bác sĩ tư vấn về tuổi thai, tính toán tuổi thai, chế độ ăn uống, sinh hoạt, các lưu ý trong thai kỳ và những lịch tái khám kiểm tra định kỳ thai nghén nhé.
- Tuần thứ 11 - 13 của thai kỳ: Đây là một mốc kiểm tra vô cùng quan trọng, bởi từ tuần thai thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày, siêu âm thai có thể giúp các bác sĩ quan sát được một số dị tật biểu hiện bên ngoài cơ thể thai nhi, đặc biệt là việc đo khoảng sáng sau gáy (hay độ mờ da gáy) sẽ giúp tầm soát nguy cơ mắc hội chứng Down của thai.
Xác định khoảng sáng sau gáy giúp bác sĩ tầm soát hội chứng Down cho thai.
- Tuần thứ 16 - 20 của thai kỳ: Ở tuần thai này, việc đi siêu âm thai sẽ giúp kiểm tra sự phát triển của thai nhằm phát hiện các dị dạng bẩm sinh như hở hàm ếch, các dị dạng nội tạng, phát hiện các bất thường về dịch ối, tử cung.
- Tuần thứ 24 - 28 của thai kỳ: Đây là giai đoạn then chốt cần phải kiểm tra để quyết định việc đình chỉ thai nghén hay không nếu có bất thường. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng nước ối, rau thai, dây rốn, kiểm tra kỹ lại các bất thường về hình thái của tim thai cũng như các cơ quan khác. Các mẹ nên báo cho bác sĩ mọi dấu hiệu bất thường mà mình cảm nhận được để bác sĩ đưa ra hướng xử trí phù hợp.
Đi siêu âm thai ở tuần thai từ 24 - 28 là mốc then chốt
- Tuần thứ 32 - 36 của thai kỳ: Đây là lần siêu âm nhằm chuẩn bị thật tốt cho cuộc vượt cạn sắp tới của sản phụ. Ở những tuần thai này, việc siêu âm thai nhằm xác định ngôi thai, vị trí bám của bánh rau, các dấu hiệu bất thường phát sinh hay các dấu hiệu đẻ non, dọa đẻ non.
- Tuần thứ 36 - 40 của thai kỳ: Để chuẩn bị thật tốt cho việc chào đời của trẻ, cũng như theo dõi sát sao các thay đổi của mẹ và bé trước khi vượt cạn, các mẹ cần phải đi siêu âm thai thường xuyên hơn, mỗi tuần một lần thay vì định kỳ hàng tháng như trước đây. Bác sĩ sẽ xác định ngôi thai, kiểm tra sự phát triển của con, giám sát sự biến động của nước ối, vị trí bám bánh rau, các điểm vôi hóa bánh rau, phát hiện những bất thường của bánh rau hay dây rốn. Từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định phù hợp tùy thuộc vào tình hình, thậm chí phải chỉ mổ lấy thai khẩn cấp để tránh gây nguy hiểm cho hai mẹ con.
3. Quy trình siêu âm thai
Quy trình siêu âm thai khá đơn giản và nhanh gọn, thông thường mất khoảng 15 - 20 phút. Ở những lần siêu âm kiểm tra chi tiết hay tầm soát các dị tật bẩm sinh, có thể mất nhiều thời gian hơn để bác sĩ có thể đánh giá được toàn diện thai nhi.
Thông thường, khi đi siêu âm thai các mẹ sẽ thực hiện các bước sau:
-
Bước 1: Sản phụ sẽ nằm lên giường và kéo áo lên để lộ hết phần bụng.
-
Bước 2: Bác sĩ sẽ sử dụng gel để thoa lên bụng cho mẹ. Gel này giúp truyền sóng siêu âm tốt hơn để đưa ra hình ảnh rõ nét nhất.
-
Bước 3: Hình ảnh của thai nhi sẽ được mô phỏng lại trên màn hình giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng của thai cũng như các thành phần liên quan.
4. Lựa chọn hình thức siêu âm thai
Có rất nhiều loại siêu âm thai hiện nay như: 2D, 3D, 4D hay siêu âm Doppler màu. Các mẹ bầu có thể lựa chọn những phương pháp siêu âm thai tối ưu nhất cũng như bác sĩ uy tín để kiểm tra tình trạng của con mình một cách chính xác nhất.
Điểm chung trong nguyên lý hoạt động của các loại siêu âm này là đều sử dụng sóng âm để khảo sát thai nhi nên đều an toàn. Sự khác biệt là ở khâu mô phỏng hình ảnh trên màn hình. Trong siêu âm thai 3D và siêu âm thai 4D, hình ảnh sẽ được dựng lại tạo thành hình ảnh 3 chiều, 4 chiều, thay vì chỉ có hình ảnh 2 chiều như siêu âm thai 2D.
Siêu âm đầu dò âm đạo: Nghĩa là đầu dò siêu âm sẽ được bác sĩ đưa trực tiếp vào âm đạo để thu được hình ảnh thai nhi một cách rõ nét nhất. Thường thì hình thức này sẽ được thực hiện ở giai đầu của thai kỳ bởi nó đánh giá sự phát triển của thai chính xác hơn so với siêu âm qua thành bụng.
Siêu âm Doppler màu: Đây là phương pháp siêu âm tối ưu để đánh giá chức năng của nhau thai, đặc biệt là dây rốn.
5. Những lưu ý khi đi siêu âm thai
Để đánh giá toàn diện và tốt nhất cho thai nhi của mình, các mẹ nên chọn cho mình những bác sĩ chuyên khoa uy tín, giàu kinh nghiệm.
Ngoài ra, bạn cũng nên ghi nhớ một vài điều sau khi đi siêu âm thai:
-
Siêu âm Doppler qua đầu dò âm đạo ở những tuần thai đầu tiên là không cần thiết vì khi đó thai nhi chỉ đang ở giai đoạn phôi nên không đánh giá được bánh rau và dây rốn.
-
Không nên giữ quá lâu đầu dò siêu âm ở 1 vị trí.
-
Quy trình siêu âm cần được thực hiện nhanh hơn nếu mẹ bầu đang có tình trạng sốt.
-
Hãy uống nhiều nước để bàng quang căng tối đa khi đi siêu âm thai ở 3 tháng đầu. Điều đó sẽ giúp bác sĩ quan sát thai nhi tốt hơn.
-
Sau ba tháng đầu thai kỳ, bạn cần đi tiểu hết trước khi thực hiện siêu âm.
Với kinh nghiệm hoạt động hơn 24 năm, Bệnh viện MEDLATEC tự hào có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại sẽ hỗ trợ bạn tối đa trong quá trình mang thai. Chúng tôi có thực hiện khám BHYT tại BVĐK MEDLATEC - 42 Nghĩa Dũng và PKĐK MEDLATEC - 99 Trích Sài - Tây Hồ, áp dụng bảo lãnh viện phí với gần 40 đơn vị bảo hiểm bảo lãnh. Để có một thai kỳ an toàn và con yêu được phát triển khỏe mạnh, hãy gọi điện cho chúng tôi qua số tổng đài 1900565656 để được tư vấn cụ thể và đặt lịch khám thai định kỳ.